TS. HOÀNG THỊ HÀ Trường Đại học Giao thông vận tải |
TÓM TẮT: Bài báo tiến hành nghiên cứu, phân tích và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong công tác vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong công tác vận chuyển hành khách tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
TỪ KHÓA: Nâng cao, năng lực, cạnh tranh, vận chuyển, đường sắt.
Abstract: The paper researched, analyzed and assessed factors influencing to competitiveness in passenger transport on Ha Noi-Sai Gon route. As a result, several solutions to improve the passenger transport capacity on Ha Noi-Sai Gon route of Vietnam Railway Company were suggested.
KEYWORDS: Enhance, capacity, competition, transport, railways.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, môi trường kinh doanh lại luôn có sự biến động và phức tạp. Các doanh nghiệp phải chịu sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt từ phía các doanh nghiệp khác. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ thị trường. Từ đó, một vấn đề được đặt ra cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hành khách đặc biệt là trên tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn trong bối cảnh hiện nay. Đây là một trong những vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, có ý nghĩa sống còn mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần phải quan tâm và tìm ra hướng đi đúng cho sự phát triển của mình bởi tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn là tuyến lớn, mang tính đại diện cho toàn ngành Đường sắt.
Do vậy, để giải quyết một cách thấu đáo vấn đề trên thì một trong những công việc trước mắt mà chúng ta cần phải làm đó là nghiên cứu, phân tích và đánh giá để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn, sau đó tiến hành tìm ra những nguyên làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn. Trên cơ sở đó, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn.
2. NỘI DUNG
2.1. Phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn
2.1.1. Các yếu tố của môi trường vĩ mô
- Yếu tố về tình hình chính trị thế giới: Liên minh giữa các nước châu Á trong vận tải đường sắt: Đường sắt xuyên Á sẽ nối liền từ Singapore - Côn Minh qua Việt Nam; đường sắt Việt Nam trong hiệp hội OSZD và đường sắt liên vận quốc tế (LVQT) của Việt Nam thực hiện giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác.
- Yếu tố về kinh tế quốc tế: Nguồn vốn đầu tư xã hội cho đầu tư phát triển đều giảm, đầu tư cho đường sắt càng bị hạn chế; phân bổ vốn đầu tư thiếu cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực trong toàn bộ mạng lưới. Vốn đầu tư dành cho đường sắt chỉ chiếm 5% tổng số, trong khi đó đầu tư cho đường bộ chiếm hơn 70%. Trên thực tế hiện nay có rất ít các dự án đầu tư về đường sắt mà chủ yếu là đường sắt đô thị (ĐSĐT). Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn ODA của Trung Quốc; tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng vốn vay ADB.
- Yếu tố các quy định pháp luật của các quốc gia và các thông lệ quốc tế: Luật Đường sắt năm 2005; các quy định của các nước trong Hiệp hội Đường sắt OSZD; Thông tư liên bộ số 10-TT-LB ngày 9/4/1963; Thông tư liên tịch số 02/1999/TTLT-BGTVT-TCHQ ngày 8/6/1999; Quyết định số 149/QĐ-TCHQ ban hành ngày 28/01/2011; các nghị định thư…
- Các yếu tố về khoa học - công nghệ và về văn hóa - xã hội: Các yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu vận chuyển hành khách.
2.1.2. Các yếu tố của môi trường vi mô
- Yếu tố kinh tế quốc dân: Nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây tiếp tục có những chuyển biến tích cực và phục hồi rõ nét ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
- Yếu tố luật pháp và quản lý nhà nước về kinh tế: Thể chế chính sách chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; chủ trương đầu tư thay đổi nhiều trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác quản lý, điều tiết nhu cầu vận tải chủ yếu thực hiện riêng trong từng ngành vận tải còn liên ngành thì rất hạn chế.
- Ảnh hưởng của yếu tố khoa học - kỹ thuật - công nghệ: Ngành Đường sắt đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh gồm: Đưa tàu 5 sao vào vận chuyển hành khách trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn; áp dụng hệ thống bán vé điện tử; lắp đặt hệ thống wifi trên các đoàn tàu khách; thử nghiệm thành công chất khử mùi làm sạch không khí trên tàu; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thử nghiệm nhiên liệu bio-diesel trên đầu máy; ứng dụng GPS trong ngành Đường sắt để giám sát vận tốc, đảm bảo an toàn; lắp đặt thiết bị xử lý chất thải trên tàu.
Ngoài ra còn có ảnh hưởng của yếu tố văn hóa - xã hội và tự nhiên - môi trường.
2.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng trong môi trường nội bộ ngành Đường sắt trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn
- Yếu tố khách hàng: Hành khách đi trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn thường có khối lượng lớn và ổn định hơn, phần lớn là những người dân lao động ở các tỉnh phía Bắc vào Nam làm việc, học sinh, sinh viên, khách du lịch. Ngoài ra, còn có khách hàng là các doanh nghiệp thuê nguyên toa để tổ chức cho CB, CNV của họ đi du lịch.
- Yếu tố cạnh tranh trong vận chuyển hành khách: Trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn, ngành Đường sắt chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, chủ yếu là các công ty vận tải đường bộ và các hãng hàng không giá rẻ, cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ, cụ thể:
+ Đối thủ cạnh tranh lĩnh vực vận tải đường sắt: Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn.
+ Đối thủ cạnh tranh lĩnh vực vận tải đường bộ: Các hãng xe Hoàng Long, Tân Đạt, Mai Linh, Việt Hưng, Phượng Hoàng…
+ Đối thủ cạnh tranh lĩnh vực vận tải hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airline, Vietjet Air.
- Đối thủ cạnh tranh tiềm năng: Các sản phẩm thay thế có thể kể đến như: Đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi, đường bộ cao tốc… trong tương lai sẽ được Nhà nước chú trọng đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác; các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines… ngày càng phát triển và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khách hàng.
- Ảnh hưởng của hoạt động Marketing: Ngành Đường sắt đã ứng dụng công nghệ thông tin thành lập các website; toàn ngành Đướng sắt đang thực hiện theo tiêu chí “4 xin - 4 luôn” nhằm mục đích hướng tới cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất tới khách hàng. Bên cạnh đó, công tác marketing của Ngành vẫn chưa được chú trọng, các vấn đề mới chỉ nghiên cứu một cách tản mạn.
- Ảnh hưởng của nguồn nhân lực: Lượng lao động phục vụ trên tuyến rất đông nhưng phần lớn chưa đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của công việc.
- Ảnh hưởng của cơ cấu tổ chức: Ngành Đường sắt đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nhằm đưa Đường sắt Việt Nam phát triển cho tương xứng với vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân.
- Kết quả thực hiện công tác vận chuyển hành khách trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn qua một số năm
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
1 |
HK |
HK |
7.195.583 |
7.537.441 |
8.054.496 |
5.075.418 |
8.459.030 |
2 |
Tấn H.lý |
Tấn |
59.368 |
58.175 |
56.337 |
38.119 |
54.455 |
(Nguồn: Ban Kế hoạch - Thống kê, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam)
Nhìn chung, khối lượng vận chuyển hành khách trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn trong những năm qua là ổn định, tỷ lệ tăng trưởng thấp (ngoại trừ năm 2016 rất ít là do sự cố sập cầu Ghềnh vào tháng 3/2016, đến tháng 7/2016 mới sửa chữa xong và đưa các đoàn tàu trên tuyến vào khai thác bình thường). Do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ngành Đường sắt.
2.2. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn
- Giải pháp về mặt cơ cấu tổ chức: Tổ chức bộ máy tinh gọn, gọn nhẹ và phù hợp với mô hình sản xuất hiện tại, sau đó tiếp tục rà soát, nghiên cứu cơ chế hoạt động để hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp với xu thế phát triển lâu dài, bền vững của toàn ngành Đường sắt trong tương lai.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ trong vận chuyển hành khách: Tập trung tổ chức khai thác để tăng thị phần vận tải, tăng sản lượng, doanh thu; sử dụng tốt số toa xe khách hiện có, đầu tư nâng cấp và cải tạo toa xe; tăng cường tổ chức chạy tàu khách hợp lý trên tuyến; nâng cao và tổ chức quay nhanh các đôi tàu khách trên tuyến Thống Nhất; tổ chức chạy ổn định các tàu địa phương; tổ chức khai thác tốt các tàu khách khu đoạn; tập trung nghiên cứu để tăng hệ số sử dụng chỗ trên toa xe; xây dựng giá cước linh hoạt; tổ chức kết nối tour du lịch bằng tàu hỏa, liên kết với nhiều phương thức vận tải khác, đặc biệt với vận tải ô tô; triển khai mở rộng các tiện ích của hệ thống bán vé điện tử; chấm dứt hiện tượng bao khách, bao hàng trên các đoàn tàu khách; thực hiện việc kiểm soát vé tự động tại các ga hành khách lớn; tổ chức tốt công tác chăm sóc khách hàng; tổ chức tốt công tác truyền thông, quảng cáo.
- Giải pháp về giữ vững an toàn trong khai thác kinh doanh: Không cắt xén, chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm; không đưa những đối tượng không nắm vững về quy trình, quy phạm tham gia vào công tác kinh doanh phục vụ vận chuyển hành khách; phối hợp khẩn trương với các bộ phân liên quan để giải quyết nhanh chóng hậu quả TNGT.
- Giải pháp về đầu tư phương tiện vận tải và hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ công tác vận chuyển
+ Giải pháp về đầu tư phương tiện vận tải: Thực hiện xã hội hóa trong đầu tư toa xe; đưa lên sàn giao dịch chứng khoán để thu hút vốn đầu tư; cải tạo và nâng cấp các toa xe để chạy tàu Thống Nhất; tổ chức tốt các đoàn tàu khách 5 sao chạy trên tuyến...
+ Giải pháp về đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ cho công tác vận chuyển hành khách: Cải tạo một bước chất lượng cầu đường trên các tuyến để nâng cao tốc độ chạy tàu; cần đầu tư thiết bị đóng đường bán tự động thay cho hệ thống đóng đường bằng máy thẻ đường; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt…
- Giải pháp về xây dựng chính sách sản phẩm: Kiến nghị với Nhà nước bù lỗ cho các đoàn tàu công ích thu không đủ chi; nâng cao hiệu suất sử dụng toa xe, cắt dỡ bớt toa xe lúc vắng khách; giảm giá vé vào các ngày thấp điểm, vắng khách; nâng cao chất lượng phục vụ hành khách ở mọi khâu; đóng mới nhiều đoàn xe chất lượng cao; nâng cao khả năng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về ngành Đường sắt.
- Giải pháp về phát triển sản phẩm, dịch vụ mới: Đối với công tác vận chuyển hành khách cần tối đa tiện ích của tổ chức bán vé điện tử; nhập các đoàn tàu chất lượng phục vụ du lịch; nâng cấp, cải tạo toa xe phục vụ hành khách thu nhập cao; tăng cường số đoàn tàu khách trên các tuyến; liên kết, kết nối với phương tiện khác, doanh nghiệp khác trong công tác bán vé, vận chuyển liên tuyến giữa đường sắt với đường sắt và đường sắt với các phương tiện khác; tập trung chú trọng công tác chăm sóc khách hàng.
- Giải pháp về khoa học công nghệ:
Đưa công nghệ thích hợp vào sử dụng; xây dựng hệ thống thông tin hiện đại.
- Các giải pháp khác: Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về hợp tác và phát triển thị trường.
3. KẾT LUẬN
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn có ý nghĩa lớn đối với hoạt động sản xuất của toàn ngành Đường sắt nói chung và hoạt động sản xuất trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn nói riêng. Một mặt, nó góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, mặt khác góp phần phục vụ cho sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, của Ngành. Giải quyết được vấn đề này đòi hỏi phải phân tích, đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn, phân tích rõ được các nguyên nhân gây ra làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, từ đó để có những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế và khắc phục những nguyên nhân đó. Để mang lại hiệu quả, bài báo đã đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hoàng Thị Hà (2016), Xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh trong ngành vận tải đường sắt, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học GTVT.
[2]. Niên giám thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017.
[3]. Tổng cục Thống kê, Báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.