Theo thiết kế, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở (phía đường Trường Chinh) với chiều dài gần 5,1km. Riêng gói thầu XL-03 có tổng chiều dài là 1,6km do nhà thầu Liên danh Trung Nam và Trung Chính thi công.
Điểm nổi bật của dự án là ứng dụng công nghệ MSS (Movable scaffolding sytem) hay còn gọi là công nghệ thi công bằng hệ đà giáo di động đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Việc thi công bằng đà giáo di động đã được áp dụng ở Việt Nam qua một số công trình như: Cầu vượt Ngã Tư Vọng, cầu Nhật Lệ 1 do Công ty Cầu 12 thi công, sử dụng hệ đà giáo chạy dưới tự chế tạo, nguyên lý cấu tạo, di chuyển còn thô sơ, tiến độ thi công kéo dài. Cầu Thanh Trì, cầu Thủ Thiêm 1 sử dụng hệ đà giáo chạy dưới nhập ngoại của hãng NRS. Tuy nhiên, các cầu này đều áp dụng công nghệ MSS chạy phía dưới đáy dầm sẽ làm hạn chế tĩnh không và chiếm dụng lớn mặt bằng trong quá trình thi công.
Dự án Đường Vành đai 2, gói thầu XL-03 sử dụng hệ đà giáo MSS công nghệ chạy trên (overhead) lần đầu tiên tại Việt Nam, toàn bộ hệ đà giáo do hãng NRS thiết kế và gia công chế tạo tại nước ngoài. Hệ MSS chạy trên có ưu điểm vượt trội trong điều kiện thi công chật hẹp trong thành phố, tiến độ thi công nhanh. Toàn bộ hoạt động của xe sử dụng hệ kích thủy lực đồng bộ (bao gồm 72 kích lớn nhỏ). Tiến độ thi công của dự án 21 ngày/01 nhịp, chiều dài khối đúc lớn nhất 54m, khối lượng bê tông 01 khối đúc lớn nhất 540m3.
Kết cấu mặt cắt ngang công trình là dầm dạng hộp rỗng, bề rộng từ 19 - 35m, chiều cao dầm chủ H = 2,687m, chiều dài nhịp dài nhất là 45m và ngắn nhất là 35m. Tại khu vực Ngã Tư Vọng, chiều cao tính từ đáy dầm đến mặt đất tự nhiên là 25m, độ dốc cầu là 5%. Gói thầu XL03 có 30 nhịp dầm mặt cắt không đổi, B = 18,7m. Phần lõi dầm có bề rộng 12,0m được thi công bằng công nghệ đúc bằng xe MSS.
Với đặc thù của Dự án Đường Vành đai 2 trên cao là vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông phía dưới, điều kiện mặt bằng thi công chật chội, lại nằm trên tuyến phố đông đúc, do đó công nghệ thi công MSS chạy trên (đà giáo di chuyển phía trên dầm) là phương án lựa chọn tối ưu để thi công. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và đã giải quyết rất tốt giữa việc vừa thi công vừa đảm bảo giao thông cho tuyến đường.
Gói thầu XL-03 bao gồm thi công cầu chính từ trụ P63 đến trụ P100 (chiều dài 1.605m) và 4 cầu nhánh (tổng chiều dài 1.169m). Theo Ban điều hành nhà thầu liên danh, đến đầu tháng 6/2019, Dự án đã thi công cầu chính được 302 cọc/302 cọc khoan nhồi D1500; bệ thân trụ thi công được 37/39; kết cấu dầm chính kết cấu nhịp MSS đã đúc được 17/30 nhịp; thi công kết cấu nhịp dầm đúc trên đà giáo cố định 1/8 nhịp. Về cầu nhánh đã thi công được 64/112 cọc khoan nhồi D1000, thi công được 10/24 bệ thân trụ.
Xác định định đây là một trong những dự án quan trọng của TP. Hà Nội, nhằm giải quyết ách tắc giao thông, bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đã tập trung máy móc, nhân lực ngay từ khi khởi công dự án cho đến nay, đã tổ chức thi công liên tục 3 ca/ngày trên từng mũi thi công mới đảm bảo được tiến độ đề ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.