Nhận diện rõ những mối nguy đối với ATGT

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 09/02/2023 11:44

Trong năm 2022, dù tình hình chuyển biến tích cực, TNGT được kéo giảm sâu, toàn diện, song thực tế vẫn cho thấy, còn nhiều tồn tại, hạn chế là mối nguy cho ATGT.

Nhận diện rõ những mối nguy hại đối với ATGT - Ảnh 1.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo tại hội nghị

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia vào sáng nay (9/2), ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022), toàn quốc xảy ra 11.457 vụ TNGT, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người.

So với năm 2021, giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%). Tuy nhiên nếu so sánh với năm 2019 (trước khi xảy ra COVID-19): giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%).

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20-26/01/2023), số vụ và số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (số vụ giảm 7,3% và số người chết giảm 3,3%); không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước.

Mặc dù các chỉ tiêu về TNGT năm 2022 tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 (trước khi diễn ra đại dịch COVID-19), tuy nhiên so với kỳ vọng liên tục kéo giảm TNGT qua các năm thì năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra nếu so sánh với năm 2021 (năm dịch bệnh COVID-19 phức tạp nhất).

Trong đó số vụ và số người chết tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể, tăng 140 vụ (1,71%), tăng 518 người chết (12,35%).

Cùng với đó, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Nhiều vấn đề tồn tại hạn chế trong năm qua như: Vi phạm về hành lang ATGT đường sắt chưa được xử lý kịp thời; Chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thống kê số người chết do TNGT theo thông lệ quốc tế (chết sau 30 ngày kể từ khi ghi nhận có TNGT); Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất ATGT có xu hướng diễn biến phức tạp, điển hình như một số vụ xe tải để rơi cuộn thép tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 3/2022), Bình Dương (tháng 12/2021), xe chở cuộn thép rơi trên vành đai 3 TP. Hà Nội (tháng 8/2022), trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (tháng 1/2023);....

Nhận diện rõ những mối nguy hại đối với ATGT - Ảnh 3.

Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng CSGT và Công an các địa phương tăng cường 100% quân số ứng trực và tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, đặc biệt xử lý chuyên đề về nồng độ cồn, ma tuý xuyên suốt Tết Nguyên đán, góp phần kéo giảm sâu TNGT dịp tết nguyên đán.

Cùng với đó là tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố; vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu bia gây ra, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, từ ngày 6 đến 12/3/2022, trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa liên tiếp xảy ra 8 vụ TNGT làm chết 13 người, bị thương 2 người. Trong số các nạn nhân tử vong có 8 người sinh từ năm 2004 đến 2008. Vụ TNGT giao thông tại TP. Hà Nội ngày 12/8/2022 do người điều khiển ô tô vi phạm quy định nồng độ cồn đâm vào trạm xăng làm 8 người bị thương.

Nhận diện rõ những mối nguy hại đối với ATGT - Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia

Nhận diện rõ các mối nguy

Nói về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, ông Khuất Việt Hùng cho biết, nguyên nhân khách quan là năm 2021, do COVID-19 diễn biến phức tạp, tại nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, lưu lượng giao thông giảm sâu. Tuy nhiên từ đầu quý II/2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều địa phương đã thực hiện kích cầu kinh tế, các sự kiện văn hóa xã hội lớn bắt đầu được tổ chức thường niên hơn bao gồm cả các sự kiện quy mô quốc tế như Seagames 31, các kỳ nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 - 1/5, Quốc khánh 2/9,… đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, vận tải sôi động hơn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao, gần như trở lại trạng thái bình thường như trước thời điểm có dịch 2019, qua đó dẫn đến tình hình TTATGT trở lên phức tạp, TNGT tăng so với năm 2021.

Đặc biệt, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe,... còn xảy ra tại một số nơi.

Mặt khác, nguồn lực dành cho công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng và bảo đảm thường xuyên cho lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Nhận diện rõ những mối nguy hại đối với ATGT - Ảnh 5.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy tuần tra, xử lý vi phạm về quy định ATGT trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Đề cập đến nguyên nhân chủ quan, ông Khuất Việt Hùng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan tới bảo đảm TTATGT còn hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.

"Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ. Còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số trung tâm đăng kiểm. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT", ông Khuất Việt Hùng nói.