Hãng tàu ngoại đua nhau tăng phụ phí: Thanh tra vào cuộc

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Vận tải 13/03/2024 08:42

Việc thanh tra để làm rõ xem, liệu có những hãng tàu coi việc tăng các khoản phụ phí để bù đắp chi phí trung gian hoặc đẩy giá thành vận tải vào phụ phí, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Bất cập trong quản lý giá cước, phụ phí

Hãng tàu ngoại đua nhau tăng phụ phí: Thanh tra vào cuộc- Ảnh 1.

Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa là một trong số nhiều mục tiêu Việt Nam hướng đến (Ảnh minh họa)

Ngày 12/3, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chủ hàng, cảng biển, môi giới hàng hải với các chủ tàu cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chủ đề chính được đề cập là các hình thức phụ phí ngoài giá cước, được dư luận quan tâm thời gian qua và một số hiệp hội, ngành hàng cũng đã có văn bản "kêu" tới tận Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Hàng hải VN, các phụ phí ngoài giá cước vận tải hãng tàu đang thu đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, được áp dụng cho từng đối tượng hàng xuất và hàng nhập. Đối với hàng xuất chủ yếu là phí THC (phụ phí bốc dỡ hàng hóa tại cảng), chứng từ, kẹp chì, khai báo hải quan (đối với hàng đi Mỹ và châu Âu). Đối với hàng nhập khẩu là THC, vệ sinh container, mất cân bằng container, điện giao hàng. Trong đó THC chiếm tỷ trọng lớn nhất, tất cả các hãng tàu đều thu THC.

Ngoài ra, một số ít hãng tàu còn thu thêm một số loại phụ phí như: mất cân bằng container, sửa chữa container, khai báo trọng tải hàng hóa. Đối với một số loại phụ phí không thường xuyên, xuất hiện tại từng thời điểm hoặc theo mùa vụ tùy thuộc vào từng thời điểm và hãng tàu có chính sách áp dụng khác nhau như: phụ thu kẹt cảng, phụ thu xăng dầu, phụ thu mùa cao điểm…

Từ đầu năm 2024, nhiều hãng tàu đã tăng giá phụ thu đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển, nổi bật là phụ thu bốc dỡ hàng hóa tại bến cảng (THC).

Mức tăng phí dịch vụ THC trung bình từ 3 - 22%, trung bình giao động từ 120-155 USD/cont20' và 180-270 USD/cont40'. Mức thu cao nhất là Hãng tàu Pancon: 3,4 triệu đồng/cont20' và 6,57 triệu đồng/cont40', tương ứng 140 USD và 270 USD.

Trong khi đó, giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển do doanh nghiệp cảng thu chỉ bằng 25-55% so với giá THC của hàng tàu thu của khách hàng.

Kể từ ngày 15/2/2024, theo quy định tại Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng điều chỉnh tăng 10% tại khu vực I, III và khu vực cảng nước sâu, mức tăng từ 3,3-5 USD/cont20' và 5-7 USD/cont40'. Tuy nhiên, hãng tàu đã điều chỉnh giá dịch vụ THC hãng tàu tăng từ 3-22%, tương ứng với mức tăng từ 4-26 USD/cont. Mặc dù trước đó, mức giá dịch vụ THC do hãng tàu thu đã cao hơn mức giá dịch vụ bốc dỡ container từ 45 đến 75%, hãng tàu tiếp tục điều chỉnh mức tăng giá, càng tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá THC và giá dịch vụ bốc dỡ tại cảng.

Hãng tàu ngoại đua nhau tăng phụ phí: Thanh tra vào cuộc- Ảnh 2.

Từ ngày 15/2/2024, theo quy định tại Thông tư số 39/2023, khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng điều chỉnh tăng 10% tại khu vực I, III và khu vực cảng nước sâu, mức tăng từ 3,3-5 USD/cont20' và 5-7 USD/cont40'. (Ảnh minh họa)

Cũng theo Cục Hàng hải VN, bất cập ở chỗ, mặc dù Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ quy định về việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển nhưng giá cước niêm yết không phản ánh giá cước thực tế, các hãng tàu có chính sách giá cước khác nhau đối với các đối tượng khách hàng khác nhau. Hãng tàu thường niêm yết giá cước với mức giá rất cao, để bảo đảm đã thực hiện đúng quy định về niêm yết. Mức giá thực tế không được công khai niêm yết và được hãng giải thích là do bí mật kinh doanh.

Ngoài ra, các loại phụ thu được niêm yết chỉ thể hiện mức giá, không ghi chi tiết thời điểm bắt đầu và kết thúc, không nêu rõ lý do thu, không lưu lại thời gian niêm yết và các lần thay đổi niêm yết.

Bên cạnh đó, mức giá các loại phụ thu do hãng tàu tự quyết định và ấn định thu của khách hàng mà không có sự thỏa thuận giữa hai bên. Chủ hàng Việt Nam thường không phải là người đàm phán ký kết hợp đồng vận tải (phần lớn do đối tác nước ngoài), nên các điều khoản hãng tàu đưa ra chủ hàng buộc phải chấp nhận để lấy được hàng. Giá các loại phụ thu của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ thu…

Kiểm soát phụ phí để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa

Hãng tàu ngoại đua nhau tăng phụ phí: Thanh tra vào cuộc- Ảnh 3.

