Mở cửa ô tô gây tai nạn nghiêm trọng cũng có thể bị phạt tù

Hỏi đáp 17/09/2018 07:41

Bạn đọc hỏi: Ngồi ô tô do người khác lái, đúng lúc vợ tôi mở cửa bước xuống xe thì hai người đi xe máy lao trúng cánh cửa, ngã ra đường. Không may một chiếc ô tô tải đi tới không phanh kịp, đã cán chết một người và làm một người bị thương nặng. Mới đây, vợ tôi bị Cơ quan công an mời lên làm việc, đồng thời thông báo đã khởi tố vụ án… Xin hỏi luật sư, hành vi trên của vợ tôi phạm phải điều luật nào? Hoàng Công Hùng (Phú Thọ)

 

mo-cua-xe
Một vụ mở cửa xe bất cẩn, gây tai nạn cho người đi xe máy (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời: 

Một trong những quy tắc tham gia giao thông đường bộ là người điều khiển phương tiện (ô tô) khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Đây là quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 18 - Luật Giao thông đường bộ. 

Người nào vi phạm quy định này, nếu không gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016. Cụ thể là xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn…

Trong trường hợp người vi phạm quy tắc nêu trên khiến hậu quả nghiêm trọng xảy ra, chẳng hạn như làm chết người, thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định: “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Đó là các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Đối chiếu với quy định tại Điều 260 - Bộ luật Hình sự thì việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án và sau đó có thể khởi tố bị can đối với vợ của bạn về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là có căn cứ. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, vợ của bạn còn phải có nghĩa vụ bồi thường dân sự cho gia đình người chết và cho người bị thương.

Ý kiến của bạn

Bình luận