'Lãnh địa’ bất khả xâm phạm của đoàn xe quá tải đeo ‘logo’ riêng

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Ý kiến 17/10/2019 07:59

Đặc điểm nhận dạng của đoàn xe ‘uy quyển’ hoạt động tại khu vực dốc Lời, đó là đều được đeo ‘logo’ riêng mang ký hiệu 'T' và ‘HT’.

20191013_094156.JPG
Dòng xe đeo logo mang ký hiệu chữ 'T' chở quá tải hoành hành trên nhiều tuyến đường thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) và hiếm thấy lực lượng chức năng "hỏi thăm'. Ảnh: VŨ THÀNH

Cát cứ ‘ăn hàng’ của xe quá tải

Từ lâu khu vực Dốc Lời nằm cạnh sông Đuống thuộc địa phận xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) được xem là cứ điểm dồn hàng, chất hàng quá tải bất khả xâm phạm của đoàn xe quá tải đeo ‘logo’ riêng. Nói về cát cứ này, người dân nơi đây quen gọi là ‘cảng’ bởi thường xuyên có các tàu tải trọng vài nghìn tấn neo đậu, chuyển tải hàng hóa. Thực tế ‘cảng’ này không có cầu tàu cũng chẳng có các thiết bị cố định phục vụ việc bốc xếp hàng hóa.

Tàu, sà lan nườm nượp neo đậu tại cảng này, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn ra, vào bốc xếp hàng hóa nhưng người ngoài rất khó tiếp cận bởi có một lực lượng cảnh giới sẵn sàng ra ‘hỏi thăm’ những người lạ vô tình dừng chân. Phải mất rất nhiều thời gian, PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi được những hình ảnh xe ra vào dồn hàng, chất tải kiểu ‘bất chấp’các quy định về tải trọng xe tại đây.

Theo một quy trình khép kín: Sau khi tàu cập bến, hàng hóa chủ yếu nông sản, sắt cuộn và cát xây dựng được cẩu lên những chiếc xe tải lớn. Sau khi “ăn” hàng những chiếc xe lặc lè vượt qua đê sông Đuống, xuống đường Ỷ Lan, ra hướng quốc lộ 5 đi về khu công nghiệp Phố Nối (huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Đặc điểm nhận dạng của đoàn xe ‘uy quyển’ hoạt động tại khu vực dốc Lời, đó là đều được đeo ‘logo’ riêng mang ký hiệu 'T' và ‘HT’.Hàng ngày, những chiếc xe này hàng ngày chạy qua trụ sở Công an huyện Gia Lâm nhưng tuyệt nhiên không bị bắt giữ. Ông V.C.Th, một người dân sống gần trụ sở Công an huyện Gia Lâm bức xúc: ‘Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải không phủ bạt rầm rập chạy qua đường nội đô, bụi từ các xe này bay ra mù mịt nhưng chẳng hiểu sao lực lượng công an huyện Gia Lâm lại để yên’.

20191013_093814.JPG
Đặc điểm nhận dạng của đoàn 'xe vua' hoạt động tại khu vực dốc Lời đều gắn logo 'T". Được biết, chủ nhân đứng phía sau dòng logo này là người đàn ông tên Tập, ở Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: VŨ THÀNH
20191013_094006.JPG
Nườm nượp xe tải 'ăn hàng' tại bãi tập kết cát của Cty An Thịnh. Ảnh: VŨ THÀNH

Lãnh đạo UBND xã Đặng Xá cho biết, xã có 3 doanh nghiệp (DN) được cấp phép cho thuê đất kinh doanh bến bãi ven đê sông Đuống, gồm doanh nghiệp Hà Trang, Cty CP xây dựng Gia Lâm, Cty An Thịnh. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của Cty Hà Trang là quy mô hơn cả. Tại đây, mọi hoạt động bốc dỡ diễn ra cả ngày lẫn đêm. Mặt hàng qua cảng chủ yếu là sắt cuộn và hàng nông sản.

Đeo ‘logo’ tuyệt đối không bị ‘hỏi thăm’ vặt?

Để kiểm chứng mức độ uy quyền của đoàn xe chở cát đeo ‘logo T’ ngày đêm hoạt động tại dốc Lời, chúng tôi đã bám theo nhiều chuyến xe này từ điểm ‘ăn hàng’ là bãi cát An Thịnh về tới điểm trả hàng là huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bằng mắt thường có thể nhận thấy, những chiếc xe này phần lớn đều hoán cải thành thùng xe, chở trọng tải gấp 2-3 lần cho phép, tuy nhiên khi lưu thông trên đường, lực lượng Cảnh sát giao thông chốt chặn trên QL5 lại cố tình ‘quên’ xử lý, mà chỉ tập trung vào xử lý biển ngoại tỉnh và không đeo ‘logo’ nhận diện.

