Liệu ông Donald Trump có nên nghĩ lại khi 'từ bỏ' TPP?

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 24/11/2016 04:39

Chính bản thân ông Trump cũng phải thừa nhận sự cần thiết của những hiệp định thương mại “thông minh”

 

photo-0-1479798717172-crop-1479798753152
 

Chính bản thân ông Trump cũng phải thừa nhận sự cần thiết của những hiệp định thương mại “thông minh” và lý do vị Tổng thống mới đắc cử này cũng như những người ủng hộ ông phàn đối TPP là do họ chưa hiểu TPP là một hiệp định thông minh như thế nào.

Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ thoái lui khỏi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên chính thức nhậm chức.

Rõ ràng, thỏa thuận thương mại tự do này đang gặp nhiều cản trở từ phía Mỹ nhưng các chuyên gia cho rằng chính những người ủng hộ TPP tại Mỹ mới là người có lỗi khi không giải thích rõ được những lợi ích của bản hiệp định trên.

Khi người dân mơ hồ về TPP

Một trong những luận điểm chính mà những người ủng hộ TPP đưa ra là việc Trung Quốc sẽ viết quy tắc thương mại mới cho khu vực với các bản thỏa thuận tự do thương mại như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), qua đó ảnh hưởng đến vị thế cũng như lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giả thuyết trong trường hợp tệ nhất nếu TPP không thành công. Người dân Mỹ vẫn tin rằng họ có thể có nhiều biện pháp khác để tăng cường vị thế và đảm bảo lợi ích của mình khi là nền kinh tế số 1 thế giới. Thêm vào đó, luận điểm trên nghe giống như sự bào chữa cho sự thất bại của các nhà lãnh đạo Mỹ trong công cuộc cạnh tranh vị thế với Trung Quốc tại Châu Á.

Hơn nữa, việc thu nhập của người dân không tăng mấy cùng nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với thời kỳ trước khủng hoàng 2008 cũng khiến người dân dần mất niềm tin váo giới chính khách, khiến các lời cảnh báo hay khuyên nhủ của họ ủng hộ TPP dần mất đi sức ảnh hưởng.

Luận điểm tiếp theo mà những người ủng hộ TPP đưa ra là thỏa thuận này sẽ cắt giảm 18.000 loại thuế cho các nhà xuất khẩu Mỹ, ngành tạo ra nhiều việc làm trong xã hội. Mặc dù vậy, hầu hết những khoản thuế này được thực hiện dần dần và có lợi cho doanh nghiệp trước, trong khi người lao động lại không thấy rõ ràng lợi ích của chúng trong thu nhập và công việc của họ. Hệ quả là luận điểm này trở nên mờ nhạt trong mắt cử tri Mỹ.

Trong khi đó, viện Peterson đánh giá nền kinh tế toàn cầu sẽ thu lợi thêm 295 tỷ USD với 78 tỷ USD sẽ thuộc về nước Mỹ. Dẫu vậy, con số này mang tính vĩ mô quá và hầu như không thu hút được sự tin tưởng của cử tri, nhất là những người lao động đang mất việc làm hoặc có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là Mỹ đã có thỏa thuận thương mại với hầu hết các nước thành viên của TPP nên thị trường chính mà nước này nhắm tới trong thỏa thuận này chỉ là Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và là đồng minh của Mỹ. Dẫu vậy, việc có hay không có thỏa thuận tự do thương mại với Nhật Bản dường như không khiến cử tri Mỹ quan tâm mấy, hay nói đúng hơn là họ không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của TPP.

Một yếu tố nữa cũng không được các nhà ủng hộ TPP nêu rõ là những công ty quốc doanh tại Châu Á sẽ gặp khó khăn hơn để cạnh tranh và buộc phải tái cơ cấu, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ.

