Khoan lỗ (drilling) là một kĩ thuật cơ bản trong chế tác các chi tiết cần độ thông thoáng và tản nhiệt tốt, điển hình nhất là hệ thống phanh đĩa và bộ chuông nồi của xe tay ga, không chỉ tăng khả năng tản nhiệt chống cháy bề mặt kim loại mà còn có khả năng tăng độ bám của các chi tiết. Gần đây không chỉ các tay chơi xe phân khối lớn ở nước ngoài mà thậm chí cả các đội đua cũng áp dụng kĩ thuật này vào bộ ly hợp nhằm giảm chi phí thay thế cũng như tăng tuổi thọ cho côn xe.
Bộ ly hợp, còn gọi là bộ côn bao gồm nhiều chi tiết ma sát giúp truyền lực từ động cơ đến hộp số để dẫn động bánh xe, đa phần các dòng xe đều sử dụng bộ li hợp ngâm trong dầu. Có thể nói chi tiết này phải hoạt động với cường độ cao cũng như chịu lực mài mòn lớn, đặc biệt ở dòng xe sử dụng côn tay và xe phân khối lớn. Hiện tượng cháy lá côn thường xuyên xảy ra không chỉ với những người mới chạy còn non kinh nghiệm mà thậm chí cả với người có nhiều kinh nghiệm trong một số tình huống.
Nguyên nhân cháy lá côn thường do lá côn bị xoa gây ma sát với mặt kim loại do không nhả hết côn khi xe đang chạy hoặc tải quá nặng, thường lá côn sẽ bị quá nhiệt dẫn đến chai và mất khả năng ma sát, một số trường hợp thậm chí gãy vỡ lá côn. Đối với dòng xe càng nhiều lá côn thì độ bám càng tốt, đi kèm với đó là nhiệt độ do ma sát sinh ra càng lớn và đòi hỏi yêu cầu bôi trơn ngày càng cao.
Bát côn (bracket) hiện tại của đa phần các dòng xe phân khối lớn đều là loại kín, sử dụng từ 8-10 lá côn tùy loại, do đó khả năng bôi trơn không đều hoặc không đủ dễ xảy ra, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cháy côn hoặc côn mòn không đều, đặc biệt ở điều kiện hoạt động ở tốc độ cao. Đứng trước tình huống đó, một đội đua xe motocross đã nghĩ ra giải pháp khoan lỗ trên bát côn để tăng khả năng tản nhiệt, tăng khả năng bôi trơn cũng như loại bỏ mạt kim loại sinh ra trong quá tình bộ côn hoạt động.
Thử nghiệm tại Việt Nam trên 2 dòng xe KTM Duke và Kawasaki Z1000 cho thấy hiệu quả sử dụng côn tăng lên rõ rệt, bộ côn bền hơn tới 40% so với bát côn chưa khoan lỗ. bên cạnh đó còn tiết kiệm cho chủ nhân một khoản không hề nhỏ chi phí thay mới lá côn, kéo dài hơn tuổi thọ của bộ côn.
Không chỉ được các garage về xe phân khối lớn áp dụng, một số hãng cung cấp côn hàng đầu thế giới như Hinson cũng đã cho ra lò bộ côn với bracket được xuyên lỗ rất đẹp.
Mặc dù chỉ là thao tác đơn giản tuy nhiên khi thực hiện cần chú ý lực kẹp để chống làm hỏng rãnh hay méo bracket, chưa kể đến việc khoan chuẩn lỗ và phải làm mịn, xử lý thật kĩ bề mặt xung quanh, tránh để bụi kim loại hay phần thừa lỗ khoan làm kẹt lá côn. Sau khi khoan xong cần thử bằng dầu động cơ dể đảm bảo lỗ có khả năng lưu thông tốt.
Chú ý khi thực hiện cần tháo lắp bộ ly hợp đúng quy chuẩn của nhà sản xuất đề ra. Bên cạnh việc nâng cấp, người lái cần chạy xe đúng kĩ thuật tránh làm hư hại côn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.