Logistic và chính sách về phát triển dịch vụ trong lĩnh vực GTVT

Ý kiến phản biện 19/02/2015 01:24

Dịch vụ logistics mới xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 20 năm qua. Mô hình logistics ở Việt Nam mới đang ở những bước phát triển đầu tiên và có nhiều cơ hội phát triển.Tổng quan về dịch vụ logistics tại Việt Nam


Freight Business

Logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, logistics đã được chuyên môn hóa và phát triển trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối của nền kinh tế, đặc biệt trong giao thương quốc tế hiện nay. Ở các nước phát triển, chi phí logistics chiếm từ 9% đến 15% GDP; tại Việt Nam, chi phí logistics chiếm khoảng 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm 56%.

Dịch vụ logistics mới xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 20 năm qua. Mô hình logistics ở Việt Nam mới đang ở những bước phát triển đầu tiên và có nhiều cơ hội phát triển. Các hoạt động của dịch vụ logistics bao gồm:

- Các dịch vụ logistics chủ yếu: Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp công-ten-nơ; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; dịch vụ đại lý vận tải; hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan; dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt các hoạt động logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua công-ten-nơ.

- Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải: Dịch vụ vận tải biển, dịch vụ vận tải thuỷ nội địa, dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ vận tải đường sắt, dịch vụ vận tải đường bộ, dịch vụ vận tải đường ống.

- Các dịch vụ logistics liên quan khác: Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật, dịch vụ bưu chính, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ – bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng, các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, đây là cơ hội để tất cả các ngành kinh tế, trong đó có logistics phát triển. Với ngành logistics, hội nhập tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, nhưng cũng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp ngay tại thị trường trong nước, khi mà các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Thời gian vừa qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Năm 2014, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013. Tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16 – 20%/năm.

Thực trạng kết nối giữa các phương thức vận tải

Thực trạng kết nối giữa các phương thức vận tải hiện nay còn yếu kém do kết nối về hạ tầng, phương tiện, dịch vụ và chính sách còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế sự phát triển của dịch vụ vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Các hạn chế này có thể kể đến như:

- Kết nối về hạ tầng: Khả năng xếp, dỡ và trung chuyển công-ten-nơ còn rất hạn chế tại các cảng sông, ga đường sắt; chi phí trung chuyển giữa đường sông và đường biển còn cao do mức độ công-ten-nơ hóa thấp; các tuyến vận tải sông pha biển hiện nay đã có quy hoạch nhưng gần đây mới bắt đầu triển khai khai thác.

Ý kiến của bạn

Bình luận