Môn Toán dành 7% thời lượng cho thực hành và trải nghiệm

29/12/2018 08:41

Học sinh Tiểu học đếm và đo độ dài các vật xung quanh, lên THCS làm quen kiến thức tài chính như gửi tiền tiết kiệm.

Lophocchuvanan-1545971119-9064-1545971411_720x480
Học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) trong ngày khai giảng năm 2018. Ảnh: Gia Chính

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tối 27/12, giáo dục toán học được thực hiện ở nhiều môn học, hoạt động, như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... Trong đó, Toán là môn cốt lõi, học bắt buộc từ lớp 1 đến 12.

Chương trình môn Toán được thiết kế theo cấu trúc tuyến tính kết hợp với "đồng tâm xoáy ốc" (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: số, đại số và một số yếu tố giải tích; hình học và đo lường; thống kê và xác suất.

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9), môn Toán giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Học sinh lớp 1 học 105 tiết Toán, lớp 2-5 học 175 tiết trong năm học. Với cấp THCS, số tiết Toán ở mỗi lớp là 140.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12), môn Toán giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong thực tiễn, những ngành nghề có liên quan đến toán học để có cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Số tiết Toán bắt buộc trong một năm ở mỗi lớp THPT là 105. Ngoài ra, mỗi lớp có thêm 35 tiết một năm học cho các chuyên đề học tập lựa chọn.

Phân bố mạch nội dung ở các lớp

Nội dung trình bày tường minh, ký hiệu bằng dấu "x".

phan-1
phan-2
phan-3
phan-4

 

Hoạt động thực hành và trải nghiệm

Học sinh Tiểu học dành 5% thời lượng cho hoạt động thực hành và trải nghiệm, tăng lên thành 7% ở cấp THCS và THPT. Như vậy, khoảng 7% tổng thời lượng của toàn bộ chương trình dành cho mạch nội dung này.

Với học sinh lớp 1, ứng dụng toán học vào thực tiễn có thể bắt đầu bằng hoạt động đơn giản như đếm số bàn và số cửa sổ trong lớp, xác định một vật ở trên hoặc dưới mặt bàn, một vật cao hơn hoặc thấp hơn vật khác, đo và ước lượng độ dài một số đồ vật gắn với đơn vị cm, đọc giờ đúng trên đồng hồ, xem lịch...

Ngoài ra, một số trò chơi học Toán ngoài giờ chính khóa góp phần giúp trẻ ôn tập và củng cố kiến thức cơ bản. Trò chơi ở cấp tiểu học có thể liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hoá; lắp ghép, gấp, xếp hình; tung đồng xu, xúc xắc... Nếu có điều kiện, trường có thể tổ chức giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán trong trường và trường bạn.

Lên THCS, trẻ bắt đầu tìm hiểu kiến thức về tài chính như làm quen với việc gửi tiền tiết kiệm và vay vốn ngân hàng; tính lỗ, lãi và dư nợ; thực hành tính lãi suất trong tiền gửi tiết kiệm và vay vốn.

Kiến thức thống kê được vận dụng để đọc hiểu các bảng biểu trong môn Lịch sử và Địa lý lớp 6. Thầy cô có thể yêu cầu học sinh thu thập nhiệt độ của địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ, từ đó đưa ra nhận xét về biến đổi thời tiết trong tuần. Kiến thức đại số được vận dụng để giải thích một số quy tắc trong Hóa học, Sinh học ở lớp 8, ví dụ ứng dụng phương trình bậc nhất trong các bài toán về xác định nồng độ phần trăm.

Trò chơi hoặc hoạt động ngoài giờ chính khóa ở cấp này phức tạp hơn, gồm: gấp giấy tạo dựng hình có trục đối xứng hoặc tâm đối xứng; tìm kiếm hoặc tạo dựng video về ứng dụng của hình chóp, hình đồng dạng phối cảnh trong thế giới tự nhiên; vận dụng khái niệm ba điểm thẳng hàng để trồng cây; đo đạc và tính diện tích bề mặt, tính thể tích đồ vật có liên quan đến các hình đã học.

Lên lớp 10, học sinh có thể tính chiều cao của công trình kiến trúc dạng Parabola (như cầu Nhật Tân, cầu Trường Tiền, cầu Mỹ Thuận...); vẽ, cắt hình có dạng Ellipse. Học sinh lớp 11 có thể vận dụng kiến thức về hàm số lượng giác vào tìm hiểu hệ thống hướng dẫn cất cánh và hạ cánh của máy bay; tìm hiểu hệ thống xác định phần tử bắn của pháo binh, tên lửa. Kiến thức lớp 12 về phương pháp tọa độ trong hình học không gian được vận dụng để tìm hiểu hệ thống GPS, về đồ họa, vẽ kỹ thuật và thiết kế trong công nghệ...

Ở cấp THCS, các em sẽ tìm hiểu kiến thức tài chính nâng cao hơn, gồm sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư, thực hành thiết lập kế hoạch đầu tư cá nhân để đạt được tỷ lệ tăng trưởng như mong đợi, xác định được các phương thức để bảo vệ bản thân khỏi rủi ro.

Ngoài câu lạc bộ Toán học, các cuộc thi, báo tường hoặc nội san về Toán, trường có thể mời chuyên gia về giao lưu với học sinh, giúp các em hiểu vai trò của Toán học trong thực tiễn và trong các ngành nghề.

Chuyên đề học tập

Trong mỗi lớp ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh (đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ) được chọn học một số chuyên đề học tập.

Nội dung chuyên đề lớp 10 là ứng dụng Toán học vào giải quyết vấn đề liên môn và thực tiễn. Ba chuyên đề gồm: Phương pháp quy nạp toán học, Nhị thức Newton; Hệ phương trình bậc nhất ba ẩn; Ba đường conic và ứng dụng.

Nội dung chuyên đề lớp 11 là ứng dụng Toán học vào giải quyết vấn đề thực tiễn, đặc biệt có liên quan đến đồ họa và vẽ kỹ thuật. Ba chuyên đề gồm: Phép biến hình phẳng; Một số yếu tố vẽ kỹ thuật; Làm quen với một số yếu tố của Lý thuyết đồ thị.

Nội dung chuyên đề lớp 12 là ứng dụng Toán học vào giải quyết vấn đề thực tiễn, đặc biệt liên quan đến tài chính. Ba chuyên đề gồm: Biến ngẫu nhiên rời rạc, Các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc; Ứng dụng toán học để giải quyết một số bài toán tối ưu; Ứng dụng toán học trong một số vấn đề liên quan đến tài chính.

Các chuyên đề này cung cấp thêm một số kiến thức và kỹ năng toán học đáp ứng yêu cầu phân hoá sâu, góp phần hình thành cơ sở khoa học cho giáo dục STEM.

Ý kiến của bạn

Bình luận