Đi lại khó khăn
Dự án Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được khởi công từ tháng 9/2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong quá trình triển khai, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 1.900 tỷ đồng, thay vì 1.500 tỷ đồng như dự toán ban đầu do biến động về giá vật liệu.
Với mức đầu tư lên đến gần 1.900 tỷ đồng, khi hoàn thành 100%, khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có khả năng đáp ứng được nhu cầu ở của gần 2,5 vạn học sinh, sinh viên nhờ vào điều kiện cơ sở vật chất vượt trội hơn các khu ký túc xá khác. Tháng 1/2015, 3 toà nhà cao tầng khang trang được đưa vào khai thác có khả năng đáp ứng nhu cầu ở của 1,1 vạn sinh viên. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 toà nhà A1, A5, A6 chỉ đạt gần 40% do những bất cập về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông.
Khu nhà ở được xây dựng phục vụ học sinh, sinh viên toàn thành phố, nhưng chỉ có 2 tuyến xe buýt 21B và 60A chạy qua với tần suất 25 phút/chuyến, trong khi khu nhà nằm khuất ở khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, rất bất tiện cho việc đi lại của học sinh, sinh viên. Nếu muốn đi đến hướng khác hai tuyến trên, học sinh, sinh viên chỉ có sự lựa chọn đi bộ ra đường Ngọc Hồi bắt xe bus.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban quản lý khu nhà ở học sinh, sinh viên cho biết, việc chỉ có 2 tuyến xe bus chạy tần suất 25 phút/chuyến, xe có sức chứa tối đa 60 người thì không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên, bởi giờ cao điểm buổi sáng có 400 - 600 em cần đến trường một lúc. Để giải quyết nhu cầu đi lại của sinh viên, Ban quản lý đã có văn bản gửi Tổng Cty Vận tải Hà Nội đề nghị tăng cường xe vào khung giờ cao điểm.
Lãng phí
Trước tình cảnh khu nhà ở ngày càng thưa vắng, Ban quản lý đã đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá khu nhà ở, cùng các dịch vụ tiện ích với sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng vẫn không “chạy đua” được với Làng sinh viên Hacinco, Khu KTX Mỹ Đình. Nguyên nhân do quy hoạch vị trí xây dựng không hợp lý, quá xa các trường đại học lớn, trong khi giao thông không được kết nối.
3 tòa nhà chưa lấp đầy sinh viên, trong khi đó 2 tòa nhà cao tầng A2, A3 đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, để không gây lãng phí trong thời gian dài. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các tòa nhà sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là A1, A5, A6 đã được đưa vào khai thác. Toà nhà A2, A3 chưa thể hoàn thiện do chưa được bố trí nguồn vốn bổ sung. Sở Xây dựng đã đề nghị thành phố bố trí nguồn vốn để hoàn thành dự án, sớm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do thành phố chưa thể bố trí nguồn vốn để hoàn thiện 2 tòa nhà.
Năm 2015, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thành phố đề nghị các cơ quan Trung ương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng tòa nhà A3 (nằm tách biệt) từ nhà ở sinh viên sang nhà xã hội để thu về gần 120 tỷ đồng thanh toán cho đơn vị thi công, đồng thời đầu tư cho các hạng mục còn lại. Trường hợp có bố trí được nguồn vốn hoàn thiện nhà A2 và A3, khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên khu Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng khó thu hút sinh viên, nếu những bất cập về hạ tầng giao thông không được xử lý.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Tổng Cty Vận tải Hà Nội đang tiến hành lập quy hoạch điều chỉnh luồng tuyến xe bus năm 2017. Trong đó, có việc xem xét bổ sung một số tuyến xe bus chạy qua khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp với tần suất xe phù hợp đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.