Nhà máy Noor số 1 sẽ đi vào hoạt động tháng tới. |
Theo IB Times, nhà máy Noor được đặt tại Ouarzazate, nơi được mệnh danh là Cánh cửa vào Sa mạc, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền trung Morocco. Nhà máy là một phần trong kế hoạch đưa Morocco trở thành quốc gia sử dụng 1/2 điện từ năng lượng tái tạo sau 5 năm nữa.
Noor (trong tiếng Arab nghĩa là ánh sáng) là tổ hợp 4 nhà máy điện mặt trời công suất lớn, trị giá 9 tỷ USD. Nhà máy số 1 có 500.000 tấm gương thu ánh sáng mặt trời, xếp thành 800 hàng, công suất 160 MW điện một năm, sẽ đi vào hoạt động tháng tới.
Mỗi tấm gương hình parabol cao 12 mét, nối với nhau bằng hệ thống đường ống thép có tác dụng như một "giải pháp truyền nhiệt" (Heat transfer solution -HFT) nóng tới 393 độ C tới một động cơ nhiệt. Ở đó, nó sẽ được trộn với nước để tạo thành hơi nước làm chuyển động các tuốc-bin tạo ra điện.
Nhà máy số 2 và số 3 dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2017, nhà máy số 4 dự kiến năm 2020. Khi đó, tổng diện tích gương mặt trời lắp đặt ở Noor dự tính bằng diện tích thủ đô Rabat (117 km2) của Morocco và là nhà máy điện mặt trời tập trung (CSP) lớn nhất thế giới với công suất 580 MW một năm, đủ để cung cấp cho một triệu hộ gia đình. Nhà máy quang năng lớn nhất hiện nay là Solar Star đặt tại Rosamond, California, Mỹ, với công suất 579 MW một năm.
Bộ trưởng Môi trường Morocco, Hakima el-Haite cho biết, năng lượng mặt trời sẽ có ảnh hưởng tương tự tới khu vực như khai thác và sản xuất dầu mỏ.
"Chúng tôi không phải là nhà sản xuất dầu. 94% điện năng mà Morocco sử dụng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và phải nhập khẩu từ nước ngoài, là gánh nặng lớn cho ngân sách", bà el-Haite nói. Do đó, chính phủ Morocco quyết định đầu tư vào năng lượng mặt trời đầy tiềm năng.
Quang năng sẽ trở thành nguồn cung năng lượng tái tạo thứ ba của Morocco vào năm 2020, cùng với phong năng và thủy điện.
"Chúng tôi rất tự hào về dự án này", bà el-Haite cho biết. "Tôi đánh giá đây là nhà máy năng lượng mặt trời rất quan trọng trên thế giới". Chính quyền Morocco hy vọng, trong tương lai, có thể xuất khẩu quang năng sang các nước trong khu vực và cả châu Âu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.