Mạo danh nhiều trung tâm đăng kiểm để bán bảo hiểm xe ôtô

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 23/11/2022 09:22

Dù có tên gọi "Công ty TNHH Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đại Việt" nhưng đơn vị này không làm công tác kiểm định xe mà giả mạo các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm để gạ bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe ôtô, có dấu hiệu vi phạm luật bảo hiểm, khai thác trái phép dữ liệu đăng kiểm.

Kỳ 1: Bí ẩn nhân viên, đại lý bảo hiểm giả mạo các trung tâm đăng kiểm

Nhiều chủ xe phản ánh bị trung tâm đăng kiểm gọi điện nhắc đến hạn đăng kiểm xe ôtô, kèm theo lời hứa tạo thuận lợi hoặc nếu chủ xe còn lưỡng lự thì bị dọa gây khó khăn khi đăng kiểm. Mục đích là để bán bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ xe cơ giới. Tạp chí GTVT vào cuộc, làm rõ sự thật và gọi tên đại lý bảo hiểm dùng chiêu trò giả mạo để gạ, ép mua bảo hiểm xe ôtô.

Công ty Đại Việt giả mạo nhiều trung tâm đăng kiểm để bán bảo hiểm xe ôtô - Ảnh 1.

Tài khoản mạng xã hội Zalo của một nhân viên bán bảo hiểm gắn kèm logo của Cục Đăng kiểm VN

Giả mạo là người của các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm VN

Anh Nguyễn Anh Thiện (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ xe ôtô 4 chỗ, kể: cách đây không lâu, anh nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Người gọi là nữ giới, giới thiệu tên Ngân, người của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-08D (Hà Nội) và thông báo ôtô của anh sắp hết hạn đăng kiểm, hết hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe ôtô. 

Nữ nhân viên trên nhắc chủ xe đi đăng kiểm và hứa hẹn khi đến đăng kiểm sẽ được tạo thuận lợi, nếu xe có lỗi kỹ thuật sẽ được bỏ qua. Sau đó, nữ nhân viên kia mời mua bảo hiểm xe bằng cách chuyển phát đến tận nơi, với giá chỉ 390.000 đồng, rẻ hơn giá niêm yết 480.000 đồng.

Khi nghe các thông tin chuẩn xác về bản thân và xe, anh Thiện tin rằng nữ nhân viên trên đúng là người của trung tâm đăng kiểm trên, nên mua bảo hiểm. Nhưng sau đó hỏi ra mới biết nhân viên trên không phải là người của Trung tâm đăng kiểm 29-08D, mà chỉ là người của công ty bảo hiểm nào đó.

Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-08D xác nhận, đơn vị không có dịch vụ hoặc liên kết với công ty bảo hiểm nào để bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe ôtô.

"Bản thân một số anh em ở trung tâm cũng nhận được một số cuộc điện thoại của người tự nhận là người của Trung tâm đăng kiểm 29-08D để nhắc thời hạn đăng kiểm xe, thời hạn bảo hiểm để gạ bán bảo hiểm. Khi tra hỏi thì họ lập tức tắt máy. Việc mạo danh này khiến đơn vị rất bức xúc vì gây ảnh hưởng đến uy tín của trung tâm", ông Dương nói.

Nhiều chủ xe ôtô và đơn vị đăng kiểm khác cũng phản ánh về việc nhận được điện thoại của một số phụ nữ, tự giới thiệu là người của một Trung tâm đăng kiểm cụ thể, nhắc chủ xe đi đăng kiểm, gợi ý sẽ được bỏ qua lỗi kỹ thuật của xe để bán bảo hiểm xe ôtô. Trường hợp khách không mua thì những nhân viên kia có lời đe dọa gây khó khăn khi đưa xe đến đăng kiểm.

Thậm chí, các nữ nhân viên trên còn mạo danh là người của Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) hoặc mập mờ là ở "Văn phòng quản lý thông tin đăng kiểm" để lừa dối khách hàng, gạ bán bảo hiểm xe ôtô giá rẻ.

"Mới đây có một phụ nữ gọi điện cho tôi, tự xưng là người của Cục Đăng kiểm VN, hỏi có phải tên là Lê Minh Tùng không, thông báo bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ôtô của tôi sắp hết hạn. Sau đó, yêu cầu tôi cung cấp một số thông tin và mua bảo hiểm xe… Tôi không biết người này lấy thông tin cá nhân, phương tiện của tôi từ đâu, nhưng dù đăng ký xe không phải tên tôi nhưng vẫn biết tất cả thông tin. Khi tôi hỏi ngược lại để xem có đúng là người của Cục Đăng kiểm VN không thì cô ta gắt gỏng, bảo không phải nói chi tiết rồi cúp máy", anh Lê Minh Tùng, chủ một xe ô tô biển số Hà Nội kể.

Một số lãnh đạo, chuyên viên của Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN xác nhận cũng từng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ giới thiệu là người của đơn vị đăng kiểm nào đó để gạ mua bảo hiểm.

Công ty Đại Việt giả mạo nhiều trung tâm đăng kiểm để bán bảo hiểm xe ôtô - Ảnh 2.

