Một bệnh nhân bị thủng phổi do hút thuốc liên tục

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Xã hội 03/12/2024 20:02

Ngày 2/12, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trong tình trạng khó thở, đau nhói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được, nghi bị thủng phổi.



Một bệnh nhân bị thủng phổi do hút thuốc liên tục - Ảnh 1.

Tình trạng phổi của bệnh nhân và ca phẫu thuật cấp cứu

Theo gia đình kể lại, trước hôm nhập viện, anh T vẫn đi làm công trình như mọi ngày. Chiều tối về nhà anh cảm thấy mệt mỏi hơn do công việc trong ngày hôm đó gắng sức nhiều. Đến nửa đêm, anh T thấy khó thở không ngủ được, đau nhói vùng ngực phải. Khi hít vào càng đau quặn hơn, đau đẩy phần ngực không chịu được. Ngay lập tức anh được người nhà đưa đi cấp cứu.

Nhập viện, anh được các bác sĩ chẩn đoán tràn khí màng phổi và được đặt ống dẫn lưu cấp cứu kịp thời, hỗ trợ thở. Sau cấp cứu, anh T được thăm khám toàn diện và phát hiện phổi có nhiều bóng giãn, phế nang có nhiều bóng khí do phổi bị thủng, tràn khí vào màng phổi khiến phổi bị xẹp, không giãn nở được gây khó thở.

Tiếp đó, anh T được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, được đặt ống dẫn lưu liên tục, đặt máy hỗ trợ thở.

Được biết, anh T là thợ xây dựng, có tiền sử hút thuốc nhiều năm (trung bình 1 bao/ngày). Thời gian gần đây, anh giảm liều lượng hút thuốc bởi do thấy sức khỏe không được như trước.

Bác sỹ chuyên khoa II ngành Ngoại - Lồng ngực, Khoa Ngoại Gan mật và Ung bướu, Khiếu Mạnh Cường, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Phổi của bệnh nhân có nhiều bóng giãn, phế nang có nhiều bóng khí. Trên bề mặt nhu mô phổi có nhiều điểm yếu cần phải tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực nhằm tránh bị tái phát tràn khí màng phổi lại. Bên cạnh đó phổi bệnh nhân tràn máu - tràn khí màng phổi, tràn khí màng phổi có van là tình trạng khá nguy hiểm, nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời thì tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp hoặc mất máu có thể gây sốc trong trường hợp tràn máu, tràn khí, nguy cơ tử vong cao. Trong các cách xử lý tràn khí màng phổi thì phẫu thuật nội soi lồng ngực là cách tốt nhất để giải quyết hiệu quả và dứt điểm tình trạng này.

Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân T đã hồi phục sức khỏe và bắt đầu tiến hành tập phục hồi chức năng hô hấp với các bài tập thở, ho, khạc, thổi bóng nhằm giúp phổi nở tốt, chống xẹp phổi và giúp đẩy dịch tiết ra hết bên ngoài. Với những bệnh nhân khó thở, ngất, người sơ cứu cần xem xét kỹ tình trạng của người bệnh, tránh ép tim cấp cứu khiến không khí càng tràn qua lỗ thủng vào màng phổi gây chèn ép phổi chặt lại khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, bác sĩ Khiếu Mạnh Cường lưu ý.

Ý kiến của bạn

Bình luận