Liên tiếp tai nạn chết người do môtô nước: Bộc lộ bất cập quản lý

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 14/09/2022 06:01

Gần đây liên tiếp xảy ra tai nạn chết người do mô tô nước gây ra, trong khi hiện nay không ít môtô nước chưa đăng ký, đăng kiểm.

Liên tiếp tai nạn chết người do môtô nước: Bộc lộ bất cập quản lý - Ảnh 1.

Chiếc môtô nước trong vụ tai nạn chết người tại bãi tắm Hòn Gai (Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), xảy ra tối 11/9, không có đăng ký, đăng kiểm - Ảnh: Ngọc Anh

Liên tiếp tai nạn chết người

Khoảng 23h đêm 11/9, khu vực bãi tắm biển Hòn Gai (Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ tai nạn môtô nước gây chết người. Theo một số thông tin ban đầu, thời điểm trên một phụ nữ sinh năm 1997 trú tại Tp. Hạ Long, sau khi cùng một nhóm người tổ chức ăn uống trên bờ, sử dụng môtô nước chạy quanh khu vực bãi tắm.

Trên môtô có 3 người (2 nam, 1 nữ), khi chạy đến gần phao quây bãi tắm thì cả ba bị ngã xuống nước. Hai người đàn ông bơi được vào bờ, còn nạn nhân nữ bị mất tích. Ngay khi nhận được tin có người mất tích, lực lượng cứu hộ địa phương khẩn trương có mặt tại hiện trường, xuyên đêm tìm kiếm nạn nhân và đến sáng hôm sau tìm thấy thi thể nạn nhân.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ, song thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc môtô nước nói trên chưa có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký. Do đó, phương tiện trên không đủ điều kiện để tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Mặt khác, theo đơn vị quản lý bãi tắm Hòn Gai, vùng nước trên chưa cấp phép các hoạt động các loại phương tiện thể thao, vui chơi giải trí dưới nước.

"Về phương tiện, trên địa bàn Quảng Ninh hiện chỉ có 2 môtô nước có đăng ký, song đều đã quá hạn đăng kiểm định kỳ", ông Đức thông tin.

Chỉ một ngày trước đó, khoảng 15h chiều ngày 10/9, trên hồ thủy điện Thác Mơ (thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) cũng xảy ra vụ tai nạn do Trưởng phòng công chứng tại địa phương điều khiển mô tô nước, quá trình điều khiển bị lao lên bờ dẫn đến tử vong. Theo một số thông tin, trước đó nạn nhân cùng một số người tổ chức ăn uống, sau đó nạn nhân lấy môtô nước của bạn để điều khiển.

Ngoài hai vụ trên, tháng 5/2022, tại TP.HCM xảy ra vụ hai người đàn ông đi môtô nước trên sông Sài Gòn đâm vào sà lan chở hàng đang lưu thông trên tuyến, khiến cả hai người trên môtô thiệt mạng. Ngày 1/9/2020, trên sông Cổ Chiên (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) xảy ra vụ một mô tô nước (không đăng ký, đăng kiểm) đâm vào ghe đang đậu đỗ khiến cả hai người trên môtô tử vong.

Tìm hiểu thêm cho thấy, vùng nước xảy ra các vụ tai nạn môtô nước nói trên đều chưa được công bố cho phương tiện thủy vui chơi, giải trí hoạt động.

Liên tiếp tai nạn chết người do môtô nước: Bộc lộ bất cập quản lý - Ảnh 2.

Một số môtô nước hoạt động chui trên đường thủy tại TP.HCM - Ảnh Internet.

Thiếu dữ liệu quản lý phương tiện, người lái

Theo khảo sát của PV Tạp chí GTVT, hiện môtô nước xuất hiện nhiều nhất tại các khu vực bãi tắm biển, dùng để chở khách vui chơi. Trong đó, một số bãi biển, như biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thường xuyên có các môtô nước hoạt động tự phát trong vùng bãi tắm biển, gây nguy hiểm cho khách tắm biển và tạo nguồn ô nhiễm (khí thải, tạo sóng).

