Theo đó, đến nay, Dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng bao gồm: 13,05km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh; đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống và đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp; đang hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì, hệ thống quy trình quản lý an toàn vận hành…
Bộ GTVT cho rằng, khi thực hiện có nhiều yếu tố tác động như GPMB (động thổ vào tháng 4/2010 và đến cuối tháng 4/2015 mới có mặt bằng sạch), công địa khảo sát để thiết kế, quy trình thủ tục có sự khác biệt (giữa Việt Nam và Trung Quốc) nên thời gian thực hiện Dự án đã bị kéo dài.
Bộ GTVT cho biết, đến nay, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại chính chưa được hoàn thiện gồm: Chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu.
Các thiết bị đã lắp đặt Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ.... để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống; Chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé...) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), quá trình thực hiện Dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị là 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thỏa thuận hợp đồng được Cục Đường sắt Việt Nam ký với Tổng thầu vào tháng 2/2009, các điều khoản hợp đồng được các bên hoàn tất và ký vào tháng 5/2010.
Dự án chính thức được khởi công vào tháng 10/2011 và tiến độ dự kiến hoàn thành trong 48 tháng kể từ ngày Chủ đầu tư bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng thầu.
Tuy nhiên, gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, Dự án vẫn chưa thể đưa vào sử dụng chính thức.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.