Xếp dỡ container tại Cảng Hải Phòng

Theo ông Phan Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, động thái tăng các loại phụ phí từ các hãng tàu, trong đó nổi lên là phí THC diễn ra sau khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 39/2023. Nhưng trong khi phí xếp dỡ theo quy định mới tăng không nhiều, thậm chí có khu vực không thay đổi thì hầu hết các hãng tàu nước ngoài đều tăng khá cao các loại phụ phí.

"Chủ hàng có cảm giác bị hãng tàu ép mà không có sự trao đổi, thỏa thuận. Ngay cả việc tìm kiếm giá cước, phụ phí niêm yết ở đâu, có cập nhật thường xuyên không cũng không dễ dàng gì. Mối quan hệ lẽ ra dựa trên cơ sở thị trường, trao đổi để tìm tiếng nói chung thì lại phải cần tính đến giải pháp hành chính", ông Thông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN (VIMC) cho rằng, dường như có hiện tượng "giậu đổ bìm leo" bởi chưa có cơ chế minh bạch của việc tăng giá, phí từ các hãng tàu. 

"Hiện nay, 100% hàng hóa đi đường xa dựa hoàn toàn vào khoảng 10 hãng tàu lớn. Những hãng tàu này đồng hành và hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhưng nếu không có cơ chế minh bạch thì việc tăng giá, phí sẽ khiến mục tiêu giảm chi phí logistics của Việt Nam khó thực hiện, đồng thời làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", ông Trung nói và cho rằng, cùng với tập trung phát triển đội tàu của Việt Nam, cần rà soát hệ thống quy định pháp luật (các hãng tàu phải tuân thủ pháp luật nước sở tại) và tăng cường liên kết, ứng dụng công nghệ để giảm các chi phí không cần thiết.

Chia sẻ với những hãng tàu về các biến động trên thế giới thời gian gần đây, đặc biệt là khu vực Biển Đỏ song ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, nếu vì lý do khách quan phải đi đường vòng thì mức tăng giá cước, các loại phụ phí như nào là hợp lý. 

"Có hay không việc các hãng tàu đang tranh thủ biện pháp can thiệp của nhà nước (Thông tư 39/2023) để tăng phí, mà lại tăng cao hơn. Có trường hợp tăng phụ phí khi lô hàng đang trên đường vận chuyển. Có hay không việc hạ giá cước thấp hoặc bằng 0 rồi tăng phụ thu như một cách thức không công bằng với khách hàng và cạnh tranh không lành mạnh với các hãng tàu khác", ông Hải nêu vấn đề và cho rằng, ngoài việc minh bạch thì giữa chủ tàu, chủ hàng, doanh nghiệp cảng… cần xác định rõ quan hệ tương hỗ để cùng phát triển.

Hãng tàu ngoại đua nhau tăng phụ phí: Thanh tra vào cuộc- Ảnh 4.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười phát biểu tại cuộc họp ngày 12/3

Trước những ý kiến trao đổi, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, từ câu chuyện hãng tàu ngoại tăng phụ phí thời gian qua, cũng cần nhìn nhận sự liên kết từ các hiệp hội, ngành hàng còn yếu, chưa ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung có sức nặng.

Nêu ví dụ về việc hãng tàu lớn Maersk Lines không tăng phí THC, trong khi có những hãng tàu dù tuyến vận tải không đi qua Biển Đỏ vẫn tăng phụ phí, ông Mười đặt câu hỏi: phải chăng hãng tàu nhỏ coi việc tăng các khoản phí để bù đắp chi phí trung gian hoặc đẩy giá thành vận tải vào phụ phí, vi phạm Luật Cạnh tranh?

Trên cơ sở đó, Cục trưởng Cục Hàng hải VN yêu cầu các Cảng vụ hàng hải tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định của các hãng tàu, đặc biệt là giá cước và phụ phí. "Thanh tra hàng hải cũng vào cuộc, để xem có phải những chủ tàu thu cước 0 đồng hoặc thu thấp, lại chính là những doanh nghiệp tăng phụ phí cao nhất hay không. Ngoài ra, làm cao điểm thanh tra các đại lý môi giới", ông Mười cho hay.

Ghi nhận và biểu dương một số hãng tàu không tăng phụ phí thời gian qua, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, cơ quan quản lý có nhiều công cụ để quản lý chặt giá, phí hoặc có cơ chế hỗ trợ nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, vấn đề là làm như thế nào để hài hòa lợi ích các bên cũng như không gây thiệt hại cho đất nước. 

"Ngoài việc minh bạch cơ chế cấu thành giá, phí, các hãng tàu cần có giải pháp để giảm đến mức hợp lý các loại phụ phí, hài hòa lợi ích các bên", ông Mười nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận