Lênh đênh làng chài trên cao nguyên

Xã hội 11/03/2018 15:48

Những nhà nổi cùng lồng bè dập dềnh trên sóng nước hồ thủy điện; ở đó là cuộc sống vất vả của những ngư dân mưu sinh với nghề chài lưới, nuôi cá lồng...

 

1_tsii
Một góc làng chài trên hồ Buôn Tua Srah, Đắk Lắk

Nhọc nhằn nghề hạ bạc

“Nuôi cá trên hồ thủy điện với kiểu đánh bắt tự nhiên không thật bền vững; hết nguồn cá thì ngư dân khó trụ với nghề nuôi. Họ không có vốn để đầu tư nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp, hơn nữa nước hồ giờ đã ô nhiễm, cá dễ bệnh, khó nuôi lâu dài. Với nghề chài lưới kết hợp nuôi cá lồng bè như vậy, ngư dân khó lập nghiệp ổn định”, một cán bộ xã Đắk Som, H.Đắk G’long (Đắk Nông) nhận xét khi đưa chúng tôi thăm làng chài trên hồ thủy điện Đồng Nai 3.

Xuôi theo QL27 qua vùng đồi núi chập chùng, đến cầu Đắk Hil của H.Lắk (Đắk Lắk) bỗng hiện ra không gian mênh mông của hồ thủy điện Buôn Tua Srah. Hai đầu cầu Đắk Hil là những chòi tạm bán khô cá; treo trên mép mái tôn là những con khô lóc xẻ dọc đã bóc hết xương, dải thịt cá ươm mỡ óng ánh; dưới sạp là rổ cá khô nhỏ như cá mương, cá lìm kìm…

Thấy có xe máy hay ô tô chầm chậm qua, những phụ nữ bán hàng ra sát mép đường vẫy tay mời gọi. Một xe khách dừng lại, hơn chục hành khách ùa xuống sà vào các quầy hàng. Một phụ nữ đứng tuổi tên Sáu đon đả: “Mua khô đi mấy cô chú, ở đây toàn là khô sạch, một con cá lóc to vầy nuôi gần cả năm mới đem xẻ thịt làm khô, hỏi sao thịt không chắc, thơm ngon cho được!”.

Dường như cách nói mộc mạc của bà Sáu thuyết phục được nhiều người mua hàng.

Gần đó, vợ chồng ông Phạm Văn Đạt cũng có quầy khô cá, bận rộn bán cho khách lẻ đi xe máy ngang qua. Xong việc bán hàng, ông Đạt vui vẻ kể cho chúng tôi nghe nguồn cơn đến mưu sinh trên hồ thủy điện này. Quê ở Đồng Tháp, từ nhỏ ông lưu lạc đến vùng Biển Hồ (Campuchia) làm nghề chài lưới. Cuộc sống thuyền chài ở xứ người lúc thăng, lúc trầm. “Được mùa cá, tiền vào rủng rỉnh nhưng có năm cá tôm thất bát, bữa đói, bữa no. Thấy cuộc sống bấp bênh quá nên khi những người bà con hồi hương, tôi cũng theo về Đồng Tháp”, ông Đạt kể. Về quê một thời gian, cách nay 3 năm, nghe cậu em vợ nuôi cá lồng ở hồ thủy điện Buôn Tua Srah, ông Đạt lên thăm, thấy mến cảnh non nước cao nguyên liền đưa cả nhà lên lập nghiệp.

Ông Đạt đưa chúng tôi tham quan một số bè cá. Nhìn từ trên cầu Đắk Hil, những lồng bè trông tạm bợ, dập dềnh theo sóng nước. Ông Đạt cho hay cả xóm này có trên 30 lồng cá lóc, riêng ông nuôi khoảng 2 lồng, mỗi năm thu chừng 4 tấn cá. “Năm 2016, giá cá tụt xuống 30.000 đồng/kg, năm 2017 khá hơn 40.000 đồng/kg, nhưng thiếu thức ăn, nuôi dài ngày quá, tính ra lỗ chú ơi!”, ông nói. Theo ông Đạt, cá lóc nuôi chừng 8 tháng là đủ trọng lượng xuất bán nhưng không đủ thức ăn thì có thể kéo dài cả năm. Người đàn ông thâm niên gần 40 năm chài lưới này trải lòng: “Hai năm nay làm ăn chỉ đủ sống, không có dư dả để về thăm quê miền Tây một chuyến”.

Chúng tôi ghé một số nhà nổi nhưng hầu hết đều vắng lặng. “Ở đây ban ngày đàn bà đi bán cá, còn đàn ông phải ngủ lấy sức để đêm đi đánh bắt trên hồ”, ông Đạt giải thích. Tại một nhà bè có tiếng nhạc xập xình, chúng tôi nghe giọng ngái ngủ chào hỏi vọng ra. Đó là ông Lê Văn Dũng (50 tuổi), một ngư phủ gắn bó gần chục năm trên hồ Buôn Tua Srah. Trò chuyện, ông Dũng cho biết xóm chài này hình thành từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah được xây dựng, con suối Đắk Hil tích nước, dần dần mở rộng thành hồ chứa. Dân các xã ở H.Lắk rủ nhau đến đây đánh bắt cá, sau đó tính chuyện lâu dài bằng nghề nuôi cá lồng bè. Dần dà người tứ xứ, chủ yếu từ miền Tây Nam bộ, đổ về lập nên xóm chài, đến nay hơn 20 hộ. Do thuận đường QL27, cá lóc nuôi ở đây mỗi lần xuất bán là có xe đưa lên Buôn Ma Thuột, hoặc sang Lâm Đồng, rồi tỏa đi các tỉnh. Một lượng cá được xẻ, ướp làm khô để bán lẻ.

