"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại - Kỳ 2: Quy định bất cập khiến chủ hàng Việt bị ép

Tác giả: Bình Minh

saosaosaosaosao
Hàng hải 19/03/2024 14:09

Giá các loại phụ phí (phụ thu) của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ phí. Cần thiết phải ban hành cơ chế quản lý cao hơn cơ chế niêm yết giá.

Thiếu sự thỏa thuận giữa hãng tàu và chủ hàng

"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại - Kỳ 2: Quy định bất cập khiến chủ hàng Việt bị ép- Ảnh 1.

Tàu M/V OOCL Spain dài gần 400 m, rộng hơn 63 m, với sức chở 24.188 container 20 feet, cập cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sáng 30/3/2023

Theo quy định tại Nghị định số 146/2016 quy định về việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, đối tượng niêm yết giá, gồm: Giá dịch vụ vận chuyển container và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container.

Hình thức niêm yết là thông báo công khai mức giá trên trang thông tin điện tử của hãng tàu, tại trụ sở doanh nghiệp hoặc bằng các hình thức thích hợp; Gửi thông báo đến Cục Hàng hải Việt Nam về địa chỉ nơi niêm yết giá dịch vụ.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, hầu hết các hãng tàu biển Việt Nam và nước ngoài đều đã thực hiện việc niêm yết mức giá trên trang thông tin điện tử và đã gửi thông báo về Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định tại NĐ 146/2016/NĐ-CP.

Cục Hàng hải Việt Nam đã thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải phối hợp với Chi cục Hàng hải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giá dịch vụ hàng hải tại khu vực nhằm công khai, minh bạch mức giá.

Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đưa ra một số tồn tại bất cập trong công tác quản lý giá cước và phụ thu. Theo đó, giá cước niêm yết không phản ánh giá cước thực tế, các hãng tàu có chính sách giá cước khác nhau đối với các đối tượng khách hàng khác nhau. Hãng tàu thường niêm yết giá cước với mức giá rất cao, để bảo đảm đã thực hiện đúng quy định về niêm yết. Mức giá thực tế không được công khai niêm yết và được hãng giải thích là do bí mật kinh doanh.

Bên cạnh đó, các loại phụ thu được niêm yết chỉ thể hiện mức giá, không ghi chi tiết thời điểm bắt đầu và kết thúc, không nêu rõ lý do thu, không lưu lại thời gian niêm yết và các lần thay đổi niêm yết.

Mức giá các loại phụ thu do hãng tàu tự quyết định và ấn định thu của khách hàng mà không có sự thỏa thuận giữa hai bên. Chủ hàng Việt Nam thường không phải là người đàm phán ký kết hợp đồng vận tải (phần lớn do đối tác nước ngoài), nên các điều khoản hãng tàu đưa ra chủ hàng buộc phải chấp nhận để lấy được hàng.

"Giá các loại phụ thu của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ thu. Do vậy, cần thiết phải ban hành cơ chế quản lý cao hơn cơ chế niêm yết giá", Cục Hàng hải Việt Nam cho hay.

Các nước đang quản lý giá cước và phụ thu thế nào?

"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại - Kỳ 2: Quy định bất cập khiến chủ hàng Việt bị ép- Ảnh 2.

Tàu Sinotrans đang cập cảng tại Manila Philippines

Trước những bức xúc của một số hiệp hội, ngành hàng liên quan đến vấn đề phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã có thư gửi các nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Thông tin phản hồi từ những nước này cho thấy những cơ chế các nước đang quản lý giá cước và phụ thu.

Chẳng hạn, tại Singapore, Chính phủ không quy định giá cước vận tải, phụ thu ngoài giá và giá dịch vụ tại cảng biển. Mức giá do thị trường tự quyết định (hoặc chính quyền cảng định hướng). Về kê khai, niêm yết giá, Chính phủ không quy định doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá dịch vụ tại cảng biển. Đối với các loại phụ thu ngoài giá cước, các hãng tàu thu các loại phụ thu của khách hàng trong đó có giá THC như Việt Nam, Chính phủ không quản lý các loại phụ thu và mức giá.

Tại Trung Quốc, Chính phủ không quy định mức giá cước vận tải, giá phụ thu và giá dịch vụ tại cảng biển, mức giá do thị trường quyết định. Về kê khai giá, doanh nghiệp phải đăng ký kê khai giá cước và giá các loại phụ thu với Bộ Giao thông Trung Quốc, thời gian có hiệu lực ngay khi được cơ quan nhà nước chấp thuận. Trong trường hợp mức giá thỏa thuận với khách hàng khác với mức giá đã đăng ký, hãng tàu phải thực hiện đăng ký lại mức giá đó.

