Loạt giải pháp "hạ nhiệt" giá vé máy bay

Tác giả: Tường Vy

saosaosaosaosao
Vận tải 01/10/2024 16:58

Tạo điều kiện để các hãng có thể thuê bổ sung đội tàu bay; điều chỉnh thời gian khai thác tàu bay; tăng cường thêm các chuyến bay vào khung giờ chiều tối và đêm; tăng tham số điều phối tại các cảng hàng không… là một số giải pháp đã và đang được kỳ vọng giúp "hạ nhiệt" giá vé máy bay nội địa.

Nguyên nhân chính từ yếu tố cung – cầu thị trường

Yếu tố nào đang tác động đến giá vé máy bay, làm gì để “hạ nhiệt”? - Ảnh 1.

Hành khách chờ lên máy bay tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: NIA

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông cơ bản trên một số đường bay nội địa (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, tập trung chủ yếu vào khung giờ đẹp trong các giai đoạn cao điểm (lễ, Tết).

"Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra hoạt động bán vé và qua theo dõi, giám sát giá vé được công bố của các hãng, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận các hãng hàng không Việt Nam thực hiện đúng quy định về mức tối đa đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa", Cục Hàng không Việt Nam thông tin và cho rằng, giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính từ yếu tố cung – cầu thị trường (sụt giảm quy mô đội tàu bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, tết…) và yếu tố chi phí (biến động giá nhiên liệu bay, tỷ giá).

Trong đó, chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng từ 37% đến 42%. Đặc biệt, 80% chi chí của các hãng hàng không có liên quan đến gốc ngoại tệ (bao gồm chi phí nhiên liệu bay; chi phí liên quan đến thiết bị bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; chi phí nhân công nước ngoài).

Cục Hàng không Việt Nam dẫn chứng báo cáo của Vietnam Airlines và Vietjet Air (2 hãng hàng không chiếm thị phần vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất, hơn 76% vào năm 2023) cho biết, yếu tố chủ yếu tác động đến giá thành dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với năm 2023 gồm: chi phí sửa chữa, bão dưỡng tàu bay; chi phí thuê/ khấu hao thiết bị bay; chi phí nhiên liệu bay. Các chi phí này tăng cơ bản do đơn giá thuê/mua trên thế giới tăng và trung bình tỷ giá USD/VND 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,4% so với năm 2023.

Đối với hãng hàng không Vietjet, còn có nguyên nhân chi phí tài chính tăng do phát sinh thêm các khoản vay chi trả cho hoạt động thuê máy bay, chi trả chi phí vận hành, hoạt động khai thác và lỗ chênh lệch tỷ giá trong hoạt động kinh doanh máy bay.

Ngoài ra, giá nhiên liệu bay Jet A1 tại thị trường Việt Nam, ngoài chịu tác động về biến động giá Jet A1 trên thế giới thì đang chịu tác động lớn của 3 loại thuế là thuế nhập khẩu xăng dầu; thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tổng chi phí liên quan đến 3 loại thuế này chiếm tỷ trọng từ 7,7%-8,7% tổng chi phí 1 chuyến bay.

Loạt giải pháp "hạ nhiệt" giá vé máy bay

Yếu tố nào đang tác động đến giá vé máy bay, làm gì để “hạ nhiệt”? - Ảnh 2.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông cơ bản trên một số đường bay nội địa (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, tập trung chủ yếu vào khung giờ đẹp trong các giai đoạn cao điểm (lễ, Tết).

Để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay nội địa do yếu tố cung - cầu thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.

Trong đó, trọng tâm với các giải pháp: tạo điều kiện để các hãng có thể thuê bổ sung đội tàu bay; điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày; tăng cường thêm các chuyến bay vào khung giờ chiều tối và đêm; tăng tham số điều phối tại các cảng hàng không trọng điểm trong các giai đoạn cao điểm và phù hợp với tình hình dự báo thị trường, chỉ đạo các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành hàng không rà soát quy trình, phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không bảo đảm hoạt động khai thác, phục vụ hành khách…

Thực tế, các giải pháp được triển khai đã mang lại những hiệu quả tích cực, bù đắp một phần lượng tải cung ứng thiếu hụt do sụt giảm đội tàu bay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường triển khai theo dõi, giám sát diễn biến tình hình giá vé và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật; cũng như khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có nhiều cơ hội lựa chọn với những mức giá vé phù hợp.

Cùng với các giải pháp đã và đang triển khai trên, để chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm 2024 và sẵn sàng cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam sắp xếp, cân đối nguồn lực vận tải, phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất để bảo đảm nguồn cung tải phù hợp; triển khai mở bán sớm các vé máy bay phục vụ giai đoạn Tết để hành khách có thể lựa chọn, xây dựng kế hoạch di chuyển phù hợp; đẩy nhanh quá trình nhận tàu bay thuê/mua mới và đưa vào khai thác trở lại các tàu bay đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng động cơ từ nhà sản xuất…

Trước đó, theo báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, trong thời gian tới, các hãng dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm và có kế hoạch thuê các tàu bay bổ sung đội tàu bay hiện có.

Cụ thể, Vietnam Airlines dự kiến nhận thêm 3 tàu bay (2 tàu bay A320 và 1 tàu bay B787-10); Vietjet Air dự kiến nhận 08 tàu A321 và 02 tàu E190 (tàu E190 phục vụ khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo đang tạm dừng sau khi Bamboo Airway trả tàu bay, tái cơ cấu).

Hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đang có kế hoạch tăng số tàu bay khai thác để phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển thị trường)…

Ý kiến của bạn

Bình luận