CEO Facebook Mark Zuckerberg |
Facebook một lần nữa gặp rắc rối lớn sau khi Thời báo New York xuất bản bài báo điều tra hơn 5.000 chữ về cách các lãnh đạo công ty phản ứng trước một loạt bê bối. Nó như đổ thêm dầu vào lửa đối với Facebook vốn đã có một năm 2018 đáng quên: từ can thiệp bầu cử, phát ngôn thù địch đến lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Facebook đang cố tạo dựng lại lòng tin với hơn 2 tỷ người dùng, đồng thời đối mặt với khả năng bị quản lý chặt hơn từ nhà lập pháp.
Vì sao Facebook tiếp tục bị chỉ trích?
Cuộc điều tra của Thời báo New York tập trung vào việc CEO Mark Zuckerberg, 34 tuổi, và COO Sheryl Sandberg, 49 tuổi, xử lý khủng hoảng của công ty như thế nào trong 3 năm qua. Bài báo chỉ trích đội ngũ lãnh đạo, đặt ra câu hỏi về họ và vai trò tại Facebook cũng như tương lai mạng xã hội.
Theo tờ báo, các lãnh đạo đã “bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và sau đó tìm cách che giấu trước công chúng”. Họ cũng “bị phân tâm vì các dự án cá nhân và chuyển các quyết định về chính sách và bảo mật cho cấp dưới”. Facebook cố gắng “chuyển hướng” và “che giấu chân tướng” đối với bê bối quyền riêng tư dữ liệu bị đưa ra ánh sáng hồi tháng 3, trong đó Cambridge Analytica, một hãng tư vấn của Anh, đã khai thác dữ liệu cá nhân của gần 87 triệu người dùng Facebook mà không có sự cho phép của họ.
Bài báo còn nói Facebook biết về hoạt động của Nga trên nền tảng vào mùa xuân năm 2016, hơn một năm trước khi công ty cảnh báo cho công chúng. Bà Sandberg đã xung đột với Giám đốc an ninh Alex Stamos, người đã rời công ty, về cách xử lý vấn đề. Trong khi đó, quan chức Facebook làm mọi cách để bảo vệ hình ảnh của mạng xã hội. Để làm điều này, Thời báo New York viết Facebook sử dụng các biện pháp vận động hành lang “ráo riết” và tận dụng quan hệ với Washington để chuyển hướng sang đối thủ và xoa dịu làn sóng chỉ trích. Có thời điểm, Facebook thuê doanh nghiệp truyền thông có tên Definers Public Affairs để chơi trò “truyền thông bẩn”, hạ thấp uy tín của tỷ phú George Soros bằng cách liên kết ông với các nhà hoạt động chống lại Facebook.
Vì sao mọi người quan tâm đến nhất cử nhất động Facebook?
|
Facebook là mạng xã hội lớn nhất hành tinh với số người dùng khoảng 2,3 tỷ, nhiều hơn bất kỳ dân số nước nào trên trái đất. Kể từ khi thành lập năm 2004, bất kỳ khi nào công ty có thay đổi lớn (chẳng hạn giới thiệu News Feed hay buộc mọi người tải Messenger), họ luôn vấp phải làn sóng phản ứng từ người dùng nhưng không thể thay đổi được gì.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 diễn ra, Facebook không đơn thuần là nơi chia sẻ ảnh hay cập nhật trạng thái nữa. Nga biết rằng đây là công cụ hiệu quả để can thiệp bầu cử bằng cách lan truyền thông tin sai lệch. Từ đó tới nay, những phản hồi chung chung hay hàng loạt bê bối đã khiến hình ảnh Facebook bị hạ thấp và khiến khắp nơi nổi giận.
Bê bối mới nhất của Facebook có gì khác biệt?
Chỉ riêng năm nay, Facebook đã trải qua 4 cơn sóng gió nhưng bê bối lần này chủ yếu liên quan đến giai cấp lãnh đạo và cách phản ứng trước vấn đề.
Đầu năm 2018, bê bối lớn nhất của Facebook là cuộc điều tra vào việc người Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Năm 2017, mạng xã hội tuyên bố tìm ra bằng chứng Nga lợi dụng nền tảng để mua quảng cáo chính trị. Dù vậy, câu hỏi Facebook biết về hành động của Nga từ khi nào và đã hành động đủ nhanh hay chưa vẫn còn bỏ ngỏ. Năm nay, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, Facebook đã gỡ bỏ hơn 100 tài khoản có thể liên hệ với một tổ chức của Nga.
