Lương doanh nghiệp nước ngoài cao nhưng không dễ "ăn"?

12/02/2017 16:06

Một kỹ sư mà doanh nghiệp nước ngoài khi phạm lỗi bị bắt đứng giữa trời nắng trưa hoặc là bắt chạy một vòng xung quang công ty.

lao_dong_tay_nghe_cao_svxj
Lao động Việt Nam trình độ cao

Sau Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên cả nước đạt mức cao: từ 96-99%. Điều này cho thấy, những chính sách ưu đãi với người lao động của các doanh nghiệp đối với người lao động đã có hiệu quả. Tuy nhiên, đó là những con số về lao động phổ thông, còn với những lao động có trình độ tay nghề cao, năng lực tốt thì việc giữ chân lực lượng này trong giai đoạn hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hiện nay và thời gian tới là điều không dễ.

Theo các chuyên gia kinh tế thì ngay khi Việt Nam tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), quy định tự do dịch chuyển lao động trong khối AEC đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Việc cho phép lao động thuộc 8 ngành: Du lịch, kiểm toán, kiến trúc, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên được quyền tự do di chuyển tìm việc làm là một cơ hội cho các lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc để có thu nhập cao. Lao động Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển, như: Singapore, Thái Lan… Cùng với đó, thị trường Việt Nam cũng sẽ đón nhận nguồn lao động chất lượng cao từ các nước trong khối đến làm việc. Việc dịch chuyển lao động này cũng sẽ khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trước sự ra đi của những lao động có trình độ và tay nghề cao, trong khi khả năng tiếp nhận những lao động nước ngoài không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng: Việc chuyển dịch lao động là điều hết sức bình thường, tuy nhiên với từng doanh nghiệp, việc người lao động bỏ mình hay không đều do văn hóa doanh nghiệp mà ra.

Ông Trần Việt Anh kể: Trước đây công ty ông có một số công nhân kể cả kỹ sư nhảy việc sang các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, sau một thời gian họ lại trở về lại công ty Nam Thái Sơn. Điều khiến cho họ quay trở về không phải lương thấp hoặc cường độ làm việc cao mà là thái độ đối xử với người lao động của chính doanh nghiệp ngoại: “Một kỹ sư mà doanh nghiệp nước ngoài bắt đứng giữa trời nắng trưa khi bị một lỗi vi phạm nào đó hoặc là bắt chạy một vòng xung quang công ty. Toàn bộ khối văn phòng bị lỗi là bắt đứng làm việc trong 15 phút. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam không bao giờ làm điều này với nhân viên của mình cả. Vì đa số doanh nghiệp nước ngoài họ rất coi thường lao động Việt Nam. Họ khai thác đến mức sử dụng mọi thứ. Có thể họ sẵn sàng trả lương rất cao nhưng để ăn được lương đó rất khó” .

Điều đáng nói là các doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong tình trạng đã được cảnh báo nhiều năm nay, đó là: Việt Nam thiếu nhiều nhân lực có chuyên môn và được đào tạo một cách hoàn chỉnh. Chính vì vậy, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam đều rất thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Để đáp ứng nhu cầu công việc, các doanh nghiệp nước ngoài đã phải bỏ kinh phí và thời gian để đào tạo lại lao động khi tuyển vào. Do đó khi thị trường lao động được tự do dịch chuyển thì lao động Việt Nam cần phải nâng cao tay nghề hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nếu không đảm bảo về chuyên môn và tay nghề thì rất khó để tiếp cận được công việc tốt với mức lương cao trong thị trường cạnh tranh về lao động hiện nay.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho rằng: “Chúng ta đã có một thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực, nhưng hầu như chẳng chuẩn bị gì cả. Khi mà thị trường lao động mở ra, xung quanh chúng ta có nhiều nước có những chuyên viên rất giỏi, nhân lực rất giỏi. Rõ ràng khi mà cạnh tranh tự do về thị trường lao động, những người nào không đù điều kiện và không đủ điều kiện làm việc thì sẽ bị sa thải khỏi thị trường lao động”.

Để một doanh nghiệp phát triển, có 3 vấn đề quan trọng, đó là: Cơ chế chính sách thông thoáng, đảm bảo vốn và nguồn nhân lực vững. Trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ đang cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách và vốn thì mối quan tâm nhất đang là nguồn nhân lực.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM: cả nước đang phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, vì vậy phải cần tới 1 triệu CEO để xây dựng thương hiệu, định hướng, quản lý doanh nghiệp. Lực lượng này cần được đặt lên hàng đầu, cần phải đào tạo ngay từ bây giờ. Nếu không có chính sách tốt giữ chân CEO thì Việt Nam sẽ bị chảy máu chất xám, lực lượng CEO giỏi sẽ chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khối kinh tế ASEAN.

Ông Huỳnh Văn Minh khẳng định: “Các nước trong khối kinh tế ASEAN chất xám của Việt Nam bắt đầu chảy rồi. Phi công có quyền được sang các hãng để lái. Công nhân có quyền đến doanh nghiệp trong khối để làm, nếu có tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Thái. Rõ ràng là mình phải quan tâm. Muốn có một lực lượng CEO nhanh trong một thời gian ngắn thì phải quan tâm đến đào tạo, phải xã hội hóa trong đào tạo doanh nhân”

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc tự do dịch chuyển lao động là một cuộc cạnh tranh chất lượng lao động của mỗi quốc gia. Lao động của Việt Nam sẽ đối mặt với việc phải cạnh tranh với lao động của các nước trong khối ASEAN ngay trên đất nước mình. Vì vậy, cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực bài bản từ phía Nhà nước, chính bản thân lao động Việt Nam phải tự cạnh tranh lẫn nhau bằng cách nâng cao tay nghề, kỹ năng và tác phong làm việc phải thật sự chuyên nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận