Ngày 14/12 tại Hà Nội, Chi hội Đào tạo và sát hạch lái xe (Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Ông Phan Thanh Uy, Phó tổng thứ ký thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, năm 2022, dịch bệnh Covid - 19 đã được khống chế, hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đã từng bước phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
"Nhiều cơ sở gặp khó khăn trong việc đưa thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe (DAT), sát hạch trên phần mềm mô phỏng vào chương trình đào tạo. Đặc biệt, việc triển khai cabin tập lái xe từ 01/01/2023, nhưng đến 15/11/2022 cơ quan quản lý mới chọn được đơn vị kiểm nghiệm chất lượng của cabin và đến đầu tháng 12/2022 mới có sản phẩm cabin đầu tiên được công nhận hợp quy nên rất khó khăn để các cơ sở đào tạo cả nước đáp ứng được theo yêu cầu", ông Phan Thanh Uy thẳng thắn nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam và đại diện một số cơ sở sát hạch lái xe phát biểu tại buổi tổng kết.
Tại hội nghị, đề cập câu chuyện về cabin tập lái, ông Lại Văn Chất, Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ - Công ty Cổ phần Thành Đạt (Hà Nội) cho rằng, với cơ sở đào tạo sát hạch có lưu lượng 1.000 học viên, chia làm 3 tháng, mỗi tháng 3 lớp, mỗi lớp có 111 học sinh thì sẽ cần khai thác cabin tập lái tối thiểu 12 giờ/ngày. Theo công thức này, 1 đơn vị có lưu lượng 1.000 học sinh thì phải đầu tư 28 cabin, khá tốn kém.
"Hiện nay mới chỉ có một nhà cung cấp được công bố đạt chuẩn, mà mỗi cabin có giá vài trăm triệu đồng, chưa kể bộ máy vận hành, tạo áp lực rất lớn đối với cơ sở đào tạo", ông Chất nói.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Phiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trường trung cấp nghề Công trình 1 (Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này mới có 1 đơn vị có sản phẩm được công nhận hợp quy, trong khi thời điểm 1/1/2023 đang cận kề gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe có quá ít cơ hội lựa chọn nhà cung cấp.
"Thiết bị cabin cũng là một tài sản, nếu không lựa chọn kỹ sau này sẽ gây thiệt hại cho đơn vị", bà Thanh nêu ý kiến.
Theo ông Phan Thanh Uy, Phó tổng thứ ký thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tính đến thời điểm 30/11/2022, hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên cả nước cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe ô tô (DAT). Tuy nhiên, một số cơ sở đào tạo phản ánh, trong quá trình thực hiện, thiết bị DAT tiếp tục phát sinh lỗi, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.
Trước những ý kiến từ đại diện các cơ sở đào tạo, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải, phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, cũng đã nhận được phản ánh về tình trạng camera không nhận dạng, mất phiên học, không ghi nhận phiên học, có trường hợp điều chỉnh phần mềm, gian lận thời gian học, trên xe lắp nhiều thiết bị...
Theo ông Thống, các cơ sở đào tạo cần quản lý chặt, không để giáo viên gian lận, vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Ông Thống thông tin thêm, trước những bức xúc của cơ sở đào tạo, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đơn vị thử nghiệm, đơn vị chứng nhận đề nghị kiểm tra xem sản phẩn của doanh nghiệp cung cấp ra bên ngoài có phù hợp với sản phẩm mẫu đã đăng ký, nếu thiết bị không đảm bảo thì thu hồi, trả lại tiền cho cơ sở đào tạo.
Liên quan đến thời hạn áp dụng thực hiện cabin tập lái xe vào ngày 1/1/2023, ông Thống đề nghị các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế để chọn sản phẩm, sắp xếp thời gian đào tạo cho các học viên theo quy định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.