Cảng xuất than Bến Cân thuộc bờ trái sông Mạo Khê do Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh quản lý |
Hoạt động “rối loạn”, doanh nghiệp thiệt hại
Tròn 2 năm sau khi áp dụng làm thủ tục thu phí 2 lần trên một đoạn sông tại một số cảng, bến thủy nội địa (TNĐ) trên địa bàn giáp gianh Hải Dương, Hải Phòng với Quảng Ninh, nỗi bức xúc của các Doanh nghiệp vận tải TNĐ đã đạt đến mức “đỉnh điểm”. Nhiều Doanh nghiệp vận tải TNĐ cho rằng, việc bố trí thêm 1 lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ địa phương thực hiện quản lý nhà nước giống hệt Cảng vụ ĐTNĐ Trung ương trên cùng 1 vùng nước là để “hành doanh nghiệp… là chính”.
Tạp chí GTVT đã phản ánh về việc hàng loạt Doanh nghiệp vận tải “cầu cứu” Bộ GTVT trước những thiệt hại tài chính lớn khi phải nộp gấp đôi số tiền phí và lệ phí, đặc biệt là sự rối loạn trong hoạt động của doanh nghiệp sau 2 năm chấp hành nghiêm chỉnh quy định này. Nhưng trên thực tế, những bức xúc của doanh nghiệp tại “vùng biên giới” giữa 2 cơ quan Cảng vụ không chỉ dừng lại ở câu chuyện mất 2 lần phí và khó khăn khi làm thủ tục mà còn có nỗi bức xúc rất lớn về công tác quản lý nhà nước.
Hàng loạt những “rắc rối” mà người dân và doanh nghiệp phải hứng chịu trong quá trình hoạt động khi có 2 cơ quan Cảng vụ cùng quản lý đang đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý nhà nước. Bởi lẽ, việc nhìn nhận, đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Cảng vụ dường như là điều mà người dân và doanh nghiệp đang mong mỏi để tìm được giải pháp thiết thực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Cảng xuất Clinke xi măng Hoàng Thạch |
Theo ghi nhận thực tế tại Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Đại diện Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận cho hay, đơn vị này cũng như nhiều đơn vị vận tải khác trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn và rất bức xúc khi có 2 cơ quan Cảng vụ cùng quản lý 1 vùng nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận hiện hoạt động vận tải TNĐ với nhiều phương tiện pha sông biển - vốn là loại tàu cỡ lớn có khả năng hoạt động ổn định trên biển nhưng lại không được phép hoạt động “ổn định” trên sông tại Quảng Ninh.
“Hiện chúng tôi có 4 tàu khoảng 3.000 tấn đang ‘nằm chết dí’ tại Quảng Ninh, mặc dù đây là những phương tiện theo quy chuẩn quốc tế quy định được hoạt động ổn định trên vùng biển hạn chế I. Căn cứ theo khả năng đi biển, những phương tiện này có thể hoạt động ổn định trong điều kiện gió trên cấp 6, 7. Tuy nhiên, Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh coi những tàu này của chúng tôi cũng như tàu khách tại Vịnh Hạ Long. Khi có gió từ cấp 5 trở lên, nhằm đảm bảo sự an toàn, Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh cấm tất cả các loại phương tiện được phép hoạt động, bất chấp các quy chuẩn chuyên môn kỹ thuật về khả năng hoạt động của phương tiện. Đây thực sự là 1 điều hết sức vô lý” – Đại diện Công ty Việt Thuận bức xúc bày tỏ.
Cảng khu vực cầu Đá Bạc |
Đại diện công ty này cho biết, 4 phương tiện pha sông biển trên không được cấp phép rời cảng trong khoảng 1 tuần đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí vận hành cho 1 tàu trong 24 giờ là 30 triệu đồng, kể cả khi tàu dừng đỗ. “Trong 1 tuần dừng đỗ vừa rồi vì sự bất hợp lý này, chúng tôi đã thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, việc không đảm bảo tiến độ vận chuyển hàng hóa cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp”.
