Mong manh sinh mạng du khách trên các nhà hàng nổi

Tác giả: Vũ thành vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 27/08/2016 04:33

Liệu có yên tâm hay không khi sự an toàn của loại hình này vẫn đang là những dấu chấm hỏi?

CSGT kiểm tra nhà hàng nổi ở Hồ Tây - H
CSGT kiểm tra nhà hàng nổi ở Hồ Tây - Hà Nội

“Choáng váng” với tai nạn

Trong 3 tháng đầu mùa du lịch năm nay đã xảy ra liên tiếp 3 vụ tai nạn liên quan đến loại hình vui chơi giải trí trên các phương tiện nổi, nhà hàng nổi dạng bè. Cả 3 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này không chỉ gây ra nỗi ám ảnh rất lớn đối với những người tận mắt chứng kiến, mà ngay cả dư luận xã hội cũng vô cùng choáng váng. Sự an toàn chưa bao giờ lại trở nên mong manh đến thế.

Gần đây nhất là vụ sập nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận vào ngày 23/7 khiến 2 người tử vong tại chỗ cùng 4 người phải nhập viện. Vụ tai nạn đột ngột xảy ra khiến nhà bè nổi này gãy đôi, hàng trăm du khách đang vui vẻ ăn uống bỗng chốc “chới với” chen nhau trên mặt biển để thoát thân. Khi ấy, những chiếc phao và áo phao mới xuất hiện từ người dân trên bờ và các tàu xung quanh cố gắng ném ra hiện trường để cứu người.

Trước đó không lâu, tối ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 mang số hiệu ĐNa 0016 đã bị chìm trong khi chở 56 người du lịch ngắm cảnh trên sông Hàn, TP. Đà Nẵng. Hãng tàu này đã từng bị lật gần cầu Rồng năm 2014. Cảnh tượng kinh hoàng hơn là vụ cháy tàu du lịch cao cấp QN 6299 ngày 6/5 khi đang cập cảng du lịch quốc tế Tuần Châu (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) sau hành trình nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Rất may là khi bốc cháy, lực lượng chức năng đã hỗ trợ kịp thời, đảm bảo được sự an toàn cho toàn bộ hành khách.

Không may mắn như những vụ tai nạn nêu trên, ngày 20/5/2011, vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký trên sông Sài Gòn tại Bình Dương đã khiến bữa tiệc sinh nhật của một cậu bé 3 tuổi trở thành “bữa tiệc vĩnh biệt” khi cướp đi sinh mạng của 16 người, trong đó có 9 người thân của em. Đây được coi là vụ tai nạn đường thủy kinh hoàng nhất trong lịch sử du lịch sông nước của Việt Nam.

Những điều thương xót nêu trên đều có chung điểm xuất phát về nguyên nhân là thái độ xem nhẹ các quy định pháp luật về điều kiện an toàn cũng như ứng phó với sự cố từ phía chủ kinh doanh. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý cũng cần phải được rà soát lại, bởi đây chính là nguồn gốc dẫn đến sự “thả nổi” của loại hình du lịch giải trí hấp dẫn này. 

Quản lý nhà bè nổi - trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Khoản 7, Điều 3 Luật Giao thông ĐTNĐ: “Phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên ĐTNĐ”. Trên cơ sở đó, các loại nhà hàng nổi được coi là phương tiện thủy nội địa và chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐTNĐ.

Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Văn Thọ khẳng định, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực ĐTNĐ đã thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý vi phạm đối với các nhà hàng nổi là phương tiện thủy nội địa. Những vụ tai nạn đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người lái và chủ phương tiện còn kém. Đặc biệt, một số loại hình nhà hàng nổi hiện nay không thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý lĩnh vực ĐTNĐ.

Thống kê trên cả nước hiện chỉ có 64 nhà hàng nổi được cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, loại hình nhà nổi với kết cấu hình dạng nhà nổi được đặt trên các thanh gỗ, tre liên kết với nhau và đặt trên các vật nâng như thùng, phao nhựa… chỉ là nhà bè và không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm. Cùng với đó, một số lượng không nhỏ nhà hàng nổi hoạt động tại những nơi không có hoạt động giao thông như đầm, hồ hoặc trên sông, biển nhưng không khai thác giao thông.

Vì vậy, công tác quản lý những nhà hàng này nằm chủ yếu trong tay chính quyền địa phương. Tại Khoản 4, Điều 24, Luật Giao thông ĐTNĐ quy định, loại hình nhà bè hoạt động trên ĐTNĐ phải đảm bảo an toàn theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi chủ phương tiện đăng ký hộ khẩu thường trú.

Trên thực tế, một số lượng không nhỏ nhà hàng nổi chỉ thực hiện một phần các quy định của pháp luật như có đăng ký kinh doanh ăn uống nhưng các quy định về đăng ký, đăng kiểm, bảo vệ môi trường, điều kiện an toàn, trang bị áo phao, thiết bị PCCC, thoát hiểm… thì không được thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Có thể nói, nhà hàng nổi dạng bè chính là loại hình kinh doanh đang được người dân ưa thích sử dụng. Tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, người dân có thể dễ dàng tìm thấy và lựa chọn cho mình một nhà hàng nổi dạng bè với phong cảnh hữu tình cùng những món ăn đặc sản hấp dẫn. Tuy nhiên, ít ai có thể nhận thấy rằng, tính an toàn của loại hình này rất thấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao và dường như loại hình kinh doanh này chưa được quản lý một cách chặt chẽ. Qua những vụ tai nạn vừa qua, những bất cập của nhà hàng nổi dạng bè đã trở thành vấn nạn.

Ông Lê Hồng Thắng - Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh cho biết, căn cứ theo các quy định hiện hành thì loại hình nhà bè kinh doanh ăn uống hiện nay không thuộc sự quản lý của các cơ quan quản lý lĩnh vực ĐTNĐ mà thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Những nhà hàng nổi này tồn tại rất nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu an toàn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa thực sự có đủ chế tài để xử lý.

“Để kiểm soát chặt chẽ loại hình bè nổi, rất cần có quy phạm pháp luật liên tịch giữa Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Đây đều là những ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của một nhà hàng nổi”, ông Lê Hồng Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở GTVT Quảng Bình cho biết, hiện tại UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bản tỉnh, trong đó quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.  Qua đó, chính quyền của tỉnh đã cơ bản kiểm soát chặt chẽ các nhà bè nổi. Tuy nhiên, hành lang pháp lý để quản lý nhà hàng nổi dạng bè hiện vẫn cần bổ sung thêm chế tài, đặc biệt là sự thống nhất trong quy định giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ liên quan.

Mặc dù trách nhiệm quản lý nhà hàng nổi dạng bè hiện nay thuộc về chính quyền địa phương, nhưng trên thực tế, cả nước hiện chỉ có một vài địa phương có cơ chế quản lý riêng đối với loại hình này như Quảng Bình, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh… Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, việc sớm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với loại hình có sức hấp dẫn rất lớn này là điều vô cùng cấp thiết. Không thể để tiếp diễn tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay, bởi lẽ các chủ kinh doanh loại hình nhà hàng nổi này vẫn đang đặt lợi ích kinh doanh của mình lên trên hết mà xem nhẹ tính mạng của hành khách.

Ý kiến của bạn

Bình luận