Ảnh minh họa |
Lưu ý trong công tác chuẩn bị
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của người điều khiển sư phạm, định hướng tư duy cho sinh viên, giảng viên phải luôn cập nhật những kiến thức mới nhất thông qua sách, báo, internet, tham gia vào các diễn đàn khoa học trong và ngoài trường, đặc biệt phải thường xuyên đi thực tế, tránh giảng dạy xa rời thực tiễn.
Ngay từ đầu năm học, giảng viên phải cung cấp cho sinh viên đề cương môn học cũng như kế hoạch giảng dạy chi tiêt, cụ thể để sinh viên có cái nhìn tổng quan về m ôn học và chuẩn bị trước điều kiện học tập.
Bên cạnh đó, ở mỗi chương, giảng viên phải cung cấp cho sinh viên một kết cấu bài giảng rõ ràng, logic, bao gồm tiêu đề bài học, đề mục từng phần, những yêu cầu cần chuẩn bị cho mỗi tiết học, giúp sinh viên tiếp cận bài học một cách dễ dàng hơn.
Ngoài nội dung, bài giảng của giảng viên phải được chuẩn bị kỹ. Ví dụ, bài tập tình huống, hệ thống câu hỏi, phương án trả lời, cách thức điều khiển việc trả lời, tranh luận của sinh viên để hướng sinh viên vào trọng tâm của vấn đề, tránh lãng phí thời gian trên lớp.
Những ví dụ, bài tập tình huống, câu hỏi cần cụ thể, gần gũi, sát với thực tế, toát lên được nội dung đang nghiên cứu, giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học để phân tích đúng sai, từ đó thấm nhuần bài học hơn.
Câu hỏi, bài tập cần được chia thành 2 loại: câu hỏi, bài tập nhỏ cần được trả lời ngay trên lớp; câu hỏi, bài tập lớn đòi hỏi sự liên kết nhiều vấn đề cần dành cho buổi thảo luận để sinh viên có thời gian chuẩn bị.
Để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào bài giảng trên lớp, giảng viên cần giới thiệu danh mục tài liệu cần đọc trước, chủ đề, nội dung cụ thể cần đọc, hướng dẫn sinh viên cách đọc tài liệu sao cho hiệu quả nhất, tránh đọc một cách tràn lan, thiếu định hướng, thiếu chủ đề.
Lưu ý khi trên lớp
Giảng viên chỉ nên tập trung làm rõ những khái niệm, nội dung kiến thức cơ bản, tránh những vấn đề mà giáo trình chưa thể cập nhật được theo những diễn biến thực tế nhằm hướng dẫn sinh viên hiểu được những vấn đề cốt lõi nhất của bài học và định hướng những nghiên cứu bổ sung. Những vấn đề dễ để sinh viên tự đọc tài liệu. Những vấn đề trừu tượng, khó hiểu cần tổ chức thêm buổi thảo luận hoặc giải quyết ở các buổi chữa bài tập, gắn với giải quyết những tình huống thực tế.
Phải dành quỹ thời gian hợp lý cho việc tổ chức thảo luận sau một vài chương hoặc một phần kiến thức của môn học để củng cố kiến thức cho sinh viên.
Để buổi thảo luận đạt kết quả tốt, giảng viên cần nêu trước chủ đề để sinh viên có điều kiện chuẩn bị ở nhà. Buổi thảo luận, sinh viên được tự do trình bày kết quả nghiên cứu, tự do tranh luận, giảng viên là trọng tài, là người tổng kết, đánh giá cuối cùng.
Trong mỗi tiết học, cần tạo không khí học tập thoải mái, thân mật, không hình thức. Thoải mái ở đây không có nghĩa là tự do, vô tổ chức. Khi cần thiết, giảng viên vẫn phải chấn chỉnh những trường hợp vô kỷ luật để duy trì không khí học tập nghiêm túc. Nhưng quan trọng là giảng viên cần có thái độ cởi mở, vui vẻ, tạo sự giao lưu thoải mái, tin cậy giữa giảng viên và sinh viên. Có như vậy, sinh viên mới mạnh dạn tham gia vào bài học.
Cải tiến công tác đánh giá
Đề thi, kiểm tra nên tập trung vào những câu hỏi vận dụng kiến thức, tránh những câu hỏi mang tính trình bày lý thuyết thuần túy, tránh tình trạng học vẹt và ngăn ngừa hiện tượng sao chép tài liệu.
Đề thi, kiểm tra phải nằm trong chương trình giảng dạy và phải phù hợp với trình độ của sinh viên. Đề thi phải gồm nhiều câu đánh giá ở các mức độ khác nhau từ thấp đến cao; từ nhớ, hiểu, vận dụng đến phân tích, tổng hợp để dễ dàng phân loại trình độ sinh viên.
Việc tổ chức kiểm tra định kỳ cần gắn với việ chấm và chữa bài công khai, nghiêm túc, giúp sinh viên nhận ra những sai sót ngay trong quá trình học tập.
Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của TS Lê Thị Xuân (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.