Ảnh minh hoạ |
Liên quan đến đề xuất của Hiệp hội dừa Việt Nam về việc trồng 100.000 cây dừa ven kênh rạch và một số tuyến đường mới trên địa bàn TP.HCM, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-9, ông Trần Thế Kỷ, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định dừa là loại cây cấm trồng trên đường phố.
Cũng theo ông Kỷ, Sở Giao thông vận tải đã nhận phiếu chuyển của UBND TP.HCM và Sở yêu cầu Phòng quản lý cây xanh soạn văn bản trả lời với nội dung như trên.
Chăm sóc cây xanh đã vất vả, đừng nói thêm cây dừa
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ , ông Kỷ cho biết một số tỉnh miền Tây như Bến Tre hay những tỉnh, thành miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang… cũng trồng dừa nhưng chưa có nơi nào trồng dừa trên đường phố bởi trái dừa, tàu dừa có thể rơi trúng người đi đường gây nguy hiểm.
“Việc chăm sóc cây xanh trên phố hiện nay không để gãy, tét nhánh rơi xuống đường đã là vất vả rồi đừng nói thêm cây dừa”, ông Kỷ nhấn mạnh.
Ngoài dừa, ông Kỷ cho biết thêm còn 27 loại cây khác (theo quyết định 52, ngày 25-11-2013 về ban hành danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.HCM) cũng thuộc diện cấm trồng trên đường phố như: bã đậu, bàng, bồ kết, các loại cây ăn quả, cao su, cô ca cảnh, da (sung), điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi (đại phong tử), lòng mức, lòng mức lông, mã tiền, me keo, mò cua (sữa), sọ khỉ (xà cừ), thông thiên, trôm hôi, trứng cá, trúc đào và xiro.
Theo UBND TP.HCM, những loại cây trên có độc tố gây nguy hiểm cho người, gây ảnh hưởng sức khỏe, môi trường. Riêng cây ăn quả khuyến khích trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố.
Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam: "Tôi không sợ thất bại"
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-9, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cũng cho rằng sự lo lắng của người dân về mức độ nguy hiểm của việc trồng dừa trên đường phố là đúng. “Nhưng trước khi có đề xuất này, chúng tôi cũng đã có phương án giải quyết”, bà Thanh khẳng định.
Các bộ phận trên cây dừa có thể tận dụng để làm nhiều sản phẩm gia dụng và hàng lưu niệm khác nhau phục vụ khách du lịch cũng như xuất khẩu như lá dừa, cọng dừa, gáo dừa…để làm chổi, giỏ quà, nón…
Trường hợp không muốn cho dừa ra trái thì có thể chiết xuất mật hoa dừa để làm thực phẩm hỗ trợ cho người bệnh tiểu đường và làm nước giải khát lên men, hoặc chưng cất rượu nhẹ.
Nói về đề xuất của mình, bà Thanh cho biết thêm: “Tôi không sợ đề xuất của mình thất bại, vì bên cạnh chúng tôi có những chuyên gia về dừa, hơn nữa, Viện biến đổi khí hậu - đại học Cần Thơ vừa có nghiên cứu mới nhất về khả năng lọc khí của cây dừa ở Giồng Trộm, Bến Tre. Khi xã hội hóa được việc chăm sóc và khai thác dừa, tôi tin rằng TP. HCM sẽ tiếp tục là thành phố tiên phong khai thác giá trị văn hóa dừa phục vụ cho ngành du lịch bằng nhiều sản phẩm thú vị và độc đáo”.
Vẫn theo bà Thanh, vì lợi ích quốc gia, Hiệp hội dừa Việt Nam đề xuất phương án này và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan lên kế hoạch lập đề án từ khảo sát đến tổ chức hội thảo lấy ý kiến cũng như đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu và có những thông số cụ thể cho từng yêu cầu.
Ví dụ một cây dừa trưởng thành về khả năng chống ngập úng, bộ rễ sẽ cấp thêm cho mạch nước ngầm bao nhiêu khối nước. Sức chịu đựng giông bão của dừa ở cấp độ mấy và giảm bao nhiêu phần trăm sức gió sau hàng dừa trong giông bão.
“Nếu được TP.HCM chấp thuận, Hiệp hội dừa Việt Nam sẽ ở vai trò tư vấn và tiếp tục đưa ra những chiến lược khai thác hiệu quả nhất giá trị của cây dừa, nhất là chuỗi giá trị vô hình”, bà Thanh nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.