Cấp phép một đằng, thực hiện một nẻo
Cụ thể, theo phản ánh của người dân, đây là dự án cải tạo thoát nước phố Lương Định Của (quận Đống Đa, Hà Nội) do đơn vị thi công là Công ty CP đầu tư xây dựng và môi trường Việt Hưng đảm trách và Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư. Mặc dù đây là công trình vừa khai thác vừa thi công, tuy nhiên thời gian vừa qua, tuyến đường dài gần 500 mét này liên tục bị đào xới để thi công nhưng việc hoàn trả mặt bằng không bảo đảm, gây nguy hiểm khi tham giao thông, thậm chí đã có trường hợp bị tai nạn.
Hàng trăm mét đường bị đào xới tung toé, mặt đường lồi lõm đất đá phục vụ dự án thi công cải tạo thoát nước phố Lương Định Của là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông |
Anh Nguyễn Thành Hưng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tối 8.9, một cô gái điều khiển xe máy đã bị ngã xe, chấn thương khá nặng khi đi vào đoạn đường bị đào xới. "Hàng trăm mét đường bị đào xới nhưng không hoàn trả mặt bằng hoặc có bất cứ cảnh báo thi công nào. Đơn vị thi công chỉ rải một lớp vật liệu sơ sài lên vị trí đường đã đào, tạo thành gờ cao, nhiều người đi xe máy đã trượt ngã khi lưu thông qua đây" - anh Hưng bức xúc nói.
Thực tế quá trình đào mặt đường bề rộng bình quân từ 1,8m, độ sâu bình quân từ 1,5-2m so với mặt đường cũ nên gây ra tình trạng sụt lún, nứt ở 2 bên vị trí đào, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, bụi bặm, ảnh hưởng vệ sinh môi trường khiến hàng nghìn hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo quan sát của phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải sáng ngày 9/9, tuyến phố Lương Định Của (đoạn từ ngã ba Đông Tác đến ngã ba Phương Mai) bị cắt xẻ, đào xới thi công nham nhở, việc hoàn trả mặt bằng rất sơ sài, gây mất mỹ quan đô thị.
"Đã có vài trường hợp đi xe máy bị ngã, dù không nghiêm trọng nhưng rõ ràng thể hiện sự vô trách nhiệm của đơn vị thi công. Đơn vị cấp phép cho đào đường cũng không giám sát để yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp đảm bảo ATGT”, anh Nguyễn Trung Quân bày tỏ.
Cũng theo anh Quân, dọc cả tuyến đường trước kia mặt đường nhựa bằng phẳng, sạch sẽ nay biến thành “bãi chiến trường” bẩn thỉu, bụi bặm không thể chịu được. Mặt đường bị cày nát, lòng đường sâu hoắm, vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó, phía đơn vị thi công dự án không trang bị đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, thi công không đúng giấy phép được cấp, không có người gác thường xuyên để hướng dẫn giao thông, không hoàn trả mặt đường bảo đảm chất lượng theo quy định…
Kiến nghị tạm đình chỉ thi công, rút giấy phép
Liên quan tới vấn đề này, từ những thông tin, hình ảnh PV cung cấp, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc cấp phép đào đường để thi công hệ thống thoát nước phố Lương Định Của (đoạn từ ngã ba Đông Tác tới ngã ba Phương Mai) luôn được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định như chủ đầu tư phải có đơn xin phép, hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm các văn bản pháp lý liên quan, nộp hồ sơ tại Sở từ 5 đến 7 ngày theo quy định…
Nhiều vụ ngã xe máy xảy ra liên tiếp do mặt đường lún nứt |
Tại thời điểm cấp phép cho dự án này, Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư dự án cũng như đơn vị nhà thầu thi công, tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9 của Bộ Giao thông vận tải; Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải; Thi công từng đoạn cuốn chiếu, hoàn trả mặt bằng trước 5h sáng hôm sau và sau 50 mét phải hoàn trả kết cấu mặt đường đảm bảo êm thuận, các điểm đấu nối đậy tấm tôn đảm bảo an toàn giao thông. Không được tập kết vật tư, vật liệu trên hè và dưới lòng đường. Bố trí đầy đủ biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu, người hướng dẫn giao thông theo quy định trong quá trình thi công vào ban đêm; phải thi công theo đúng tiến độ theo phương thức làm đâu gọn đấy, chỉ được phép thi công đoạn tiếp theo sau khi đã hoàn trả xong đoạn tuyến trước.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh: kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, nếu chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công; mọi trách nhiệm liên quan đến tai nạn giao thông và chi phí thiệt hại khác ( nếu có ) thì chủ đầu tư và đơn vị thi công chịu trách nhiệm, ngoài ra còn chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
Quá trình thi công phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Thanh tra Sở, lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo đảm chất lượng công trình cũng như bảo đảm ATGT trong quá trình thi công, hoàn trả mặt đường đúng hiện trạng ban đầu.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện Thanh tra sở GTVT Hà Nội cho biết hiện trên tuyến phố Lương Định Của được Sở GTVT cấp phép cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) thi công hệ thống thoát nước, đơn vị thi công dự án là Công ty CP đầu tư xây dựng và môi trường Việt Hưng.
Tái lập mặt đường bê bối, kém chất lượng trên phố Lương Định Của (Q. Đống Đa) |
Theo đại diện Thanh tra sở GTVT Hà Nội, đội thanh tra giao thông quận Đống Đa đã kiểm tra, xử phạt đơn vị thi công tại đây 4 triệu đồng với lỗi để vật tư, vật liệu ngoài phạm vi thi công. Tuy nhiên đơn vị này vẫn chưa khắc phục triệt để.
"Sau khi tiếp nhận phản ánh, lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo đội thanh tra giao thông quận Đống Đa tiếp tục xuống hiện trường kiểm tra công tác thi công để xử lý theo quy định nếu đơn vị thi công tiếp tục vi phạm" - đại diện Thanh tra sở GTVT Hà Nội khẳng định.
Cũng theo Thanh tra sở GTVT Hà Nội, trong trường hợp xử phạt nhưng đơn vị thi công không khắc phục thì sẽ kiến nghị Sở GTVT tạm đình chỉ thi công, rút giấy phép. Thanh tra sở GTVT khẳng định sẽ quyết liệt xử lý tình trạng này, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.
Theo Thanh tra sở GTVT Hà Nội, đơn vị thi công chỉ được phép làm vào ban đêm, ban ngày phải hoàn trả mặt bằng đảm bảo để người dân đi lại.
Tạp chí Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.