Trong trường hợp giá cao bất thường, cơ quan nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát giá và khi đó doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ để chứng minh việc tăng giá có phù hợp hay không (trong thời gian dịch Covid -19, giá cước vận tải tăng cao, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập đoàn kiểm tra đối với hãng tàu, với nỗ lực giảm giá vận chuyển đang tăng cao đột biến, tuy nhiên các chính sách kiểm tra vẫn chưa mang lại hiệu quả trong việc giảm giá cước vận tải).

Để làm trong sạch và chuẩn hóa thị trường, ngày 29/7/2020, Ủy ban cải cách và Phát triển Trung Quốc, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương mại, Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước phát hành "Phương án hành động làm sạch và quy chuẩn hóa thu giá, phí tại cảng biển". Theo đó, đối với các khoản phí nhà nước quy định sẽ rà soát lại chi phí thực tế để làm căn cứ điều chỉnh mức phí cho phù hợp; Hoàn thiện hệ thống danh mục thu phí nhằm minh bạch hóa các khoản thu tại cảng, nhằm mục đích giảm chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu; Đối với các loại giá theo thị trường, khi cần thiết Chính phủ sẽ tiến hành điều tra giá thành để làm cơ sở xây dựng hợp lý các chính sách liên quan và chuẩn hóa thị trường.

Về đăng ký tuyến vận tải: Chính phủ Trung Quốc yêu cầu hãng tàu khi vào hoạt động chuyên tuyến tại cảng biển Trung Quốc phải đăng ký tuyến vận tải, nội dung đăng ký tuyến bao gồm: Mẫu đăng ký, Giấy đăng ký kinh doanh, Dịch vụ dự kiến tại Trung Quốc, Hành trình và giá cước, vận đơn, Thư chỉ định đại lý, Đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp.

Tại Nhật Bản, Nhà nước không điều chỉnh giá cước, phụ thu và giá dịch vụ tại cảng biển, giá do thị trường quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa hãng tàu và chủ hàng. Về niêm yết giá, Chính phủ có quy định hãng tàu thông báo giá cước và phụ thu cho Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên việc thông báo không được cập nhật kịp thời. Đối với giá dịch vụ tại cảng biển, Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết công khai niêm yết, Chính phủ không quy định khung giá và không can thiệp vào mức giá của doanh nghiệp.

Tại Hoa Kỳ, Chính phủ nước này không điều chỉnh giá cước, phụ thu và giá dịch vụ tại cảng biển, mức giá được quyết định theo thị trường hoặc do chính quyền cảng định hướng. Về kê khai giá, Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền và niêm yết công khai giá dịch vụ (Ủy ban liên bang Hàng hải Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát việc kê khai, niêm yết giá), trong trường hợp tăng giá phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trước 30 ngày mới được áp dụng. Tuy nhiên một số trường hợp cơ quan nhà nước có thể cho phép áp dụng sớm hơn 30 ngày. Khi giảm giá được phép áp dụng ngay.

Về đăng ký tuyến vận tải: Chính phủ Hoa Kỳ có quy định hãng tàu hoạt động tại cảng biển Hoa Kỳ phải đăng ký tuyến vận tải với cơ quan có thẩm quyền.

Tại Việt Nam, đối với giá cước vận tải và các loại phụ thu: Việt Nam không quy định điều chỉnh giá cước vận tải và phụ thu, giá cước vận tải do thị trường quyết định (tương đương cơ chế của 4 nước).

Về kê khai giá cước và phụ thu, Chính phủ không quy định kê khai giá (Trung Quốc và Mỹ có kê khai).

Về niêm yết giá, hãng tàu phải công khai niêm yết giá trên trang thông tin điện tử và gửi thông báo cho cơ quan nhà nước. Trong trường hợp tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày mới được áp dụng, trường hợp giảm giá được áp dụng ngay (tương đương với cơ chế của Hoa Kỳ nhưng thời gian có hiệu lực thấp hơn).

Việt Nam không quy định quản lý tuyến dịch vụ của hãng tàu, việc mở tuyến, rút tuyến do hãng tàu tự quyết định.

