Ngày 6/1, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với đại diện các sở, ngành trong tỉnh về dự án đường giao thông trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên (từ trạm kiểm lâm Đà Cộ đến trạm kiểm lâm Đắc Lua, huyện Tân Phú, Đồng Nai).
Du khách tham quan, chụp hình sinh vật tại đường gần trụ sở Vườn Quốc gia Cát Tiên. |
Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, thực hiện dự án đường xuyên rừng Cát Tiên như "chơi dao hai lưỡi". Quản lý tốt, tuyến này sẽ phát huy hiệu quả trong bảo vệ và phát triển rừng, ngược lại, sẽ tạo điều kiện cho những người khai thác rừng trái phép.
Trong khi đó, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên Nguyễn Văn Diện khẳng định, dự án không gây biến động lớn đến hệ sinh thái và không ảnh hưởng đến rừng vì diện tích cây gỗ bị chặt bỏ là 80 m2 với khoảng 2.200 cây (loại có đường kính dưới 30 cm).
Cũng theo ông Diện, dự án đường giao thông xuyên Cát Tiên có chiều 18 km được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi Đồng Nai có văn bản kiến nghị xem xét lại, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Vườn Quốc gia Cát Tiên tạm dừng dự án, cung cấp hồ sơ để tỉnh này nghiên cứu.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ, phát triển rừng và làm những gì tốt nhất cho rừng. Các công trình, dự án có sự tác động đều được tỉnh xem xét, cân nhắc kỹ để bảo vệ tính đa dạng sinh học.
“Cần tiếp tục nghiên cứu tính khả thi của dự án và phải rà soát lại. Nếu tuyến đường mang lại hiệu quả, ít tác động đến rừng ít thì tỉnh đồng ý và ngược lại”, ông Chánh nói.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai yêu cầu lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Tiên tuân thủ các thủ tục pháp lý trong việc xin chủ trương xây dựng công trình trong rừng cấm. Khi vườn hoàn thành các nội dung, Đồng Nai sẽ có ý kiến cuối cùng gửi các Bộ liên quan.
Cuối tháng 10/2015, dự án đường giao thông dài 18 km, rộng 6 m chạy men sông Đồng Nai được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Thời gian thi công dự kiến đến năm 2017, kinh phí trên 63 tỷ đồng. Theo đánh giá tác động môi trường, khi thực hiện dự án sẽ phải phá bỏ 11 ha rừng và đất rừng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.