Lính Cụ Hồ phát triển hạ tầng giao thông vận tải

Tác giả: Diệp Thanh Xuân

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/12/2017 09:49

Với phương châm không ngại gian khổ, lòng quyết tâm cao, trên trận tuyến mới dù không có tiếng súng nhưng cũng đầy gian nan, thử thách, hình ảnh người lính Cụ Hồ đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, nơi khó khăn gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia thi công nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước. Những tên tuổi như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, 319, 36, Tân Cảng… đã làm phong phú bức tranh về ngành GTVT.

 

Anh9_1
 

Dấu ấn người lính trên mỗi công trình

Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn Anh hùng, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, những năm đầu, nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn là xây dựng, nâng cấp đường Hồ Chí Minh tuyến Đông Trường Sơn (từ Nghệ An đến Bình Phước) với chiều dài trên 1.000km; tuyến vành đai chiến lược đường 279 nối thông 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu; xây dựng 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 400km; mở mới, nâng cấp trên ba vạn kilomet cầu, đường bộ khác.

Từ sự quyết tâm đổi mới, dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi khó khăn, tạo dấu ấn và niềm tin với bạn hàng trong và ngoài nước, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công và bàn giao đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc như: Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; Láng - Hòa Lạc; cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; QL18, QL5, QL6; QL1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vinh - Đông Hà, Huế - Hải Vân; đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa; đường Trường Sơn Đông, đường Tuần tra biên giới; xây dựng cầu và đường dẫn cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh; hầm đường bộ Hải Vân; sân bay Vinh, sân bay Buôn Ma Thuột; Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan… Các công trình do Tổng công ty thi công đều đảm bảo tiến độ và chất lượng, được chủ đầu tư đánh giá cao.

Những năm qua, hình ảnh người lính Tổng công ty 319 - một đơn vị có thể nói là đi đầu trong việc tham gia vào Dự án cải tạo, nâng cấp QL1; liên danh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 thi công Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát theo hình thức BOT từ năm 2013 và hoàn thành vào tháng 4/2015, vượt tiến độ gần 9 tháng. Tiếp đến là công trình BOT của dự án cải tạo nền, mặt đường đoạn Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đến Trảng Bom (Đồng Nai) với chiều dài toàn tuyến là 125,4km, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.085 tỷ đồng. Một dự án khác mà Tổng công ty đang tham gia theo hình thức BOT kết hợp với BT là Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 đoạn km123+105,17 - km268 thuộc tỉnh Lâm Đồng; Dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT với tổng chiều dài đầu tư 45,8km. Dự án này, Tổng công ty 319 và Tập đoàn Đại Dương liên danh để triển khai thực hiện. Ngoài ra, một số dự án khác Tổng công ty tham gia như: Dự án đường nối sân bay Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn, dự án do UBND tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tuyến đường thuộc dự án dài 65,915km đi qua 5 huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống và Tĩnh Gia.

Nhắc đến người lính xây dựng hạ tầng giao thông thời gian qua không thể không kể đến Tổng công ty 36. Từ một xí nghiệp quy mô nhỏ với khoảng 100 lao động đang trong tình trạng chuẩn bị giải thể do làm ăn thua lỗ, nợ đọng vào năm 2002, đến nay Tổng công ty 36 đã phát triển thành một doanh nghiệp mạnh với vốn điều lệ 430 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 3.000 tỷ đồng với 10.000 cán bộ, chiến sĩ và người lao động. Từ chỗ tên gọi 36 chưa được biết tới, đến nay Tổng công ty 36 đã là tên tuổi của một thương hiệu nổi tiếng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Một trong những công trình hạ tầng giao thông ghi đậm dấu ấn người lính 36 phải kể đến là đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh từ Quảng Nam đến Lâm Đồng dài 700km. Đây là công trình giao thông quan trọng trong chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nói về cuộc “giải cứu” tại Dự án xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết: “Chúng tôi vào cuộc với tổng lực thi công cải tạo QL6 và thi công tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình theo đúng tinh thần “vào cuộc với tư cách là đơn vị anh hùng”. Đến tháng 10/2015, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và đưa dự án BOT này vào khai thác”.