Cũng theo Đại diện công ty, gần 20 năm Công ty hoạt động tại địa phương này nhưng chưa từng có trường hợp nào vô lý như vậy xảy ra. Bên cạnh đó, Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh quá cứng nhắc khi thực hiện nghiệp vụ chuyên môn quản lý cảng vụ mà thiếu đi sự linh hoạt cần thiết trong tình hình thực tế.
“Có lần tàu chúng tôi bị va chạm với tàu khác trên hành trình, lực lượng chức năng xử lý vụ tai nạn đã giữ tất cả giấy tờ liên quan của phương tiện. Chúng tôi gửi fax cũng như gọi điện cho Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh để xin phép nhập cảng và được sự đồng ý. Tuy nhiên, khi đến nơi thì lại không được phép nhập vì lý do không có giấy tờ dù phương tiện đang trong tình trạng khẩn cấp vì bị hư hỏng nặng và có nguy cơ chìm đắm” - Đại diện Công ty Việt Thuận bức xúc cho hay.
Ùn tắc giao thông thủy: “Cha chung không ai khóc”
Trao đổi với Tạp chí GTVT, một số doanh nghiệp vận tải khác tại vùng giáp gianh cũng bày tỏ sự bức xúc trước những “nhức nhối” xuất phát từ sự chồng lấn trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực ĐTNĐ. Theo ông Tăng Bá Cót - Đại diện Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Vận tải Giang Sơn (Tp. Hải Dương), luồng lạch tại khu vực Bến Cân hiện không được đảm bảo. Việc cơ quan Cảng vụ thiếu sự quan tâm và “hờ hững” đối với luồng chạy tàu tại các cảng, bến đã dẫn tới tình trạng ùn tắc phương tiện giao thông thủy.
Cảng nhập nguyên liệu của xi măng Hoàng Thạch |
Cùng chung nỗi bức xúc trên, ông Nguyễn Văn Đại – Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải Đông Phong cũng cho biết, từ khi có thêm 1 cảng vụ tại đây, toàn bộ công tác quản lý cảng, bến đã biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. “Khi xảy ra va chạm vào buổi đêm, chúng tôi thực sự không biết giải quyết thế nào, cũng không biết kêu ai vì không cảng vụ nào đứng ra ‘làm chủ’. Trong khi trước đây, mọi sự cố đều được nhanh chóng giải quyết, nhất là vào những đợt mưa bão, lực lượng Cảng vụ đều lên tận phương tiện để hỗ trợ”.“Có lúc, phương tiện của chúng tôi phải đợi đến 2 giờ đồng hồ, thậm chí có trường hợp vì ách tắc mà xảy ra mâu thuẫn rồi gây gổ đánh nhau giữa các tàu. Đây quả thực là những việc chưa từng xảy ra trước đây”– ông Tăng Bá Cót cho hay.
Anh Nguyễn Văn Phòng – Thuyền trưởng tàu Nam Định 2555 chạy chuyển tải tuyến Điền Công – Đá Bạc chia sẻ: “Là người trực tiếp thực hiện thủ tục, thực tình chỉ mong được quay về thời kì như trước đây. Bởi lẽ, việc có thêm Cảng vụ quản lý tưởng sẽ tốt hơn, nhưng ai ngờ lại khổ như thế này. Ngay cả tiền nộp phí còn ít hơn tiền đi đò và xe ôm để đến Cảng vụ nộp phí. Làm thủ tục 2 lần như thế này, chủ tàu thì mất thêm tiền, còn thuyền trưởng thì vất vả cực nhọc hơn rất nhiều”.
Câu chuyện chồng chéo trong việc làm thủ tục, thu phí trên đường thủy đã không những gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực giáp gianh các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh mà còn giảm hiệu lực quản lý nhà nước đối với lực lượng Cảng vụ đường thủy nội địa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.