Trẻ thường xuyên ngồi ghế trước ôtô, không có thiết bị an toàn
Ngày 26/9, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp chuyên đề "Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ôtô" do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển Cộng đồng (CHD) và Quỹ thương vong Châu Á (Quỹ AIP) tổ chức.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 1.800km cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120km/h, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90km/h.
"Trong bối cảnh nhiều ôtô hơn, nhiều cao tốc, quốc lộ tốt, bên cạnh mặt tích cực nhưng về mặt an toàn nổi lên một số vấn đề, trong đó có việc bảo vệ trẻ em khi chưa có thiết bị bảo vệ an toàn trên ôtô. Trên thực tế, dây an toàn của người lớn trên xe ôtô chưa phát huy tác dụng đối với trẻ em", ông Minh thông tin.
PGS. TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng cho biết, số lượng ôtô được sở hữu ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng và trẻ em được bố mẹ đưa đến trường bằng ôtô cũng nhiều hơn.
Khảo sát 472 trẻ em từ 9-15 tuổi, trước đại dịch Covid-19 có 9% đi học bằng ôtô, sau Covid-19 tăng lên 11%. Trong khi đó, xu hướng các gia đình trẻ chọn sống bên ngoài thành phố và di chuyển quãng đường xa đang phổ biến.
Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, hiện nay tình trạng trẻ em ngồi ghế trước ô tô khá phổ biến. Tại một nghiên cứu của Trung tâm được thực hiện từ năm 2021 đến nay cho thấy có tới 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Tuy nhiên, người dân chưa có thói quen sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Cụ thể, thống kê cả nước mới chỉ có 1,3% xe ôtô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó 2,6% ô tô ở Hà Nội có sử dụng thiết bị an toàn; tại TP. HCM là 1,1%; Đà Nẵng thì gần như không có.
"Điều này rất nguy hiểm khi không may xe gặp tai nạn. Cụ thể, ngày 24/2/2021, một tô tô 7 chỗ khi xuống dốc đã va chạm trực diện vào lan can bê tông. Vụ tai nạn khiến 4 người trong gia đình trên xe bị thương nặng. Dù được đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng (TP. Bảo Lộc) cấp cứu ngay sau đó nhưng do bị thương quá nặng, cháu L.T.H (7 tuổi) đã tử vong trên đường", ông Cường dẫn chứng.
Mới đây, ngày 14/7, một ôtô di chuyển từ TP. Nam Định về xã Hợp Hưng, đến khu vực ngã tư Đại An và xã Hợp Hưng thì va chạm với xe tải. Trên ô tô có 4 người (gồm 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ). Qua xác minh ban đầu, 2 bé gái là con của nữ tài xế. Cú va chạm mạnh đã khiến nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong.
Bỏ quên nhóm trẻ 4- 12 tuổi
Tại khoản 3, Điều 9, Dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ (tháng 8/2023) đề xuất quy định "trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô".
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề xuất này là một bước tiến lớn so với quy định hiện nay và rất đúng đắn nhưng mới bảo vệ được cho nhóm trẻ em từ 0-4 tuổi.
PGS. TS Phạm Việt Cường cho rằng, điều này đồng nghĩa với nhóm trẻ em từ 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất khi tham gia giao thông bằng ô tô theo dự thảo luật này.
Xét về góc độ bảo vệ trẻ em, căn cứ vào cân nặng và chiều cao của trẻ em Việt Nam từ 1- 12 tuổi theo chuẩn WHO, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng theo khuyến nghị của WHO về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, trong đó sử dụng tiêu chí chính là chiều cao dưới 1m35.
PGS.TS Phạm Việt Cường kiến nghị, trẻ em cao dưới 1m35 và dưới 12 tuổi được chở trên xe ô tô con cá nhân phải có thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Trẻ em cao dưới 1m35 và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế của người lái xe. Người lái xe ô tô cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy tắc này.
Đồng quan điểm, bà Trần Xuân Hằng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế kiến nghị thêm, ôtô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Đối với trẻ dưới 4 tuổi được chở trên ôtô phải được ngồi ở ghế thiết kế dành cho trẻ em.
Tương tự, đại diện Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển Cộng đồng cũng kiến nghị, cần bổ sung mức xử phạt, ít nhất là từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên ô tô con cá nhân.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc luật hóa quy định thiết bị an toàn để bảo vệ trẻ em trên xe ôtô là rất khả thi về mặt kỹ thuật và cần xây dựng lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể, song song với việc tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng, xã hội.
TS. Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng nhấn mạnh, không nên để trẻ em ngồi ghế trước ôtô do đây là vị trí chịu nhiều tác động hơn khi xảy ra va chạm và dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí. Trong khi đó, trẻ ngồi ghế trước thường tò mò, hiếu động… gây mất tập trung hơn cho người lái xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.