Tóm lại, việc các nhà ủng hộ TPP không giải thích rõ được tại sao hiệp định TPP tác động tích cực trực tiếp đến túi tiền của người dân cũng như khiến nước Mỹ tốt đẹp hơn là một trong những nguyên nhân chính khiến hiệp định này gặp nhiều thử thách.

Một hiệp định thông minh đáng yêu?

Trong Hội nghị thượng đỉnh Châu Á Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Peru, Tổng thống Barack Obama đã phải thừa nhận hiệp định TPP có nguy cơ thất bại trước quan điểm chống đối của tỷ phú Trump.

Những người ủng hộ Trump cho rằng hiệp định thương mại này có lợi cho lao động giá rẻ nước ngoài hơn là những công nhân Mỹ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ TPP lại cho rằng ông Trump chưa hiểu hết về TPP khi chính quốc gia có lao động giá rẻ như Ấn Độ hiện cũng phải lo ngại về thỏa thuận này không kém gì Mỹ bởi thỏa thuận này đem lại nhiều lợi ích, dù là ngắn hạn cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Tại sao lại như vậy?

Thông thường, các quốc gia có 3 cách khác nhau để điều chỉnh chính sách thương mại. Cách thứ nhất là tăng các rào cản thương mại như thuế quan để bảo hộ doanh nghiệp nội địa, nhưng chính sách này sẽ khiến người lao động và người nghèo tại Mỹ chịu thiệt. Thống kê cho thấy mức tiêu dùng tầng lớp 10% nghèo nhất Mỹ sẽ tăng 62% nhờ các thỏa thuận thương mại.

Ngoài ra, chính phủ các nước có thể làm điều ngược lại là giảm hàng rào thuế quan để các sản phẩm tự do giao dịch. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan tại nhiều nước như Mỹ hiện đã ở mức khá thấp. Tổng mức phí thuế hiện nay tại Mỹ chỉ chiếm chưa đến 2% tổng giá trị nhập khẩu.

Cách cuối cùng mà chính phủ các nước có thể áp dụng là thiết lập các quy định với những đối tác thương mại nhằm giảm cạnh tranh không lành mạnh nhưng vẫn thúc đẩy được thương mại. Đối với những người ủng hộ TPP, đây chính là những gì mà thỏa thuận thương mại này làm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, những tiêu chuẩn về thương mại, chất lượng sản phẩm và lao động của Phương Tây được áp dụng cho một loạt quốc gia nất kể giàu nghèo trong hiệp định TPP. Trước đó, các nước phát triển đã cố gắng thiết lập những tiêu chuẩn này trong nhiều năm nhưng bị nhiều nền kinh tế đang phát triển từ chối cho đến khi hiệp định TPP ra đời.

Thậm chí cả những nền kinh tế không nằm trong hiệp định TPP như Ấn Độ cũng cảm thấy áp lực bởi họ hiểu rằng mình sẽ phải thay đổi tiêu chuẩn thương mại nếu muốn tham gia và hưởng những lợi ích từ thỏa thuận này.

Thêm vào đó, việc ký kết một thỏa thuận quan trọng như TPP sẽ tạo ra tiền lệ để các nước yêu cầu những tiêu chuẩn tương tự khi đàm phán các hiệp định thương mại khác, như Hiệp định cộng đồng kinh tế chung khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng. Nói cách khác, TPP là bước khởi đầu tuyệt hảo để Mỹ định hình luật chơi trên thị trường thương mại toàn cầu.

Hiệp định TPP mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng đây lại là bước đầu tiên để các nước thúc đẩy thương mại tự do và đem lại lợi ích cho mọi lao động trên thế giới. Chính bản thân ông Trump cũng phải thừa nhận sự cần thiết của những hiệp định thương mại “thông minh” và lý do vị tổng thống mới đắc cử này cũng như những người ủng hộ ông phàn đối TPP là do họ chưa hiểu TPP là một hiệp định thông minh như thế nào.

Ý kiến của bạn

Bình luận