Thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD), đến nay, có 4 dự án giao thông do địa phương làm chủ đầu tư có tiến độ chậm, không hoàn thành kế hoạch với nguyên nhân chủ yếu là công tác GPMB.
Tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đến nay đạt sản lượng 15,6%, chậm 38% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do công tác GPMB chậm kéo dài. Chi phí GPMB vượt 331,7 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.
Theo Cục QLĐTXD, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk để tổ chức kiểm tra, rà soát khối lượng GPMB thực tế so với khối lượng phê duyệt trong tổng mức đầu tư để cân đối hỗ trợ phần chi phí GPMB phát sinh (331,7 tỷ đồng).
"Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp, làm việc với các cơ quan có liên quan của tỉnh để sớm tháo gỡ khó khăn và hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung thi công bù lại tiến độ đã chậm, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch năm 2023", Cục QLĐTXD thông tin.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Giao thông vận tải, tình trạng chậm tiến độ ở dự án này đã kéo dài nhiều tháng qua và liên tục nhận "cảnh báo đỏ" từ Bộ GTVT nhưng vẫn chuyển biến không đáng kể khiến khối lượng chậm tiến độ vẫn ở mức cao, nguy cơ không hoàn thành dự án theo mục tiêu đã đề ra là rất lớn.
Dự án QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa đến đầu tháng 2/2023 đạt sản lượng thi công 95%, không hoàn thành theo kế hoạch tháng 12/2022.
Cục QLĐTXD cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ, không hoàn thành theo kế hoạch là do vướng mặt bằng và nhà thầu thi công chậm.
"Sở GTVT Hà Nam (chủ đầu tư) đang hoàn chỉnh các thủ tục bố trí vốn và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với cơ quan tham mưu của Bộ GTVT để sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định", Cục QLĐTXD thông tin.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai, dự án này liên tục trong tình trạng chậm tiến độ. Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân vốn để hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tiến độ không chuyển biến tích cực. Vào giữa tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai và kéo dài thời gian bố trí vốn cho dự án đến năm 2022.
Việc dự án không hoàn thành theo kế hoạch tháng 12/2022 dẫn đến sự dở dang, do dự án chỉ được bố trí kế hoạch vốn đến hết năm 2022.
Dự án nâng cấp QL32C đoạn Hiền Lương - TP Yên Bái đến tháng 2/2023 đã bàn giao đạt 73,6%, hiện nay chưa GPMB phần còn lại do chi phí GPMB vượt khoảng 100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt chủ yếu do địa phương có thay đổi đơn giá đất.
Cục QLĐTXD thông tin, sản lượng thi công dự án đạt 81%, không hoàn thành theo kế hoạch tháng 12/2022 do vướng mặt bằng.
Dự án nâng cấp Quốc lộ 32C, đoạn Hiền Lương - TP Yên Bái (Km79-Km96+500) có tổng kinh phí đầu tư 642 tỉ đồng, gồm giai đoạn 1 Km79-Km87, giai đoạn 2 Km87+150-Km96+500. Trong đó, giai đoạn 1 đoạn được khởi công năm 2012 với thời gian thi công dự kiến ban đầu là 18 tháng.
Trong 10 năm triển khai thi công, dự án 17,5km này "ì ạch" với nhiều nguyên nhân như thiếu vốn nên dừng thi công, nhiều hộ dân nằm trong diện di dời,… Dự án bị treo sau đó và tái triển khai vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, những vướng mắc về GPMB vẫn còn khiến dự án bê trễ và được Bộ GTVT đưa vào diện theo dõi đặc biệt đối với các công trình phải hoàn thành trong năm 2022.
Tuy nhiên, do thiếu vốn nên dự án dừng thi công, nhiều cũng từ đó treo theo dự án. Đến năm 2021, dự án được triển khai trở lại nhưng cũng vướng mắc về GPMB nên tái diễn tình trạng thi công ì ạch.
Cũng với chủ đầu tư Sở GTVT Yên Bái, dự án nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km280+000-Km340+000 "bết bát" khi mặt bằng đến tháng 2/2023 mới bàn giao khoảng 90%. Khối lượng mặt bằng còn lại chưa GPMB do chi phí GPMB vượt khoảng 30 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt chủ yếu do địa phương có thay đổi đơn giá đất.
Cục QLĐTXD cho biết, sản lượng thi công của dự án này đạt khoảng 95%, không hoàn thành theo kế hoạch tháng 12/2022 do vướng mặt bằng và nhà thầu thi công chậm.
"UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản đề nghị bổ sung vốn, kéo dài thời gian thực hiện và điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh của cả 2 dự án này. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư (Sở GTVT Yên Bái) phối hợp với cơ quan tham mưu của Bộ để sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định", Cục QLĐTXD thông tin.
Được biết, dự án nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km280+000-Km340+000 được Bộ GTVT duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư sau 2 lần điều chỉnh 427,1 tỉ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.