Xuồng máy đưa PV từ tàu Hải Đăng 05 vào tác nghiệp trên đảo |
Gần lắm Trường Sa…
Tháng 4/2018, tôi may mắn lần đầu được ra quần đảo Trường Sa cùng với đoàn công tác của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam trên tàu Hải Đăng 05. Trong số gần 20 thành viên của đoàn thì có 4 PV đến từ Tạp chí GTVT, Báo Giao thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tác nghiệp trên đất liền là công việc thường nhật của PV, nhưng tác nghiệp ở Trường Sa luôn mang lại cho anh em PV những trải nghiệm thú vị.
Vượt qua thử thách say sóng có lẽ là sự lo lắng nhất trước khi lên tàu. Đã đôi lần tôi theo chân ngư dân ra biển, nhưng cái dập dềnh của con tàu “tiếp tế” Hải Đăng 05 có trọng tải 1.500 tấn cao lớn, dài cả trăm mét quả là rất khác lạ. Nếu như tàu cá mỗi lần dềnh lên dập xuống với chu kỳ rất nhanh thì trên tàu Hải Đăng 05 tốc độ bập bềnh ấy rất chậm khiến cho người ta như có cảm giác bị thôi miên vậy.
Tàu rời cảng Rạch Bà (TP. Vũng Tàu) lúc 9 giờ sáng thì phải 48 tiếng sau mới ra tới đảo Đá Tây - điểm đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa. Còn nhớ, buổi tối đầu tiên lênh đênh trên biển, cánh PV chúng tôi đều say sóng và nằm bẹp trên giường. Một đồng nghiệp nam ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thân hình vạm vỡ đầy sức lực nhưng tới ngày thứ hai trên biển cũng say mềm đến nỗi đang ăn cơm dở phải bỏ bát chạy hộc tốc vào nhà vệ sinh.
Bình thường ở đất liền, nếu như không có những đề tài thời sự, cánh PV nổi tiếng hay ngủ dậy muộn thì ở trên tàu, tất cả đều phải răm rắp tuân thủ giờ giấc y hệt chế độ của sỹ quan, thủy thủ trên tàu. Mỗi phòng ở, làm việc của thành viên đoàn công tác đều có một chiếc loa phóng thanh, cứ 5h30 là khẩu lệnh từ chỉ huy tàu lại đều đặn vang lên: “Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức! Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu...!”.
Mọi chế độ ăn uống, sinh hoạt trên tàu đều có quy định rõ ràng. Giờ ăn sáng cố định lúc 6h, ăn trưa cố định lúc 11h30 và ăn chiều lúc 17h30, tất cả đều phải tuân thủ chính xác. Quả thực những ngày đầu trên biển, nhiều người mệt phờ vì sóng, nhưng sau khi quen dần với nếp sống kỷ luật ai cũng thấy khỏe khoắn, có người còn tăng cân sau chuyến công tác.
Những trải nghiệm để đời
Để có những bài viết, thước phim, hình ảnh sinh động, cánh PV chủ động hòa mình vào hiện thực, tận dụng hết thời gian để chụp ảnh, ghi hình, trao đổi, phỏng vấn |
Tác nghiệp ở Trường Sa trong điều kiện đặc biệt, cái khó không chỉ là những cơn say sóng mà phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Do hải trình phải đi qua nhiều điểm đảo nên ban tổ chức quy định mỗi lần tàu vào thăm các đảo thường rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 02 - 3 tiếng đồng hồ nên cánh PV quả thực là những người vất vả nhất khi phải tranh thủ tối đa thời gian có thể để tác nghiệp.
Do quá quen với tư thế “di chuyển dạng chân” để giữ thăng bằng trong thời gian dài trên tàu nên khi vào các đảo, nhiều PV theo quán tính khi giơ máy ảnh lên tác nghiệp thì chân cứ chệnh choạng như sắp ngã.
Ngoại trừ đảo Trường Sa Lớn có cầu cảng để tàu có thể cập bến, những đảo khác tàu đều phải neo ngoài xa, việc di chuyển người từ tàu vào đảo đều phải nhờ các xuồng (ca-nô) máy. Mỗi lần xuống xuồng lên đảo, cánh PV luôn được thủy thủ đoàn và ban tổ chức ưu tiên được vào đảo trước chỉ sau chuyến xuồng chở hàng. Bởi vậy, chúng tôi luôn ý thức được sự ưu ái của các anh nên luôn nhắc nhở nhau phải tập trung đúng giờ theo quân lệnh và sẵn sàng xuống ngay xuồng ở chuyến thứ 2, không được để mọi người chờ đợi... Mỗi khi chuyển xuồng, anh em luôn cẩn thận bọc kỹ đồ nghề như máy ảnh, camera, máy ghi âm, giấy bút... vào túi ni lông chuyên dụng được tàu trang bị, buộc chặt lại tránh để sóng biển làm ướt thiết bị.
Được đặt chân đến Trường Sa, được cầm máy ghi lại cảnh sắc, con người nơi đây; khắc phục khó khăn về thời tiết, địa hình để có những tấm ảnh đẹp, những thước phim giá trị; được trải nghiệm sóng gió và được nghe biết bao câu chuyện về những người lính đảo, về các điểm đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa thân yêu... luôn để lại cho mỗi người, nhất là cánh PV chúng tôi những cảm xúc khó quên.
Những ngày lênh đênh trên biển, tôi đã chứng kiến sự “xả thân” vì nghề của các đồng nghiệp. Trước mũi tàu giữa trời nắng như đổ lửa, anh Nguyễn Đức Trung (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải đứng hàng giờ chỉ để “săn” cho bằng được thước phim những con cá chuồn khi chúng phóng khỏi mặt nước bay trên mặt biển. Mỗi khi quay được những thước phim ăn ý, anh Trung khoe ngay với mọi người và chép miệng tâm đắc: “Đẹp quá trời!”.
Còn anh Phạm Ngọc Hùng (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu) là người may mắn nhất vì anh đã theo dõi và chụp được những kiểu ảnh ghi lại toàn bộ hành trình của đoàn cá heo đi theo đoàn. Để có được những tấm ảnh giá trị đó, anh Hùng cũng phải phơi nắng hàng giờ để không bỏ sót khoảnh khắc nào của đoàn cá heo.
Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tận cùng cơn khát, khi chiếc xuồng chuyển tải vừa cập mép đảo, PV Mai Văn Huyên (Báo Giao thông) đã thoăn thoắt leo cầu thang lên đỉnh trạm đèn Song Tử Tây. Anh giương ống kính về phía hai xuồng chuyển tải đang rẽ sóng vào đảo để ghi lại những hình ảnh sống động nhất. Còn ở đảo Đá Tây, anh đã hóa thân thành ca sĩ vừa đệm đàn, vừa hát gửi tặng ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” tới cán bộ, chiến sỹ, công nhân hải đăng làm nhiệm vụ trên đảo.
Khó khăn là thế nhưng cả chặng đường ngàn hải lý đều rẽ sóng thuận lợi với sự đồng lòng của chúng tôi, để rồi cảm giác đọng lại là niềm hạnh phúc vì đã vượt qua những khó khăn thử thách, ghi lại cuộc sống chân thực đầy cảm xúc của chiến sỹ trên các điểm đảo và những người “gác đèn” ở các hải đăng trên biển.
Chính hình tượng những người lính kiên cường ngày đêm đứng giữa nắng gió, giông tố để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là động lực, là điểm tựa cho PV chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm để làm tốt công việc của mình, từ đó thấy trân trọng và yêu quý hơn nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Chia tay Trường Sa, gần 20 ngày tuy ngắn ngủi nhưng để lại bao kỷ niệm, bao cảm xúc khó quên. Trân trọng lắm với nghề báo của chúng tôi về một chuyến đi đầy ắp những trải nghiệm mới lạ, những điều thú vị trong cuộc đời cầm bút
Trên các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa bây giờ đều có sóng điện thoại Viettel, giúp các chiến sỹ liên lạc với người thân trong đất liền dễ dàng. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật quốc phòng, các đảo không có mạng 3G nên dù có điện thoại smartphone xịn cỡ mấy cũng “bó tay” với email hay mạng xã hội như Facebook, Zalo… Vì vậy, mỗi khi có đoàn công tác tới thăm, nhiều cán bộ chiến sỹ trên đảo đành phải nhờ người trong đoàn công tác chụp ảnh hộ rồi về đất liền gửi email cho người thân của họ, trong đó các nhà báo thường được chiến sỹ tin cậy gửi gắm. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.