Sáng ngày 13/10, bám theo xe Hổ vồ (Howo) BKS: 89C-167.49 đeo logo ‘T’ từ đại công trường khai thác cát thuộc Cty An Thịnh. Tại đây, chiếc xe được múc đầy cát, tài xế vội phủ bạt để lộ “núi cát” cao ngút. Chiếc xe “ì ạch” bò ra con đường đê sông Đuống. Từ đây, chiếc xe tiếp tục đi ra đường Ỷ Lan, vượt qua chốt kiểm soát giao thông thuộc Đội CSGT-TT (Công an huyện Gia Lâm),  rồi lao vun vút về hướng QL5.

Trích xuất dữ liệu đăng kiểm cho thấy xe BKS: 89C-167.49 có thể tích hơn 15m3, chỉ cần chở đầy thành thùng cát đã có tải trọng lên đến 50 tấn (hệ số vật liệu 1,5-1,7, tùy khô, ướt- PV). Trong khi khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông chỉ 17 - 20 tấn, ước vượt tải trên dưới 150%. Ngoài ra, chưa kể phần cơi nới thành thùng cao gần 1,5 mét và phần chở có ngọn.

Tiếp đó, PV tiếp tục bám theo chiếc xe ben BKS: 89C-050.54, chở cát “có ngọn”, nước chảy ròng xuống đường, thành thùng cơi nới cao gần 50cm. Trích suất dữ liệu đăng kiểm cho thấy chiếc xe ướt quá tải từ 50-100%, chưa kể phần cát chở có ngọn. Cũng tại đây, PV còn ghi nhận hàng loạt xe BKS: 89C-010.26, 29C-439.34, 89C-059.74, có thành thùng cơi nới cao, hoạt động tương tự.

SmartSelect_20191015-123112_Video Player.JPG
 
SmartSelect_20191013-094907_Video Player.JPG

Đường đê sông Đuống có tải trọng tối đa 10 tấn, tuy nhiên đoàn xe đeo logo 'T" sức chở lên tới 40 -50 tấn hoạt động giữa 'thanh thiên bạch nhật'. Ảnh: VŨ THÀNH

Trên chiếc xe tải màu vàng nhãn hiệu Hổ Vồ loại 17  tấn,  chở cát tại dốc Lời, tài xế Tùng liên tục phải kéo những hồi còi dài để báo hiệu cho các phương tiện đi phía trước. Anh giải thích: “Đường đê sông Đuống vừa xấu lại hẹp, xe mình thì nặng thế, không kéo còi từ xa lúc đến gần sợ không phanh kịp”.

Chúng tôi hỏi: “Xe chở gì, bao nhiêu tấn?”. Anh đáp: “Chở cát, cả xác xe và hàng vào khoảng 40 tấn, gấp hơn 2  lần tải trọng cho phép. Nếu đưa lên bàn cân, với mức quá tải như thế này có thể bị phạt lên tới 50 triệu đồng. Bởi, cát vừa được đưa lên từ tàu nên rất nặng, đặc biệt khi bị ngấm nước. Tuy vậy, chỉ cần phủ lên trên thùng một lớp bạt mỏng che đậy đám vật liệu nặng nề bị lèn chặt phía dưới, chiếc xe của anh Tùng cứ thế vun vút lao đi.

Ra tới đường 5, trước mặt chúng tôi là một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ khiến giao thông hơi ách lại. Tài xế Tùng cho xe giảm tốc độ rồi từ từ vượt qua chốt mà không vấp phải bất cứ một sự truy cản nào. Chúng tôi ngỡ ngàng đặt câu hỏi. Anh Tùng nói, bởi trước mũi xe anh có đeo logo ‘H’ để lực lượng nhận biết nên hầu như không bao giờ bị ‘hỏi thăm’ vặt.

Sau khi vượt chốt CSGT nói trên một cách an toàn dù quá tải, người lái xe trẻ tuổi nói với chúng tôi rằng anh không biết ‘H’ nghĩa là gì,, mà chỉ biết những xe dán dòng chữ đó phía trước là xe đã đóng ‘luật’ tháng (!?)

Ở nội dung bài sau, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc về mức độ uy quyền của đoàn xe chở sắt cuộn đeo logo ‘HT’ cũng như những dấu hiệu bỏ lọt vi phạm của các lực lượng chức năng thuộc hai tỉnh Hà Nội và Hưng Yên trong công tác kiểm soát tải trọng xe.

Trước đó, Thủ tướng vừa  ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg, giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng CSGT tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông. Chỉ thị cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận