Một số mô hình ITS và bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm phát triển 26/04/2024 08:08

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một hệ thống hiện đại, sử dụng các công nghệ tiên tiến như thông tin, truyền thông, máy tính, điều khiển…

Hệ thống ITS TP. Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) giúp giao thông ở đây trở nên xanh và an toàn

Hệ thống ITS TP. Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) giúp giao thông ở đây trở nên xanh và an toàn

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một hệ thống hiện đại, sử dụng các công nghệ tiên tiến như thông tin, truyền thông, máy tính, điều khiển… trong quản lý, giám sát, điều hành, điều khiển phương tiện trên cơ sở tăng cường khả năng liên kết giữa 3 yếu tố: Con người, phương tiện và cơ sở hạ tầng giao thông nhằm khai thác tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, chính xác, kịp thời và tiện lợi. Bài viết đề cập đến một số mô hình phát triển ITS ở các đô thị lớn trên thế giới và là những kinh nghiệm phát triển ITS để Việt Nam học hỏi.

TP. Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc): Giao thông chia sẻ là trọng tâm - điều hành thông minh là nền tảng

TP. Đài Bắc có diện tích 3.000 km2, dân số 7 triệu người. Theo thống kê năm 2019, thành phố có 2,5 triệu xe ô tô, 3,2 triệu xe máy, 136 km metro, 60 km đường cho BRT, 6.200 xe buýt với trên 136 tuyến, 54.000 taxi, 28.000 xe đạp cho thuê/820 bến. Do đó, thành phố đối mặt với nhiều thách thức như số lượng xe cao, dòng giao thông đa phương tiện, mật độ dân số cao, thiệt hại do TNGT nhiều…

Đứng trước những thách thức đó, thành phố đưa ra chính sách giao thông giai đoạn 2017 - 2025 với khẩu hiệu "Người dân không cần mua xe để đi lại" với tầm nhìn giao thông chia sẻ là trọng tâm và điều hành thông minh là nền tảng cho cuộc sống an toàn, xanh. Mục tiêu của chính sách là đưa di chuyển xanh từ 50% lên 70% vào năm 2025.

Đi lại chia sẻ ở Đài Bắc gồm các phương tiện xe đạp, xe máy cho thuê, ô tô đi chung, xe buýt, xe taxi. Thẻ vé điện tử sử dụng chung cho tất cả các hình thức đi lại này.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, chiến lược phát triển giao thông thông minh quốc gia của Đài Loan ban đầu có 5 mục tiêu: An toàn (Safe), thông suốt (Smooth), liền mạch (Seamless), chia sẻ (Sharing) và bền vững (Sustainable), sau đó bổ sung thêm 1 mục tiêu nữa là hệ thống giao thông tích hợp. Ngân sách đầu tư cho kế hoạch này là 100 triệu USD, bao gồm các hạng mục: Chương trình ATGT thông minh, chương trình quản lý hành lang tích hợp thông minh, ứng dụng ITS ở vùng nông thôn, di chuyển là dịch vụ (Maas), xe kết nối và xe tự động, nghiên cứu và phát triển ITS.

Một nét độc đáo của Đài Loan là để nâng cao an toàn cho xe máy, trên các xe được lắp đặt các cảm biến và RFID hỗ trợ lái xe an toàn.

Bangkok (Thái Lan): Phát triển ITS để quản lý nhu cầu đi lại trở nên cân bằng

Thái Lan đưa ra Chiến lược phát triển giao thông 2017 - 2036 (20 năm) từ thực trạng tình hình hệ thống giao thông có những bất cập sau: Ùn tắc giao thông, tại nạn, ô nhiễm, chi phí logistics; phát triển ITS đơn độc; dữ liệu ITS không tích hợp; thiếu tiêu chuẩn ITS, từ đó lựa chọn tập trung phát triển các hệ thống: (1) Hệ thống điều khiển giao thông khu vực; (2) Điều hành xe thương mại; (3) Hệ thống thông tin giao thông; (4) Hệ thống giao thông công cộng tiên tiến; (5) Tự động hóa xử phạt giao thông; (6) Thu phí điện tử.