Thời gian qua, Tổng công ty xác định thực hiện các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một bước đi chiến lược, với dự cảm của người lãnh đạo từng trải cùng khát vọng đóng góp thật nhiều cho sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước. Trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp trực tiếp xây dựng đề án, huy động trí tuệ tập thể, mạnh dạn đầu tư vào dự án BOT QL19 nối Bình Định - Pleiku với gói thầu hơn 50km. Dự án này có lượng xe qua lại lớn, vừa thi công vừa đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông với sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, người lao động trên công trường.

Khát vọng vươn ra biển lớn

IMG_0716 duong Kronga
 


Ra đời trong giai đoạn đổi mới của đất nước, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành nhà khai thác cảng container và cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam. Là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh tiêu biểu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế, Tổng công ty đã làm nên một thương hiệu mạnh, khẳng định vị thế quan trọng trong nước và quốc tế, một điểm sáng về kết hợp kinh tế với quốc phòng ở nước ta hiện nay.

Với trụ cột kinh doanh khai thác cảng với định hướng tập trung khai thác cảng container chuyên dùng, Tân Cảng Sài Gòn luôn giữ vững vị thế là nhà khai thác cảng số 1 Việt Nam, Top 25 cảng hàng đầu thế giới.  Hiện nay, Tân Cảng Sài Gòn đang khai thác 15 cơ sở cảng đồng bộ với hệ thống kho bãi, phương tiện chuyên dụng, hiện đại, đảm bảo tiếp nhận được tất cả các cỡ tàu container trọng tải đến 16 vạn tấn. Tổng công ty hiện đang có quan hệ, hợp đồng khai thác với hơn 100 hãng tàu và đại lý hãng tàu trên toàn thế giới.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô 130 ha bãi, 1.500m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến, là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Cụm 3 cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu với 110 ha kho bãi, 1.500m cầu tàu, tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT, đi thẳng tới châu Mỹ, châu Âu. Cảng quốc tế Cam Ranh là cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng chiều dài bến cập tàu là 2.147m, có thể tiếp nhận 40 tàu quân sự, tàu du lịch trong và ngoài nước cùng lúc vào cập bến, neo đậu, trọng tải tàu tối đa đến 110.000 DWT. Cảng container quốc tế Hải Phòng vừa phát lệnh khởi công với 02 bến container chiều dài 750m, 40 ha bãi, khi hoàn thành đi vào khai thác sẽ là cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 DWT cho phép đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Bắc Việt Nam đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Cùng hệ thống: Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước; cảng Tân Cảng - Phú Hữu; ICD Tân Cảng - Sóng Thần; ICD Tân Cảng - Long Bình; ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch; ICD Hải Phòng; hệ thống các depot khu vực TP. Hồ Chí Minh; cảng Tân Cảng - Sa Đéc, cảng Tân Cảng - Cao Lãnh; cảng Mỹ Tho; cảng Mỹ Thới; cảng Trà Nóc; cảng Tân Cảng - Miền Trung; cảng Tân Cảng - 189 Hải Phòng, cảng Tân Cảng - 128 Hải Phòng..., thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn đã vươn lên tầm cao mới và có sức lan tỏa rộng khắp, giữ vị trí số 1 tại Việt Nam về khai thác cảng biển và dịch vụ logistics, chiếm 50% thị phần container xuất nhập khẩu của cả nước, có vị thế và uy tín ngày càng cao đối với khách hàng trong nước và thế giới. Đơn vị luôn giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các địa phương, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế”.

Với sự năng động, nhạy bén, phát huy truyền thống của người lính năm xưa, người lính hôm nay đang có nhiều hướng đi mới, góp sức tô điểm cho bức tranh phát triển hạ tầng giao thông ngày thêm sinh động. Qua những công trình, dự án, cây cầu, con đường…, một lần nữa khẳng định tên tuổi và sức mạnh của người lính trong thời bình. Có thể nói, những dấu ấn của người lính Cụ Hồ trên các công trình hạ tầng giao thông thời gian qua là minh chứng, tiền đề quan trọng để tiến ra biển lớn trong hội nhập, tham gia cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án giao thông có tầm cỡ của đất nước và khu vực

Ý kiến của bạn

Bình luận