Thiếu thức ăn, thiếu nước, các LĐ phải ăn mỳ tôm sống qua ngày |
Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại chiều 16.10 với phóng viên, anh Tô Văn Cao - một trong số 16 lao động (LĐ) đang làm việc cho chủ thầu Trung Quốc tại tỉnh Ain Defla (Algeria) cho biết, hôm nay là ngày thứ 3 chủ sử dụng cắt cơm của các LĐ Việt Nam. Đây là lần thứ 2 chủ sử dụng bỏ đói các LĐ.
Tình cảnh của nhóm 38 LĐ đang làm việc tại tỉnh Khenchela (Algeria) cũng bi đát không kém. Anh Quân, một LĐ ở Khenchela nói: “Số tiền 500 USD mà công ty hỗ trợ để mua gạo và thức ăn đến ngày hôm nay đã cạn. Chúng tôi mong về nước sớm ngày nào hay ngày đó, chứ ở lại làm việc trong tình cảnh nơm nớp bị dọa đánh, dọa giết như thế này thì làm sao chúng tôi sống nổi”.
Sẽ mua vé cho LĐ về nước
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp can thiệp của Bộ LĐ-TB-XH đưa LĐ về nước theo nguyện vọng của LĐ và gia đình, chiều 16.10, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: “Mục tiêu của cơ quan nhà nước trước tiên phải đảm bảo an toàn cho người LĐ. Có LĐ muốn về, nhưng có LĐ muốn ở lại. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo doanh nghiệp yêu cầu đảm bảo điều kiện tốt hơn cho LĐ; đồng thời đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria hỗ trợ bảo đảm tính mạng và an toàn cho LĐ, tránh lặp lại vụ việc đánh nhau. Các LĐ bị thương đang làm thủ tục chứng thương để về nước”.
Thân nhân các LĐ đến cầu cứu Bộ LĐ-TB-XH ngày 15.10 |
Theo ông Nam, với những LĐ có nguyện vọng ở lại, trong trường hợp chủ sử dụng không thống nhất với người LĐ cách thức trả lương, Bộ LĐ-TB-XH sẽ yêu cầu cơ quan chức năng của Algeria thực hiện chuyển chủ. Còn LĐ muốn về nước, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ.
Trước thông tin, chủ thầu Trung Quốc bắt LĐ phải bồi thường 3.000 - 4.000 USD mới được về nước, ông Nam cho hay sẽ kiểm tra lại thông tin. “Trước mắt, trong trường hợp LĐ không có khả năng chi trả, doanh nghiệp phải bỏ tiền ra đảm bảo tính mạng đưa LĐ về nước. Sau đấy, sẽ căn cứ vào hợp đồng, ai sai, sai đến đâu để cùng chia sẻ rủi ro”, ông Nam nói.
Theo tính toán của ông Nam, nếu 55 LĐ đều muốn về nước, chi phí có thể lên tới hơn 200.000 USD. “Chúng tôi sẽ phải tính toán, trường hợp vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phải báo cáo Thủ tướng xin phép sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để đưa LĐ về”, ông Nam cho biết.
Trước đó, tối 16.9, 55 lao động Việt Nam do Công ty Simco Sông Đà đưa sang Algeria làm việc tại công trường xây dựng do Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) làm chủ thầu đã bị hơn 200 công nhân Trung Quốc tấn công. Vụ ẩu đả đã khiến 3 LĐ Việt Nam bị trọng thương. Các LĐ và người thân của họ đã gửi đơn đến cơ quan chức năng kêu cứu. Sau vụ ẩu đả, 55 LĐ của VN được chủ sử dụng Trung Quốc tách làm đôi, 16 LĐ làm việc tại tỉnh Ain Defla, 38 LĐ làm việc tại tỉnh Khenchela. Một LĐ bị thương vẫn đang được điều trị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.