Là lực lượng chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), những năm qua, các đơn vị quân đội đã đầu tư nhiều phương tiện, trang bị, đẩy mạnh huấn luyện các phương án PCLB-TKCN, xây dựng lực lượng chuyên trách nhằm nâng cao năng lực, sẵn sàng đối phó hiệu quả với các tình huống xảy ra. Hiện nay, về hệ thống tổ chức, Cục cứu hộ – Cứu nạn (CHCN) vừa là cơ quan tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác phòng chống thiên tai, CHCN, vừa là cơ quan thường trực tham mưu cho Uỷ ban Quốc gia TKCN và Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý ứng phó thiên tai, sự cố và thảm hoạ. Các quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Binh chủng Công binh có phòng CHCN. Cục Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tổng cục Kỹ thuật có ban CHCN. Ngoài ra, còn có một số đơn vị chuyên trách về PCLB-TKCN như Trung tâm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải, Trung tâm quốc gia huấn luyện TKCN đường không, đường biển, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu, Trung tâm Cấp cứu mỏ; Trung tâm khẩn nguy sân bay hàng không…
Cùng với việc kiện toàn tổ chức, biên chế, Cục CHCN đã chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác PCLB, sự cố và TKCN đối với toàn quân. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chương trình, nội dung huấn luyện về CHCN…Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch PCLB, cháy nổ, cháy rừng và TKCN sát thực tế. Đồng thời, thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập và làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai, tai nạn, sự cố xảy ra.
Cùng với nguồn ngân sách trên cấp, các đơn vị đã huy động công sức, kinh phí để nâng cấp, xây mới nhiều trạm TKCN theo hướng cơ bản, bền vững, hiện đại, nhất là các đơn vị đứng chân trên các vùng, miền hướng biển và các địa bàn trọng điểm về thiên tai…Nhờ đó, năng lực thực hiện, hiệu quả công tác PCLB, sự cố và TKCN đã được nâng cao, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống bộ đội và nhân dân. Năm 2012, mặc dù số vụ thiên tai, tai nạn, sự cố tăng 24% (so với năm 2011), nhưng được sự chỉ đạo chặt chẽ, chỉ huy kịp thời, sự chủ động của các đơn vị nên mức độ ảnh hưởng, thiệt hại về người đã giảm 17%; trong đó, số người được cứu vớt trên sông, biển tăng 97%. 6 tháng đầu năm 2013, các đơn vị đã huy động hơn 44.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia khắc phục hoả hoạn, cháy nổ, cháy rừng và khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy số vụ thiên tai, tai nạn, sự cố tăng 46% (so với cùng kỳ năm 2012) nhưng thiệt hại về người đã giảm 14,3%.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác PCLB-TKCN trong quân đội vẫn còn một số hạn chế, đó là: Nhận thức và trách nhiệm của một số cấp uỷ, chỉ huy đơn vị về công tác này chưa cao. Một số đơn vị, nhất là đơn vị nằm trên địa bàn ít thiên tai còn chủ quan, nên khi sự cố xảy ra còn bị động, lúng túng. Công tác huấn luyện, diễn tập ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế; việc thực hiện quy chế phối hợp TKCN trên biển và các khu vực trọng điểm còn nhiều bất cập. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chiến lược trong việc đề xuất xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện chậm được đổi mới, có nội dung huấn luyện thực hành chưa sát với thực tế; việc tổ chức quản lý, điều hành huấn luyện giữa các bộ, ngành, địa phương hàng năm chưa thống nhất, còn chồng chéo. Công tác phối hợp, kiểm tra, báo cáo về huấn luyện CHCN đối với các bộ, ngành, địa phương, hiệu quả chưa cao…
Để nâng cao hiệu quả công tác PCLB-TKCN trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò trách nhiệm của quân đội trong phòng, chống thiên tai và TKCN.
Đây là nội dung xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trong tình hình hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về hậu quả nặng nề do thiên tai và các tai nạn gây ra; thấy rõ hơn vai trò nòng cốt, trách nhiệm to lớn, vinh quang của quân đội; coi đây là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của quân đội ta. Trong giáo dục, tuyên truyền, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó thiên tai, sự cố và tham gia TKCN.
