Lốp máy bay thường được thiết kế theo từng cặp, nên vẫn đảm bảo khả năng chịu lực cho máy bay hạ cánh khi bị hỏng 1 lốp - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Liên tục những ngày gần đây, máy bay Vietnam Airlines bị cắt lốp. Báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam, hãng cho biết 115 vụ trong năm 2019 vẫn ít hơn những năm trước.
Gần đây nhất, tối 17-9, máy bay Airbus A321 của hãng này bay từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về Hà Nội. Khi máy bay lăn vào sân đỗ, thợ máy kiểm tra kỹ thuật phát hiện lốp số 1 có vết cắt dài 2cm rộng 0,5cm, sâu 1cm, không xác định được nguyên nhân.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng Cảng vụ Hàng không miền Bắc và các đơn vị liên quan đã kiểm tra lộ trình máy bay hạ cánh từ đường băng tới bến đỗ số 47 nhưng không phát hiện dị vật có khả năng gây hư hỏng lốp máy bay. Sau khi thay lốp, máy bay bay từ Hà Nội đi Hong Kong an toàn vào sáng 18-9.
Tình trạng máy bay Vietnam Airlines bị cắt lốp xảy ra khá nhiều trong thời gian gần đây. Trong tháng 8-2019 xảy ra 20 vụ, có ngày 4 máy bay bị cắt lốp như ngày 2-8, có ngày xảy ra 2 vụ như ngày 14-8.
Điểm khá giống nhau trong các vụ trên là lốp máy bay thường có vết cắt dài từ 2-3cm, rộng khoảng 1cm, sâu 0,5-1cm... Trong 115 vụ tính từ 1-1 đến 10-9-2019, có 6 vụ xảy ra với lốp máy bay Airbus A350, 4 vụ với Boeing 787, còn lại xảy ra ở máy bay Airbus A321.
Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines cho biết từ đầu năm 2019 đến 10-9 đã xảy ra 115 vụ lốp máy bay của hãng này bị cắt lốp do vật thể lạ (FOD), giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 5,73%). Năm 2017 xảy ra 206 vụ lốp máy bay Vietnam Airlines bị cắt, năm 2018 là 122 vụ.
Tính trung bình năm 2019, tỉ lệ lốp máy bay Vietnam Airlines bị cắt là 11,75 vụ/100.000 chuyến bay, vượt dự báo hãng đưa ra là 11,55 vụ/100.000 chuyến bay.
Trong đó có 54 vụ xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, 48 vụ tại Nội Bài, 7 vụ tại Đà Nẵng, 4 vụ tại Cam Ranh, 1 vụ tại Chu Lai, 1 vụ tại sân bay Hong Kong. Số sự cố bị cắt lốp được phát hiện sau chuyến bay quốc tế là 25 vụ, sau chuyến bay trong nước là 90 vụ.
Ngoài ra, tính đến hết 10-9 đã xảy ra 4 vụ máy bay Vietnam Airlines bị hư hại cấu trúc máy bay và động cơ do vật thể lạ (giảm 2 vụ so với năm 2018). Những vụ việc này đều xảy ra với máy bay Airbus A321 làm lá cánh quạt động cơ bị cong, thân máy bay có vết lõm… phải sửa chữa rồi khai thác trở lại.
Theo một chuyên gia hàng không, vật thể lạ (FOD - Foreign Object Debris) trong hàng không được hiểu là một vật bất kỳ, có thể là động vật còn sống hoặc đã chết nằm tại vị trí không phù hợp trong khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) mà có thể gây nguy hại cho nhân viên hàng không hoặc làm hư hỏng máy bay.
Thực tế các vật thể lạ nói trên có khả năng gây vết cắt, rách ở lốp máy bay, móp méo thân máy bay, hỏng lá quạt động cơ máy bay thường là mảnh kim loại, thủy tinh, đinh vít của các phương tiện hoạt động ở khu bay rơi ra hoặc là đá, vữa bêtông ximăng từ đường băng, đường lăn bị hư hỏng.
Với những sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất có tỉ lệ máy bay bị cắt lốp cao thì ngoài tần suất khai thác dày thì bị nhiều, có thể việc hư hỏng đường băng, sân đỗ cũng làm tăng các dị vật gây hại cho máy bay.
Tuy nhiên, theo chuyên gia điều may mắn là trong thiết kế những dòng máy bay kích cỡ như A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp. Và theo thiết kế khi một lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn có khả năng đảm bảo máy bay hạ cánh an toàn. Với động cơ, xác xuất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc cũng ít xảy ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.