Bên cạnh đó, trên tuyến sông Sài Gòn (TP.HCM) thi thoảng xuất hiện mô tô nước hoạt động; một số tuyến đường thủy, lòng hồ như sông Hồng (địa bàn Hà Nội), hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cũng có các môtô nước mà hầu hết chưa đăng ký, đăng kiểm… Các phương tiện này thường được để trên nhà bè, nhà nổi nên dễ dàng trong hoạt động chui.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, môtô nước là phương tiện vui chơi, giải trí có điều kiện hoạt động chung được quy định tại Nghị định số 48/2019 của Chính phủ (quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước).

Theo đó, các điều kiện cơ bản gồm: phương tiện phải có đăng ký, đăng kiểm; chỉ được hoạt động trong vùng nước được cơ quan quản lý chấp thuận hoặc công bố; người trực tiếp lái phương tiện công suất 5CV phải có giấy chứng nhận lái phương tiện; người lái và người ngồi trên phương tiện phải mặc áo phao suốt thời gian hoạt động vui chơi, giải trí.

Về quản lý phương tiện, việc cấp chứng nhận đăng ký do UBND cấp tỉnh thực hiện (có thể phân cấp cho Sở GTVT hoặc UBND cấp huyện, cấp xã). "Môtô nước dùng làm phương tiện vui chơi, giải trí và người lái, người tham gia vui chơi giải trí bằng mô tô nước phải đáp ứng các điều kiện tại nghị định trên. Việc quản lý được phân cấp theo nghị định, tuy vậy, hiện các địa phương chưa cung cấp dữ liệu thống kê về phương tiện, người lái mô tô nước trên địa bàn", theo ông Hưng.

Liên tiếp tai nạn chết người do môtô nước: Bộc lộ bất cập quản lý - Ảnh 3.

Môtô nước hoạt động tự phát tại bãi tắm biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - Ảnh: Văn Chương

Còn theo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, hiện toàn quốc có 321 môtô nước đã được cấp chứng nhận đăng kiểm. Hiện Cục Đăng kiểm VN đang chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thủy phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương rà soát, thống kê phương tiện thủy dùng vào mục đích vui chơi, giải trí, trong đó có mô tô nước để đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp quản lý.

Đề cập vấn đề trên, giám đốc một đơn vị đăng kiểm thủy tại phía Bắc cho rằng, vấn đề quan trọng trong quản lý an toàn môtô nước hiện nay là xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái phương tiện không có chứng chỉ lái nhưng vẫn hoạt động và hoạt động không trong vùng nước được công bố, chấp thuận.

"Các địa phương cũng nên thiết lập, công bố các vùng nước được phép vui chơi, giải trí bằng môtô nước nói riêng và phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước nói chung. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và góp phần hạn chế tình trạng mô tô nước hoạt động chui do không có nơi hoạt động hợp pháp", ông này nêu ý kiến.

Còn theo ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 2, cần có quy định kiểm tra an toàn kỹ thuật mô tô nước theo kiểu loại phương tiện (giống như ô tô, xe mô tô đường bộ) để quản lý chặt chẽ chất lượng an toàn kỹ thuật ngay từ khi nhập khẩu phương tiện.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tập huấn người lái

Theo Nghị định số 48/2019 của Chính phủ, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 5 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố.

Vùng nước dành cho phương tiện vui chơi, giải trí được chia thành vùng 1 và vùng 2. Vùng 1: nằm trên tuyến đường thủy, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải; nếu thuộc tuyến đường thủy quốc gia do Cục Đường thủy nội địa VN chấp thuận; trên đường thủy địa phương do Sở GTVT địa phương chấp thuận; trên vùng nước cảng biển hoặc hàng hải do Cục Hàng hải VN chấp thuận.

Vùng 2: là vùng khác với vùng 1. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng nước này.

Còn theo quy định tại Thông tư số 07/2020 của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (quy định nội dung tập huấn cho người lái phương tiện và nội dung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước), UBND cấp tỉnh tổ chức hướng dẫn triển khai việc tập huấn cho người lái phương tiện theo quy định tại thông tư.