Mùa xuân là Bác - Bác là mùa xuân!

Tác giả: Minh Khánh

saosaosaosaosao
Chính trị 05/02/2019 15:14

Mỗi khi Tết đến, xuân về, cả dân tộc Việt Nam lại dâng trào nỗi nhớ Bác khi không còn được nghe Người đọc thơ chúc Tết đêm giao thừa. Trong sâu thẳm trái tim mỗi người con đất Việt, hình ảnh Người vẫn luôn ngự trị, ấm áp và lan tỏa, như ánh xuân mang tia nắng rạng ngời.

 

bac ho
Ảnh tư liệu

Trước Tết hàng tháng Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiệp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Còn Bác thì có chương trình riêng cho mình và Bác thường tự chuẩn bị các việc đó.

Theo lời ông Vũ Kỳ - nguyên thư ký riêng của Bác, ngày 02/9 năm Ất Dậu (1945) là Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - một nước vừa thoát khỏi hơn 80 năm dưới ách thực dân. Đây cũng là lần đầu tiên Bác Hồ ăn Tết ở Hà Nội.

Tết Bính Tuất chỉ đến sau ngày Bác tuyên bố khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hơn 5 tháng. Chiều ngày 20/01/1946, Bác viết thư gửi cho thanh niên và nhi đồng. Bác đọc chậm rãi cho tôi viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bác còn khuyên bảo thanh niên: “Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Ngày 01/02/1946 (tức 30 Tết), từ sáng sớm Bác đã nói với tôi: “Tối nay chú đưa Bác tới thăm một số gia đình Tết nghèo, Tết vừa, Tết khá, Tết sang. Chú không phải báo trước cho bất kỳ ai”. Khi đó chúng ta mới giành được chính quyền, các thế lực phản động vẫn đang rắp tâm phá hoại cách mạng. Thấy tôi không yên tâm, Bác động viên: “Chú có biết cách bảo vệ tốt nhất là gì không? Là bí mật và bất ngờ!”. Bác nói thêm: “Dân ta rất tốt. Chú phải tin vào dân…”.

Đúng 19 giờ 30, trời tối đen và rét ngọt, Bác lên xe đi thăm một số gia đình nghèo ở Hà Nội. Xe dừng lại ở đầu ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ. Bác đi vào trong ngõ, đường mấp mô, đến một nhà ở cuối ngõ, gọi cửa, không ai trả lời. Đẩy cửa vào căn phòng hẹp, ngọn đèn dầu soi không đủ sáng, có một người nằm đắp chiếu rên trên giường. Tôi ghé vào đầu giường nói: “Cụ Hồ đến chúc Tết đó”. Không thấy tiếng đáp lại, nhưng tiếng rên không to nữa. Tôi rờ tay lên trán chủ nhà thấy sốt nóng. Bác bảo kéo chiếu lại rồi Bác cháu lặng lẽ đi ra. Ngồi trên xe, Bác nói khẽ như với chính mình: “Mai chú nhớ mang thuốc, quà và thiệp chúc Tết tới thăm hỏi”. Sáng hôm sau, khi mang thuốc, quà và thiệp chúc Tết tới thăm chúng tôi mới biết chủ nhà là người tỉnh khác về Hà Nội làm phu xe kéo, không đủ tiền về quê ăn Tết với gia đình...Xuân Đinh Hợi 1947 - năm đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. 22 giờ ngày 21/01/1947 (tức 30 tháng Chạp năm Bính Tuất), từ nơi họp Hội đồng Chính phủ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây), Bác lên xe tới trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (huyện Chương Mỹ - Hà Đông) để đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước.

hcm9_1

Mỗi khi Tết đến, xuân về, Bác cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trồng nhiều cây xanh. Ảnh tư liệu

 Trời mưa nặng hạt, đường trơn lầy lội, nhiều đoạn xe không đi nổi, mọi người, kể cả Bác phải xuống đẩy xe, gần 24 giờ xe mới tới nơi. Thật là may, Bác xuống xe đi ngay vào phòng máy của Đài đúng thời khắc giao thừa. Bác trịnh trọng đọc bài thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước. Kết thúc bài thơ là hai câu: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công !”.

Đây là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác. Từ đó trở đi, trở thành “lệ thường”, cứ đêm giao thừa 30 Tết là mọi người lại thấp thỏm chờ mong nghe Bác đọc thơ chúc Tết. Thơ chúc Tết của Bác vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân, thậm chí còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ. 22 bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đã trở thành tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.

Năm Ất Mùi 1955 là Tết Nguyên đán đầu tiên Bác ở Thủ đô Hà Nội sau 9 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi. Ngày mồng một Tết, Bác đi thăm công trường xây dựng đập nước Bắc Thái và công trường xây dựng tuyến đường sắt Mục Nam Quan.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người dân diễn ra đầy xúc động, điển hình như cuộc gặp của Bác với anh em Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội trong đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956 và cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín - một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội trong đêm 30 Tết Canh Tý 1960…

Những bài thơ, lời dạy của Bác mỗi độ Tết đến, xuân về đều chứa đựng hàm ý sâu xa nhưng cũng rất đời thực, gần gũi. Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta có viết tác phẩm: “Mừng Tết Nguyên đán”, Người căn dặn: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân’’.

Không những thế, Người còn lo xa, căn dặn chúng ta phải tiết kiệm, chống lãng phí. Việc cần kiệm để xây dựng nước nhà, mà không ai được phép quên nhiệm vụ ấy. Người cũng chỉ ra những việc đáng chê trách khi phát hiện có những nơi làm không đúng. Trong tác phẩm “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?’’, Bác viết: “Vừa rồi, vì được mùa to, 20 xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê; đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè. Cũng chưa kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi! Lãng phí tiền của và công sức là như vậy, là lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại đảng viên và chi bộ’’.

Ở chiến khu, Tết đến, Bác gói đồng tiền, đồng xu vào giấy hồng điều mừng tuổi các cháu nhỏ và đi chúc Tết các ông, bà già. Về Hà Nội, đêm giao thừa Bác đi chúc Tết đồng bào ở nhiều giai tầng khác nhau. Rồi Bác ra hồ Hoàn Kiếm, vào đền Ngọc Sơn xem đồng bào đi hái lộc, rồi Người lại lên đền Bạch Mã… Sáng mồng một Tết, Bác bảo ông Vũ Kỳ lấy tờ giấy để “Khai bút” mừng xuân mới.

Một mùa xuân mới đang về, dân tộc ta lại nhớ đến Bác Hồ và những lời căn dặn của Người - những lời trường tồn với núi sông

Ý kiến của bạn

Bình luận