Wong Leng Pheng và Roy Lee là hai trong số các tài xế đầu tiên tham gia GrabResponse |
Cánh tay phải của dịch vụ cứu thương
Bị săm soi bởi những ánh nhìn tò mò từ các đồng nghiệp đã là chuyện quá bình thường đối với Roy Lee - một tài xế Grab sinh sống và làm việc tại Singapore. Khác với các tài xế taxi bình thường, anh phải mặc đồ bảo hộ gồm mặt nạ, kính, áo choàng và găng tay đi làm mỗi ngày. Đối diện với những ánh mắt tò mò từ người khác, Lee chỉ cười và vẫy tay.
Cuối tháng 3 năm ngoái, người đàn ông 39 tuổi này đã tham gia GrabResponse, một dịch vụ chuyên vận chuyển khẩn cấp những ca nghi mắc Covid-19 đến bệnh viện. GrabResponse là sáng kiến của Bộ Y tế Singapore nhằm kêu gọi các tài xế xe tư nhân và taxi đưa những ca nghi mắc có "biểu hiện lâm sàng tốt" đến bệnh viện, từ đó hỗ trợ phần nào cho dịch vụ xe cứu thương hiện có. Bên cạnh Grab còn có tài xế của các hãng gọi xe khác như SMRT hay ComfortDelGro. Những xe đăng ký tham gia dịch vụ này sẽ hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Y tế thông qua Tổng đài cấp cứu 993. Các xe tham gia không được phục vụ cho mục đích nào khác.
Tổng cộng, đã có hơn 500 tài xế taxi và xe tư nhân được đào tạo để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Họ phải hoàn thành một khóa đào tạo kéo dài 4 tiếng về các quy trình y tế và an toàn do Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) tổ chức.
Một ngày của tài xế GrabResponse
Một tài xế như Lee làm việc 6 ngày/tuần, bắt đầu từ 8h sáng mỗi ngày. Tuy nhiên, anh phải dậy sớm hơn vì phải đi từ nhà đến văn phòng công ty để nhận xe. Trước đây, Lee có thể lái xe về nhà nhưng giờ thì không được nữa vì một khi tham gia GrabResponse, tài xế không được phép dùng xe cho mục đích khác ngoài chở các ca nghi mắc Covid-19.
Ca làm việc bắt đầu khi Lee lái xe đến khu vực chờ được phân công và bật ứng dụng để chờ cuộc gọi. Khi có cuộc gọi đến, Lee sẽ cẩn thận mặc đồ bảo hộ: Đầu tiên là khẩu trang, sau đó là áo choàng và cuối cùng là găng tay cùng kính bảo hộ. Sau đó, Lee sẽ liên hệ với khách, xác minh danh tính và yêu cầu họ đeo khẩu trang, nếu không có Lee sẽ cung cấp cho khách. Sau khi thả khách, Lee sẽ lái xe đến khu vực khử trùng tại bệnh viện để vệ sinh xe. Các tài xế phải sử dụng dung dịch khử trùng để vệ sinh ghế ngồi, tay nắm, dây đai và toàn bộ xe trước khi cởi bỏ đồ bảo hộ. Các đồ bảo hộ sau khi cởi bỏ sẽ được gói vào một chiếc túi và bỏ vào thùng rác sinh học. Quá trình đón trả khách trung bình mất khoảng một tiếng. Sau đó, các tài xế lại quay lại khu vực chờ để chờ cuộc gọi tiếp theo.
Các tài xế phải khử trùng xe sau mỗi chuyến đưa đón |
Lee cho biết, ngoài quy trình khắt khe hơn bình thường thì thách thức lớn nhất chính là phải làm việc khi mặc đồ bảo hộ. Không có vấn đề gì trong 15 phút đầu tiên, cho đến khi Lee bắt đầu đổ mồ hôi khiến kính bảo hộ mờ đi gây rất nhiều khó khăn cho việc lái xe.
Ngoài ra, xe taxi phải luôn hạ kính để không khí lưu thông. "Không khí nóng thổi vào biến chiếc xe thành một cái nồi áp suất" - Lee nói. "Điều này khiến tôi rất khâm phục các nhân viên y tế vì họ phải mặc đồ bảo hộ cả ngày. Trong khi tôi chỉ trải qua khoảng 1 tiếng sau đó lại được vào xe ngồi mát mẻ."
Giống như Lee, Wong Leng Pheng cũng là một trong những tài xế đầu tiên tham gia GrabResponse. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường cho thuê xe tư nhân và taxi. Wong tiết lộ, thu nhập hàng tháng của ông đã giảm tới 40%. Tuy nhiên, khi tham gia GrabResponse, ông có thể nhận được lương cố định khoảng 95% thu nhập thông thường. Điều lo lắng lớn nhất của những tài xế như Lee và Wong là nguy cơ phơi nhiễm virus và lây bệnh cho người thân. Vì vậy, họ thường cẩn thận khử trùng xe và bản thân kĩ càng một lần nữa trước khi về nhà.
Chia sẻ về quyết định tham gia GrabResponse, Lee cho biết ngay khi dịch vụ này ra mắt anh đã không ngần ngại mà tham gia ngay. Anh cảm thấy may mắn vì ít ra mình còn có việc làm trong khi rất nhiều người đang thất nghiệp. Đồng thời, việc làm của những tài xế như Lee đã góp phần giảm gánh nặng cho các nhân viên cứu thương để họ có thể tập trung xử lý những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Lee chia sẻ, công việc của anh cũng không quá vất vả nhưng thỉnh thoảng có đôi chút mệt mỏi vì phải chờ đợi. Hầu hết thời gian làm việc Lee đều ở trên xe. Trong lúc chờ khách anh sẽ xem phim, đọc tin tức hoặc sách báo. Anh không rời khỏi taxi ngoại trừ lúc đi vệ sinh, ăn trưa hoặc thỉnh thoảng duỗi chân nhưng vẫn luôn trực cuộc gọi mọi lúc mọi nơi. "Đó là một kiểu mệt mỏi khác khi phải chờ đợi những cuộc gọi không đến". Lee cho biết. "Tuy hơi mệt một chút nhưng số lượng cuộc gọi giảm là một điều đáng mừng. Hi vọng trong thời gian tới, tôi có thể không phải làm tài xế GrabResponse nữa."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.