Cầu Mai Dịch - Nam Thăng Long được đẩy nhanh thi công giữa mùa dịch |
Tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp
Theo thống kê sơ bộ của Bộ GTVT, tác động mạnh và bị ảnh hưởng nhiều nhất trong 5 ngành vận tải là lĩnh vực hàng không. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tình hình dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp hàng không, ví dụ như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) trong quý I doanh thu hợp nhất giảm 26%; doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 24%; sản lượng điều hành bay và doanh thu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành Hàng không đang diễn biến theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019.
“Đối với ngành Đường sắt, doanh thu vận tải đạt khoảng 1.012,51 tỷ đồng, giảm 14,63% so với cùng kỳ năm 2019. Vận tải khách Đường bộ giảm 30 - 50%; doanh thu, sản lượng hàng hóa giảm mạnh từ 40 - 80%. Đối với các trạm thu phí BOT, do các phương tiện vận tải hành khách công cộng đã dừng hoạt động, vận tải hàng hóa cầm chừng, phương tiện cá nhân hạn chế dẫn đến doanh thu sụt giảm rất nhiều mặc dù chưa có con số thống kê chính thức. Ngành Hàng hải bị ảnh hưởng nặng nề là các doanh nghiệp vận tải biển. Do ảnh hưởng khủng hoảng kéo dài từ 2008 đến nay, cùng với dịch Covid-19 đã gây ra tác động tiêu cực kép khiến doanh nghiệp vận tải biển đã khó khăn nay càng khó khăn hơn”, ông Ngọc cho biết.
Theo thống kê của Bộ GTVT, sản lượng vận tải 4 tháng đầu năm ước đạt 534,514 triệu tấn hàng, giảm 7,2%; đạt 1.231,280 triệu lượt hành khách, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2019; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 103,753 triệu Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 57,433 triệu HK.km; giảm 7,8% về luân chuyển hàng hóa và giảm 30,6% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020, sản lượng vận tải ước đạt 105,699 triệu tấn hàng (giảm 27,2%); đạt 99,802 triệu hành khách (giảm 76,8%); luân chuyển 21,283 triệu Tấn.km (giảm 25,2%) và 4,157 triệu HK.km (giảm 80,2%) so với tháng cùng kỳ năm 2019.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ta, Bộ GTVT đã lĩnh hội và bám sát các chỉ đạo của Ban bí thư T.Ư Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Bộ GTVT đã ban hành 84 văn bản để chỉ đạo điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp GTVT, Bộ GTVT đã có văn bản số 2271/BGTVT-VT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ, trong đó có nội dung hỗ trợ giá cho các hãng hàng không Việt Nam. Ngay sau đó, ACV đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa) đang sử dụng các dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV để chia sẻ khó khăn. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%. Các dịch vụ trên được miễn giảm giá từ ngày 01/3 đến hết tháng 8/2020.
Đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT chỉ đạo các sở GTVT tạm thời không xử lý các đơn vị vận tải hành khách không đảm bảo số chuyến khai thác tuyến (tối thiểu 70% số chuyến theo biểu đồ chạy xe) trong thời gian có dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao những giải pháp mà Bộ GTVT đã đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là vận tải đường bộ. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục cần thiết trình cơ quan chức năng để được hưởng các chính sách như: giảm thuế, giảm phí thu trên đầu phương tiện... Khi các giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra nhằm phòng, chống dịch bệnh như hạn chế tần xuất xe xuất bến, khoảng cách an toàn giữa hành khách, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe, hành khách, khử khuẩn phương tiện... thì tất cả các doanh nghiệp đều chấp hành đầy đủ. Tôi cho rằng, với tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành “Chống dịch như chống giặc”, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã thành công trong việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh và quan trọng là các doanh nghiệp đang hoạt động trở lại nhằm thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ”.
Đối với hàng hải, Bộ đã tham gia họp trực tuyến với Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam, các công ty hoa tiêu hàng hải, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cùng các hiệp hội chủ tàu địa phương và đã đưa ra các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời thống nhất áp dụng mức giá tối thiểu quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGVT của Bộ GTVT. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ GTVT, hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt đã có thông báo điều chỉnh giảm giá dịch vụ lai dắt tàu biển đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa thực hiện điều chỉnh giảm giá dịch vụ lai dắt cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa.
Đối với lĩnh vực đăng kiểm, Bộ đã đồng ý với đề xuất động cơ, xe máy hạng nặng đăng kiểm tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam mà không phải đăng kiểm lại, hoặc xe hạng nhẹ nhập khẩu từ châu Âu để phục vụ công tác y tế, môi trường như xe cứu thương, xe quan trắc môi trường, xe phân tích lấy mẫu y tế... chỉ cần báo cáo thử nghiệm khí thải của xe thỏa mãn tiêu chuẩn khí thải từ Euro 4 trở lên. Nếu không có báo cáo khí thải của xe hoàn thiện thì được phép sử dụng báo cáo thử nghiệm khí thải của xe cơ sở làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao; phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đề xuất giãn, giảm phí, lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý II/2020; tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Căn cứ chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19 để có phương án từng bước bình thường hoạt động vận tải, bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tích cực, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.