Nhìn sóng nước lăn tăn trên hồ, ông Dũng cười hiền: “Được gió êm, sóng lặng vầy thì mừng, lắm khi khốn đốn do trời trở gió lớn, ở trên bè không yên tâm”. Ông kể mới rồi cơn bão số 12 xộc đến, cả xóm nhà bè một phen hoảng hốt; sóng lớn làm chao đảo các lồng bè, có lồng chưa kịp gia cố vỡ tung. Nhiều người bỏ lồng bè, bơi thuyền vội vào bờ tránh trú gió bão. “Cách đây mấy năm, có đôi vợ chồng ra giữa hồ, bị sóng lớn đánh chìm thuyền, người vợ rơi xuống nước mất tích mấy ngày mới tìm thấy xác. Ai cũng biết ở giữa hồ lúc sóng to gió lớn, hiểm nguy luôn chực chờ nên không dám mạo hiểm bám trụ trên lồng bè”, ông Dũng nói.

2_fkuw

Cư dân làng chài hồ Buôn Tua Srah bán sản phẩm khô cá (ẢNH: TRUNG CHUYÊN)

Du mục trên sông nước

Ông Dũng bảo nuôi cá lóc lồng bè trên hồ Buôn Tua Srah là kiểu nuôi “con nhà nghèo”, vì không có tiền mua thức ăn chế biến nên phải nuôi bằng cá nhỏ đánh bắt trong tự nhiên. Hằng đêm, dù sương khuya, gió lạnh, đàn ông ở các nhà lồng đều xuất quân đi chài lưới trên hồ, thời gian đầu cá còn nhiều thì cất vó gần lồng bè, sau đó phải đi xa hơn để quăng chài, dùng đèn rọi sáng để dụ cá vào vó, lưới. “Những đêm trăng sáng thì xem như “nghỉ chơi” vì đèn pha cũng không thu hút cá. Đêm nào sóng to, gió lớn cũng nghỉ vì khó đánh bắt. Cá lóc là giống phàm ăn, đói quá có khi chúng xơi luôn đồng loại. Vào mùa thiếu ăn, sáng dậy ra thăm lồng cá mà thấy nổi lên vài đầu cá trơ xương là biết”, ông Dũng đúc kết. Nói đoạn, ông chép miệng: “Không biết bám trụ nghề này thêm bao lâu nữa vì lượng cá đánh bắt ngày càng ít đi, không biết lấy gì để nuôi!”.

Nỗi lo của ông Dũng ở hồ thủy điện Buôn Tua Srah đã trở thành hiện thực ở một xóm nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Đồng Nai 3 cách đó hơn

100 km, tại H.Đắk G’long (Đắk Nông). Khoảng 3 năm trước, nơi này có gần 100 nhà bè nhưng nay chỉ còn thưa thớt chưa tới 30 nóc giữa hồ, nhiều lồng bè kéo sát vào bờ bỏ trống. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hiền (55 tuổi) ngay trên nhà bè đang gỡ một ít cá sót lại trên tấm lưới vừa đánh bắt. Chỉ tay vào số lồng cá ghếch trên mép nước, bà bảo: “Số lồng này chuẩn bị tháo dỡ, ai mua lại thì bán rẻ đó. Mấy chủ lồng tính bỏ nghề nuôi cá để lên bờ làm việc khác”.

Bà Hiền cho biết, ngày trước cá trên hồ còn nhiều, mỗi đêm gia đình đánh bắt chừng 1 tạ, giờ chỉ khoảng chục ký. “Chồng tôi hơn 60 tuổi rồi, sức khỏe kém nên không biết đổi nghề gì làm ăn, thôi thì cứ bám lấy lồng bè, nuôi ít cá lóc, cá thát lát; còn lại đánh bắt thêm. Có người nuôi cả chục lồng, không kham nổi thức ăn cho cá nên phải bỏ cuộc”, bà Hiền phân trần.

Cạnh nhà bè của bà Hiền, anh Nguyễn Văn Nghĩa (46 tuổi), vẻ mặt khắc khổ, bộc bạch: “Những năm đầu khi mới hình thành hồ thủy điện này, cá tự nhiên nhiều vô kể, dân chài lưới nuôi cá thuận lợi lắm. Nhưng khi người đông, ai nấy đều chăm chăm đánh bắt thì cá lớn, cá bé đều cạn kiệt, không còn đủ thức ăn cho cá nuôi. Chỉ vài năm, nhiều hộ thua lỗ phải bỏ đi, không biết có tiếp tục cảnh “du mục” trên sông hồ nào khác hay chuyển nghề”.

Ý kiến của bạn

Bình luận