Vận chuyển khách đến Ấn Độ tăng gần 15 lần so với năm 2019
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022, giảm 7,4% so với năm 2019.
Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019; vận chuyển nội địa đạt 42 triệu khách, giảm 3% so với năm 2022 và tăng 12% so với năm 2019.
Mạng đường bay quốc tế phục hồi và từng bước mở rộng. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ.
Dù còn hạn chế nhưng trong năm 2023, các đường bay đến Trung Quốc và Nga cũng đã được khôi phục. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ.
"Năm 2023 vận chuyển 920 nghìn hành khách đến thị trường Ấn Độ, tăng gần 15 lần so với năm 2019 (thời điểm trước Covid-19). Trong khi đó, với thị trường Úc vận chuyển 913 nghìn hành khách, tăng 40% so với 2019", Cục Hàng không VN thông tin.
Hiện tại có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, châu Á và Châu Phi đến các điểm của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển với 66 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 600 chuyến bay mỗi ngày.
Bên cạnh việc khai thác các đường bay hiện hữu, trong năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau, TP.HCM - Điện Biên.
Theo dự báo của Cục Hàng không VN và các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không năm 2024 là từ 80 triệu khách trong đó nội địa là 38,3 triệu khách và quốc tế là 41,7 triệu khách.
Trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, dự kiến năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách (tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023). Trong số này, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách (tăng 30,6% so với năm 2023).
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 58 triệu khách (tương đương năm 2023). Trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 19,5 triệu khách (tăng 30% so với năm 2023).
Mở rộng mạng bay, nâng slot, rà soát lại một số khoản thuế, phí
Tại Hội nghị do Cục Hàng không VN tổ chức ngày 19/12, đại diện các hãng hàng không đều kỳ vọng thị trường vận chuyển quốc tế là cơ hội để các hãng hàng không phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Tuy nhiên, các hãng cũng xây dựng các kịch bản trên tinh thần thận trọng để sẵn sàng các phương án sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đinh Việt Phương, Tổng Giám đốc Vietjet, năm 2023, Vietjet vận chuyển được 25,3 triệu lượt hành khách, tăng 23% so với năm 2022 nhưng lại chỉ tăng 2% so với năm 2019. "Có thể nói, cơ bản các hoạt động của Vietjet đang quay trở lại bằng với năm 2019", ông Phương chia sẻ.
Nhưng theo ông Phương, do những ảnh hưởng của Covid-19, đến nay một số thị trường quốc tế chưa đạt, đặc biệt là Trung Quốc năm 2023 dùng chính sách nội tuần hoàn, không khuyến khích người dân ra nước ngoài du lịch nên lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam hạn chế.
Trong năm 2024, một trong những đề xuất được Vietjet gửi đến nhà chức trách hàng không và Bộ GTVT là cần rà soát lại các hiệp định hàng không, tiến tới đàm phán, mở rộng đường bay quốc tế, bởi bay quốc tế tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hãng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietjet cũng đề nghị nâng cao năng lực điều phối slot, đặc biệt là tại Tân Sơn Nhất. Cùng đó, quản lý, phân bổ slot linh hoạt để tạo điều kiện cho các hãng có nguồn lực có cơ hội phát triển.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, năm 2023, thị trường hàng không Việt Nam phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. "Thế giới hồi phục 90% thì Việt Nam khoảng 73% so với năm 2019. Thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn chưa bằng trước khi có dịch Covid-19", ông Hà nói và nhận định: "Năm 2024, dự báo thị trường hàng không quốc tế có sự hồi phục nhưng thị trường Việt Nam đi quốc tế cũng chỉ bằng 90% so với trước dịch".
Lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng lo ngại khi ngay tại thị trường nội địa cũng có dấu hiệu chững lại trong quý 4 và có thể kéo dài sang năm 2024. "So với 2019, thị trường khách nội địa trong quý 4 giảm khoảng 10%", ông Hà chia sẻ.
Trên cơ sở dự báo sản lượng vận chuyển năm 2024 tăng khoảng 10% so với 2019, tăng 2% so với 2023, Vietnam Airlines xây dựng các kịch bản để hướng đến mục tiêu cân đối thu chi trong năm mới.
Hãng cũng kiến nghị có thể cho phép chuyển đổi slot giữa các hãng; duy trì slot lịch sử, cho phép sử dụng slot 2023 cho năm 2024 và những năm tiếp theo; giảm thuế bảo vệ môi trường và một số khoản thuế, phí liên quan…
Đối với Bamboo Airways, sau tái cấu trúc, mạng bay của hãng thu hẹp lại đáng kể, đặc biệt là các đường bay đi châu Âu, Úc, Bắc Á, Đông Nam Á. Cùng chung kiến nghị rà soát cắt giảm một số khoản thuế, phí để không chỉ hãng mà cả hành khách cũng có thể hưởng lợi, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng đề nghị xem xét, đánh giá lại vấn đề slot tại Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, rà soát vấn đề hạ tầng, phục vụ để có thể nâng slot tại Tân Sơn Nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.