Tin nhắn của một chủ xe ôtô cho lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội về việc có người tự xưng là nhân viên của trung tâm đăng kiểm trên để bán bảo hiểm.

Chỉ tiếp thị qua điện thoại, không trực tiếp giao bảo hiểm

Phương thức chung của các nữ nhân viên bán bảo hiểm xe ôtô trên là gọi điện thoại để gạ bán bảo hiểm, khi khách đồng ý mua sẽ chuyển giấy chứng nhận bảo hiểm qua một bên thứ ba và nhận tiền trực tiếp hoặc qua chuyển khoản.

Vì vậy, dù bị giả mạo danh nghĩa nhưng các trung tâm đăng kiểm đều không xác định được công ty hoặc đại lý bảo hiểm nào đã giả mạo là người của đơn vị mình, cũng như không rõ bằng cách nào mà các nữ nhân viên kia biết chính xác thông tin các chủ xe, xe ô tô đã đến đăng kiểm (số điện thoại cá nhân, thời hạn kiểm định, kiểm định tại trung tâm nào…). 

Việc này diễn ra kéo dài khiến nhiều trung tâm đăng kiểm bị cơ quan quản lý, dư luận xã hội hiểu nhầm, gây ảnh không nhỏ đến uy tín của đơn vị đăng kiểm. Thế nhưng, các trung tâm đăng kiểm cũng không biết được các nhân viên bán bảo hiểm kia thực sự là ai, địa chỉ ở đâu và cũng không biết cách nào để ngăn chặn.

Bà Bạch Thảo Nguyên, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 88-01S (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, một số lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc và một số sở, ngành tại Vĩnh Phúc bị các nữ nhân viên bán bảo hiểm xe ôtô gọi điện đến, xưng là người của Trung tâm đăng kiểm 88-01S nhắc về việc xe sắp hết hạn đăng kiểm và dùng nhiều lời lẽ không đúng mực để gạ gẫm bán bảo hiểm, khiến trung tâm bị mang tiếng oan, ảnh hưởng đến uy tín.

"Họ chỉ liên lạc qua điện thoại, không nói văn phòng ở đâu mà chỉ nói là ở trung tâm đăng kiểm nên nhiều người tin là thật. Có khách sau khi chuyển tiền qua tài khoản của người bán bảo hiểm thì nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm do "xe ôm" chuyển đến, thấy không phải bên bán là trung tâm đăng kiểm nên gọi điện lại thì nữ nhân viên kia không nghe, tắt máy", bà Thảo Nguyên kể.

"Cách đây hai tuần, tôi gọi điện theo số điện thoại của nữ nhân viên bán bảo hiểm mà mạo danh là người của Trung tâm đăng kiểm 88-01S để nói chuyện, yêu cầu tuyệt đối không được mạo danh thì người này bảo "em chẳng mạo danh gì cả, chỉ bán bảo hiểm thôi", rồi tắt điện thoại luôn", Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 88-01S kể thêm.

Công ty Đại Việt giả mạo nhiều trung tâm đăng kiểm để bán bảo hiểm xe ôtô - Ảnh 3.

Một Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S phải lên tiếng vì bị người khác giả mạo để bán bảo hiểm

Cũng bị mang tiếng là người của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S (tỉnh Hòa Bình) gọi điện bán bảo hiểm, ông Trịnh Thành Công, Giám đốc trung tâm trên cho biết, "cực chẳng đã" khi mới đây phải làm văn bản báo cáo Sở GTVT tỉnh Hòa Bình về việc có người giả mạo là cán bộ của trung tâm và Cục Đăng kiểm VN để bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho phương tiện và lái xe.

"Trong giai đoạn vừa qua, Trung tâm đăng kiểm 28-01S gặp khó khăn khi có dư luận không tốt và làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Đó là có nhiều chủ phương tiện, lái xe phản ánh có nhân viên của Trung tâm gọi điện để bán hiểm qua hình thức online. Nếu khách hàng không mua, người gọi điện bán bảo hiểm có những lời lẽ đe dọa sẽ gây khó khăn khi đưa phương tiện đến kiểm định tại Trung tâm.

Qua kiểm tra các số điện thoại của chủ phương tiện, lái xe cung cấp, Trung tâm nhận thấy các đối tượng đã giả mạo là cán bộ của Trung tâm và Cục Đăng kiểm VN nhằm bán bảo hiểm. Việc này không chỉ xảy ra riêng với đơn vị mà các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc cũng bị xảy ra tình trạng như vậy", nội dung báo cáo của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S.

Lần theo thông tin có được, PV Tạp chí GTVT nhận thấy chi tiết khá lạ người gọi điện báo bảo hiểm đều là nữ giới và tự xưng tên là Ngân. Sản phẩm báo hiểm chủ yếu là của thương hiệu SHB (Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội), tiếp đến là thương hiệu PVI (Tổng công ty CP bảo hiểm Dầu khí Việt Nam) và Xuân Thành (Tổng công ty CP Bảo hiểm Xuân Thành).

Các cuộc gọi điện cũng chủ yếu xuất phát từ nhân viên của một đại lý bảo hiểm là Công ty TNHH Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đại Việt (quận Thanh Xuân, Hà Nội).