Tháng 3/2018, Facebook đối diện bê bối mới khi Thời báo New York và The Guardian tiết lộ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng bị một hãng cố vấn chính trị có tên Cambridge Analytica thâu tóm. Bê bối làm dấy lên lo ngại về việc Facebook bảo vệ dữ liệu họ thu thập được từ người dùng ra sao. Mọi chuyện còn tệ hơn khi Facebook mất gần 3 năm mới cảnh báo cho họ biết về việc lạm dụng dữ liệu. Làn sóng chỉ trích khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội.
Tiếp đến, mùa hè năm nay, Facebook cùng giới công nghệ chặn Alex Jones khỏi nền tảng vì vi phạm quy định liên quan đến phát ngôn thù địch và nội dung bạo lực. Jones bị công kích vì truyền bá các câu chuyện sai sự thật. Lệnh cấm khiến người dùng nghi ngờ Facebook kiểm duyệt các tiếng nói đối nghịch nhưng công ty bác bỏ điều này.
Facebook tiếp tục bị phản đối vào tháng 9 sau khi tiết lộ lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Hacker khai thác đoạn mã trong tính năng View As để đánh cắp thông tin cá nhân của 29 triệu tài khoản, bao gồm số điện thoại, sinh nhật, quê quán.
Lần này, tranh cãi liên quan đến Definers Public Affairs. Không chỉ nhằm vào tỷ phú người Hungary Soros, công ty này còn tập trung vào các đối thủ công nghệ của Facebook. Một nhân vật nổi tiếng của Silicon Valley công khai chỉ trích Facebook vì bê bối Cambridge Analytica là CEO Apple Tim Cook. Definers có liên hệ với trang tin NTK Network, xuất bản nhiều bài báo phê bình Apple và Google. Theo bài báo khác của Thời báo New York, Definers còn chĩa mũi nhọn vào các thượng nghị sỹ đã đặt câu hỏi cho bà Sandberg trong suốt phiên điều trần quốc hội hồi tháng 9.
Mark Zuckerberg và Facebook trả lời ra sao?
Cả Zuckerberg và Sandberg đều bác bỏ trách nhiệm trong bài báo gây sốc. Họ nói không hề biết việc Facebook thuê Definers hay hoạt động của công ty này. Sau khi bài báo xuất hiện, họ đã chấm dứt hợp đồng với Definers. Facebook còn có kế hoạch điều tra quan hệ với các doanh nghiệp vận động hành lang khác. Trong khi đó, bà Sandberg trả lời CBS rằng Definers đã được thuê bởi "nhóm truyền thông". Bà nói không hề liên quan đến việc dành thời gian che giấu, bẻ hướng hay thuê công ty PR làm những điều đó. Facebook cũng bác bỏ việc biết về hoạt động của Nga từ mùa xuân năm 2016.
Facebook bị ảnh hưởng như thế nào?
Công ty có thể bị quản lý chặt hơn. Nghị sỹ David Cicilline, người được dự đoán sẽ trở thành Chủ tịch tiếp theo của hội đồng chống độc quyền của Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ đặc trách về Tư pháp, cho biết Facebook không đáng tin tưởng để có thể tự quản lý. Ông từng viết rằng luật pháp nên "giải quyết tầm ảnh hưởng tội lỗi của tiền bạc doanh nghiệp trong nền dân chủ".
Trong khi đó, các nghị sỹ Đảng Dân chủ yêu cầu Bộ Tư pháp, cơ quan điều tra bê bối Cambridge Analytica, xem xét liệu Facebook có "trả thù các nhà phê bình hay công chức tìm cách quản lý nền tảng hay che giấu thông tin quan trọng trước công chúng" hay không.
Gần như điều đó không xảy ra. Zuckerberg kiểm soát 60% cổ phiếu biểu quyết của Facebook nên anh không thể bị đuổi khỏi công ty. Trả lời CNN hôm 21/11, Mark khẳng định anh không có kế hoạch từ chức Chủ tịch. Anh cũng nói rằng bà Sandberg sẽ không đi đâu cả. Anh bảo vệ bản thân khi nói: "Khi điều hành công ty có hàng chục ngàn người, sẽ có những người làm những việc mà tôi còn không biết về nó bên trong công ty".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.