Như vậy, so với 4 nước, Singapore có quy định thông thoáng nhất, gần như Chính phủ không quy định doanh nghiệp phải kê khai, niêm yết giá, giá cước vận tải và giá dịch vụ tại cảng do thị trường quyết định. Đối với các nước còn lại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Việt Nam, các quy định về kê khai, niêm yết gần như tương đồng nhau, tuy nhiên Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ có quy định trong trường hợp tăng giá phải niêm yết trước 15 ngày (đối với Việt Nam) và 30 ngày (đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc) mới được áp dụng, Nhật Bản không quy định về thời gian niêm yết khi tăng giá.

Về đăng ký tuyến vận tải: Trung Quốc và Hoa Kỳ có yêu cầu các hãng tàu nước ngoài vào hoạt động tại cảng biển trong nước phải đăng ký tuyến với cơ quan có thẩm quyền, các nước còn lại không quy định quản lý tuyến.

Chủ hàng bị hãng tàu ép? 

"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại - Kỳ 2: Quy định bất cập khiến chủ hàng Việt bị ép- Ảnh 3.

(Phụ lục phí và phụ phí THC. Nguồn: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam)

Tại cuộc họp mới đây do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng, phụ phí mà các hãng tàu thu của chủ hàng xuất nhập khẩu như THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng biển) thay đổi khá đột ngột, gây ảnh hưởng lớn tới các chủ hàng.

"Chủ hàng có cảm giác bị hãng tàu ép mà không có sự trao đổi, thỏa thuận. Ngay cả việc tìm kiếm thông tin giá cước, phụ phí niêm yết ở đâu, có cập nhật thường xuyên không cũng không dễ dàng gì. Mối quan hệ lẽ ra dựa trên cơ sở thị trường, trao đổi để tìm tiếng nói chung thì lại phải cần tính đến giải pháp hành chính", ông Thông chia sẻ.

Ngoài giá cước, phụ phí, ông Thông cho rằng, các hãng tàu còn có những khoản tăng bất hợp lý. Một số phụ phí thường chỉ thu theo tính đột biến như phí mất cân bằng container, phụ phí khí thải... nhưng hiện nay lại đi theo giá cước. "Tôi cho rằng nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan trong đó có việc đưa phụ phí vào danh mục phải kê khai", ông Thông nêu quan điểm.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam Phạm Quốc Long nêu thực tế, để cạnh tranh, nhiều hãng tàu sẵn sàng đưa giá cước bằng 0 hoặc thậm chí âm và sau đó coi các loại phụ phí như nguồn thu chính, bởi rõ ràng có những hãng tàu tăng phụ phí gấp 3 lần so với giá điều chỉnh bốc xếp, quy định tại Thông tư 39/2023.

Cho rằng chưa có cơ chế minh bạch của việc tăng giá, phí từ các hãng tàu, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN (VIMC) nêu ý kiến, nếu chỉ niêm yết, kê khai giá trước 15 ngày khi điều chỉnh theo quy định hiện hành sẽ khó để có được cơ sở tính toán thực chất. Do đó, cần xem xét hành lang pháp lý để có cơ chế quản lý các mức phụ thu của hãng tàu sao cho phù hợp.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hiện nay các chủ hàng Việt Nam là những chủ hàng nhỏ lẻ, trong khi các hãng tàu đang vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều là các hãng tàu lớn. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng về quy mô và trong lợi thế đàm phán.

"Có trường hợp việc thông báo tăng phụ phí diễn ra khi lô hàng đang trên đường vận chuyển. Đây là điều bất hợp lý và dồn chủ hàng vào thế khó, vì nếu không nộp phí, sẽ không thể lấy được hàng", ông Hải lấy ví dụ và đề nghị cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch cơ chế giá, phí.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, qua kết quả làm việc với hãng tàu, các hãng đều có chính sách giá cước đối với từng đối tượng khách hàng, mức giá cụ thể do đàm phán giữa hai bên. Đối với khách hàng ký hợp đồng dài hạn, giá cước được giữ cố định và không thay đổi trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Đối với khách hàng nhỏ lẻ, không ký kết hợp đồng dài hạn, giá cước biến động theo thị trường.

Đối với khách hàng là đại lý, công ty giao nhận trung gian (forwarder) khi ký kết hợp đồng vận tải với hãng tàu được coi như khách hàng của hãng tàu, các hãng tàu không can thiệp vào mức giá các forwarder chào bán ra cho chủ hàng.


Ý kiến của bạn

Bình luận