Hai là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho bộ đội trong phòng chống thiên tai, TKCN.
Thực tế những năm qua cho thấy, bão, lũ ngày càng nhiều, xảy ra với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng nên việc cơ động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó gặp nhiều khó khăn, dẫn tới hiệu quả xử trí các tình huống còn hạn chế, nhất là ở địa bàn phức tạp. Vì vậy, trong công tác huấn luyện tập trung xác định chương trình, nội dung, thời gian, hình thức và phương pháp cho từng đối tượng, nhằm phát huy cao nhất thế mạnh của từng đối tượng, lực lượng, trong đó, chú trọng kỹ năng thực hành. Cần tổ chức huấn luyện kỹ từ kiến thức phổ thông, cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trong bão, lụt, thảm hoạ đến huấn luyện công tác bảo hộ, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ…Đối với các lực lượng chuyên trách cần nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng thành thạo, hiệu quả các phương tiện TKCN hiện đại, nhất là khi xảy ra tình huống trên biển, khắc phục sự cố tràn dầu, cứu sập đổ công trình, chống cháy nổ, cháy rừng tại các địa hình phức tạp…Quá trình huấn luyện, cần vận dụng thành thục phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần). Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo trình, tài liệu huấn luyện về tìm kiếm CHCN bảo đảm tính chuyên sâu phù hợp và đưa vào giảng dạy tại các nhà trường quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, chuẩn bị lực lượng, trang bị, phương tiện hiện đại để chủ động đối phó có hiệu quả các tình huống.
Hiện nay, lực lượng chuyên trách về PCLB, TKCN còn ít, phương tiện, trang bị lạc hậu, chậm được bổ sung, nhất là các trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại; trong khi, cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung xây dựng lực lượng CHCN theo hướng thống nhất, đồng bộ, kiêm nhiệm và mang tính chuyên nghiệp, ưu tiên lựa chọn về con người, thiết bị hiện đại theo hướng chuyên sâu, nhằm nâng cao khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Tập trung xây dựng một số đơn vị chuyên trách, đồng thời tiếp tục bổ sung, kiện toàn các ban chỉ đạo, ban chỉ huy từ Bộ xuống tới các đơn vị. Tăng cường đầu tư ngân sách, mua sắm trang thiết bị TKCN chuyên dụng; xây dựng thao trường, bãi tập. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của công tác PCLB-TKCN. Các phương tiện, trang bị hiện có cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng, bảo quản đúng quy định, vì đây là phương tiện “chiến đấu” khi thiên tai, thảm hoạ xảy ra.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy phù hợp để chỉ đạo, điều hành công tác PCLB-TKCN đạt hiệu quả. Chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Chính phủ xây dựng hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân, các bộ, ngành, địa phương, thực hiện tốt các quy định, quy chế trên lĩnh vực TKCN. Tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác huấn luyện, diễn tập về CHCN theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát thực tế yêu cầu, nhiệm vụ, phù hợp với trang bị hiện có. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”. Các cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện TKCN, bảo đảm tính chuyên sâu, phù hợp với từng đối tượng. Chỉ huy các cấp, đơn vị cần xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập theo chương trình hàng năm, đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan, tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án đã được phê chuẩn, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, bão, lũ, TKCN trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực CHCN, TKCN nhằm tranh thủ sự giúp đỡ cả về vật chất, trang bị cũng như kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các nước. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác về dự báo, cảnh báo, sử dụng trang thiết bị TKCN, cơ chế phối hợp hành động. Theo thoả thuận đã đạt được giữa các nước ASEAN và sự chỉ đạo của Chính phủ, BQP đang tích cực hoàn thiện cơ chế hợp tác với quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và TKCN, đồng thời triển khai các chương trình hợp tác ứng phó thiên tai, sự cố trên biển với các nước có biển liền kề. Tích cực tham gia các đợt diễn tập, tập huấn về TKCN trong khu vực để tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy và ứng phó với các tình huống.
Tin rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ủy ban Quốc gia TKCN, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các lực lượng trong và ngoài quân đội, công tác PCLB-TKCN trong quân đội và của cả nước sẽ từng bước đối phó hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, góp phần giảm thiểu các thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của đất nước, bộ đội và nhân dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.