Dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng, gồm hơn 4.520 tỷ đồng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và gần 823 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,836km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m. Về quy mô, Dự án được thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; 02 làn dừng khẩn cấp, 02 dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100 km/h.
Hạng mục chính của gói thầu số 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long là công trình cầu cạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, bề rộng điển hình cầu cạn là 24,0m, kết cấu nhịp sử dụng dầm Super-T, riêng tại vị trí hai nút giao là Hoàng Quốc Việt và Tây Thăng Long (nút giao theo quy hoạch) bố trí kết cấu cầu thép.
Đến thời điểm này, Liên danh Tokyu và Taisei đã thực hiện 481/557 cọc khoan nhồi D1200, bệ trụ đã thi công được 37/59, thân trụ là 37/59, xà mũ 9/58, dầm Super T đã đúc được 142/568 phiến, lắp dầm Super T 42/568. Tính đến ngày 30/6/2019 tại gói thầu số 2, đơn vị thi công đã hoàn thành được 33,22%, tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu. Theo hợp đồng đã ký kết, dự án sẽ hoàn thành sau 28 tháng thi công (dự kiến kết thúc vào tháng 8/2020).
Hiện tại, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến hành thi công cọc khoan nhồi, làm thân bệ trụ, xà mũ, đúc và lao dầm Super T... Tại công trường, từng tốp công nhân đang hàn khung sắt bệ đỡ xà mũ nhằm thực hiện việc lao lắp dầm tại một số trụ đã hoàn thành. Quá trình lao lắp dầm Super T sẽ được thực hiện vào ban đêm từ 22 giờ tới 5 giờ sáng ngày hôm sau. Khi xe vận chuyển dầm đến, nhà thầu tiến hành chặn đường tạm thời trong khoảng 15 phút để nhấc dầm lên xà mũ của trụ để giải tỏa thông đường. Mỗi phiến dầm nặng 68 - 70 tấn, bình quân từ lúc vận chuyển ở nơi đúc bãi đến lao lắp khoảng 02 tiếng/dầm. Tuy nhiên, nhà thầu thường lao lắp 02 phiến liên tiếp gối nhau nên thời gian phiến dầm sau sẽ rút ngắn chỉ còn 30 phút.
Khi Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông tuyến sẽ kết nối liên thông tuyến Vành đai 3 trên cao đã đưa vào khai thác đoạn từ cầu Thăng Long đến Pháp Vân, hoàn thiện tuyến đường vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận, góp phần giải quyết UTGT cửa ngõ Thủ đô. Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được thiết kế xe chạy với vận tốc 100 km/h và sẽ được kết nối trực tiếp với cầu Thăng Long đi các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, mặt cầu Thăng Long hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, vận tốc lưu thông chỉ cho phép 50 km/h dù đã được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa chữa. Thiết nghĩ, các đơn vị cần tập trung khẩn trương triển khai sửa chữa mặt cầu để khi Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đưa vào khai thác sẽ tránh dồn ứ, tạo điểm nghẽn chân cầu.
Dự án đưa vào khai thác không chỉ góp phần giảm tải áp lực UTGT cửa ngõ phía Bắc Thủ đô mà công trình còn ghi dấu ấn đậm nét của Liên danh nhà thầu Tokyu và Taisei trên mỗi công trình giao thông, nhằm thắt chặt tình hữu nghị Việt - Nhật
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.