Đề án phát triển hệ thống giao thông thông minh của Thủ đô Bangkok có tầm nhìn: Giao thông thông minh đưa đô thị thành đô thị thông minh, với sứ mệnh: Phát triển ITS để quản lý nhu cầu đi lại trở nên cân bằng. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra 5 chiến lược: (1) Giao thông công cộng hỗ trợ: Giao thông công cộng giàu thông tin, dịch vụ giao thông công cộng thông minh; (2) Quản lý nhu cầu tương tác: Giảm nhu cầu thông minh, di chuyển như dịch vụ tăng cường; (3) Điều hành giao thông ô tô: Điều khiển giao thông tự động và tích hợp, lập kế hoạch chuyến đi giàu thông tin; (4) ATGT tăng cường: Thực thi luật thông minh, xe thông minh; (5) Trung tâm di chuyển tích hợp: Trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm điều hành tích hợp.

Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh Bangkok chia làm 3 giai đoạn.

* Giai đoạn 1 (3 năm): Đô thị giàu thông tin:

- Hệ thống cung cấp thông tin phủ khắp tất cả các khu vực và quảng bá thông tin phục vụ lập kế hoạch chuyến đi;

- Cập nhật luật và quy định cho xe tự trị.

* Giai đoạn 2 (5 năm): Đô thị tích hợp:

- Khởi động di chuyển như là dịch vụ từ lĩnh vực công cộng;

- Dự án thử nghiệm xe tự trị trong khu vực trung tâm.

* Giai đoạn 3 (10 năm): Đô thị thông minh:

- Khởi động hệ thống quản lý nhu cầu TDM: Phí đường, phí đỗ xe;

- Lắp đặt dịch vụ xe buýt hoàn toàn tự động;

- Sẵn sàng khai thác xe tự trị trong toàn bộ thành phố.

Seoul (Hàn Quốc): Thực hiện di chuyển thông minh

Seoul có diện tích chỉ 605 km2, dân số 12 triệu người. Khi nền kinh tế phát triển cũng là lúc giao thông của Seoul bùng nổ, với hơn 3 triệu phương tiện giao thông nên thường xuyên bị tắc nghẽn. Bởi vậy, Seoul đã xây dựng hệ thống đường ngầm thông minh để giải quyết hiện tượng này. Riêng hệ thống tàu điện ngầm có 16 tuyến với 350 nhà ga phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, Tây Gangwon và Bắc Chungnam, đáp ứng được hơn 8 triệu lượt người đi lại mỗi ngày. Seoul thực hiện di chuyển thông minh từ năm 2003, tăng lượng người sử dụng giao thông công cộng từ 30% lên 70% bằng cách sử dụng hệ thống giao thông thông minh tiên tiến, hệ thống quản lý xe buýt và GPS.

Chính quyền Seoul cũng cung cấp nhiều dịch vụ cho người dùng phương tiện giao thông công cộng, cho phép người dùng ước tính thời gian tàu, xe đến, thời gian di chuyển dự kiến, vị trí các ga tàu điện hoặc trạm xe buýt gần nhất. Các ga tàu điện ngầm và trạm xe buýt chính ở Seoul đều được trang bị màn hình LED hiển thị thời gian đến dự kiến của tàu điện ngầm và xe buýt. Hệ thống giao thông thông minh được ứng dụng trong mọi loại hình giao thông.

Bên cạnh đó, hệ thống vận hành và thông tin giao thông Seoul TOPIS cung cấp đầy đủ dữ liệu từ các nguồn khác nhau: Dịch vụ quản lý xe buýt, hệ thống thẻ giao thông công cộng, hệ thống thu vé tự động, hệ thống phát thanh và truyền hình giao thông…

Hiện nay, có tới 17 triệu phương tiện giao thông tại Seoul đăng ký vào hệ thống định vị vệ tinh GPS nên những người vận hành luôn nhận được thông tin về lưu lượng giao thông theo từng giờ trên các tuyến đường. Dựa vào các thông tin này, hệ thống đèn tín hiệu cũng có thể tự thay đổi theo mật độ của các phương tiện giao thông. Hệ thống camera được bố trí dày đặc có thể giám sát mọi tình huống giao thông. Các camera hoạt động với Internet tốc độ cao, sẵn sàng ghi lại mọi tình huống vi phạm giao thông để xử lý "phạt nguội".


Ý kiến của bạn

Bình luận