Loại bỏ các nhà đầu tư "3 không" dự án BOT Trung Lương-Mỹ Thuận

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 14/06/2019 10:42

Ngoài việc loại bỏ các nhà đầu tư không đủ năng lực, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mong muốn nguồn vốn ngân sách hỗ trợ dự án để đẩy nhanh tiến độ.

 

IMG_2203
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật kiểm tra dự án Trung Lương - Mỹ Thuận

 

Ngày 14/6, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: tính từ ngày dự án khởi động trở lại cuối tháng 3/2019 đến nay, khối lượng thi công dự án đã tăng 7% (từ 15% lên 22% tổng khối lượng dự án).

Theo đơn vị hiện vốn ngân sách hỗ trợ dự án đã được Chính phủ trình nhưng vẫn đang chờ Quốc hội thông qua, chưa ghi vốn chính thức, chưa rõ thời điểm giải ngân; vốn vay tín dụng trên cơ sở xem xét và thẩm định song hành, hiện các tổ chức tín dụng (mà Viettinbank là ngân hàng đầu mối) yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư lên đến 30% (cao hơn nhiều so với quy định Nhà nước) và chưa tháo gỡ được các vướng mắc hợp đồng tín dụng đã ký, không cho vay phần thuế VAT,… dẫn đến có khả năng khó thu xếp được vốn tín dụng cho dự án với các điều kiện giải ngân bất hợp lý của ngân hàng đang nêu (trước đây hợp đồng tín dụng đã ký nhưng vướng mắc các điều kiện cho vay nên sau 1 năm vẫn chưa giải ngân được).

“Sau tháng 8/2019 nếu không có vốn để rót vào  dự án thì khả năng ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án rất lớn”  – Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận dự báo.

Ông Thuỷ cho biết thêm: Hiện nay, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT để  báo cáo Chính phủ về tính khả thi của việc thông tuyến trong năm 2020 phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ NSNN (Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 2.186 tỷ nhưng thủ tục ghi vốn,  giải ngân thường bị chậm), đặc biệt  nguồn vốn vay tín dụng với cách thẩm định hiện nay của ngân hàng sẽ khó để tiếp cận nguồn vốn vay (trong khi chờ cung cấp đầy đủ các hồ sơ điều chỉnh Dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thaamr quyền phê duyệt, ngân hàng Vietinbank Chi nhánh 4 đã  thẩm định đồng thời) đưa ra các yêu cầu: về vốn chủ sở hữu phải đạt 30% tương đương 3.765 tỷ (cao hơn nhiều so với quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định tối đa chỉ 15 %), ngân hàng sẽ cho vay trung hạn không bao gồm thuế VAT 10% (~ 1.250 tỷ đồng), đồng thời tính cả phần vốn NSNN hỗ trợ dự án 20,5% (~ 2.575 tỷ đồng) nằm trong Tổng cơ cấu vốn cho vay để tính ra tỷ lệ vốn chủ sở hữu đối với Nhà đầu tư (đây là điều kiện khác thường so với cách tính vốn Chủ sở hữu theo quy định của các Dự án PPP hiện nay), dẫn đến ngân hàng chỉ cho vay 49.5% TMĐT của dự án (tức 6.210 tỷ/12.550 tỷ).

IMG_2214
Các đơn vị nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ dự án

Ngoài ra, Ngân hàng yêu cầu Nhà đầu tư phải làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT nhằm bảo đảm hoạt động của các trạm thu phí không bị gián đoạn, bảo đảm cho lộ trình tăng phí và cam kết không đầu tư vốn để mở rộng, cải tạo các tuyến đường hiện hữu, thay đổi qui hoạch giao thông so với thời điểm thẩm định làm thay đổi phân lưu theo tính toán tại phương án tài chính đã ký kết.

Phát biểu tại Đại hội cổ đông mới đây của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tổ chức tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: Bộ ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp dự án (DNDA), nhà thầu và UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình giải quyết thủ tục và triển khai thi công trở lại của dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng ghi nhận, mặc dù trong lúc ngân sách đang rất khó khăn nhưng Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung 2.186 tỉ đồng vốn NSNN hỗ trợ cho dự án và Quốc hội cũng đang rất quan tâm. Thứ trưởng Nguyễn Nhật xác định, Bộ GTVT cam kết sẽ kề vai sát cánh cùng đồng hành với chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương là UBND tỉnh Tiền Giang cùng chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn để đưa dự án về đích đúng tiến độ theo cam kết với Chính phủ tại thông báo kết luận số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 của Thường trực Chính phủ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như: Vụ PPP, Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông và các cơ quan chuyên môn khác của Bộ GTVT cùng nhà đầu tư và UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến điều chỉnh dự án.

Đại diện UBND tỉnh Tiền Giang cũng xác định: trên cơ sở tiến độ và các giải pháp kỹ thuật bảo đảm thông tuyến vào năm 2020, tỉnh sẽ làm việc với DNDA cùng tháo gỡ các vướng mắc theo các mốc công việc cụ thể để cùng giải quyết, bảo đảm thông tuyến như thời hạn Thường trực Chính phủ đã kết luận.

IMG_2219
Nhiều nhà thầu không có năng lực thực hiện dự án đã được thay thế và giữ lại các nhà thầu có năng lực

Dự án đã chậm 10 năm qua nhưng hiện nay, với những diễn biến tiếp tục khó khăn về nguồn vốn như thế này thì cho dù các cố gắng của Nhà đầu tư và UBND tỉnh thời gian qua rất lớn nhưng sẽ không thể chịu nổi sức ép về nhu cầu vốn thi công tiếp tục bế tắc như hiện nay. Hiện nhà đầu tư đã ứng ra gần 2.300 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang cũng đã ứng trước gần 200 tỷ đồng, việc đó đã thể hiện quyết tâm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Doanh nghiệp Dự án nhằm thực hiện việc thông tuyến trong 2020 như chỉ đạo của Chính phủ và kỳ vọng của người dân.

Bên cạnh đó, Đại hội cố đông doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cũng loại bỏ các nhà đầu tư "3 không": không vốn, không tuân thủ và không năng lực. Các cổ đông cũng thống nhất một số nội dung: cơ cấu lại cổ đông, loại bỏ các cổ đông không có vốn góp theo ý kiến của Thanh tra thuế, Cơ quan công an và yêu cầu của ngân hàng tài trợ vốn. Các cổ đông là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty cổ phần Tập đoàn Thắng Lợi và Công ty cổ phần Hoàng An đã được Kiểm toán nhà nước xác định không còn vốn góp tại Doanh nghiệp Dự án. Hiện tại chỉ còn 3 cổ đông góp vốn là Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng B.M.T..

Ngoài ra, doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ phần góp vốn trước đây của các cổ đông khác có liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng qua lại để tránh bị khiếu kiện. Trước đó, Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII đã mua lại các cổ phần của các công ty Hoàng An, Thắng Lợi, Yên Khánh thực hiện theo điều 54 của Hợp đồng Dự án. Riêng việc Công ty B.M.T. trước đây đã chuyển nhượng cổ phần cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn sẽ được đề nghị làm rõ như ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tránh tranh chấp ảnh hưởng đến hoạt động dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận xác định, việc loại bỏ cổ đông góp vốn chủ sở hữu yếu về năng lực đầu tư không ảnh hưởng đến việc góp vốn và tiến độ thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận