Nhiều xe bị dính đinh trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. |
Như đã thông tin, sáng 6/9, công an thành phố Bắc Ninh nhận được tin báo xuất hiện nhiều xe máy, ô tô bị thủng xăm trên đoạn đường cao tốc Bắc Giang - Hà Nội theo hướng từ cầu Như Nguyệt (phường Đáp Cầu, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh) về Hà Nội.
Ngay sau đó, đơn vị đã cho lực lượng điều tra nguyên nhân vụ việc, thu đinh trên đường cao tốc về nghiên cứu và xác định số vật nhọn này do một lái xe đánh rơi trong quá trình vận chuyển.
Theo lời khai ban đầu của tài xế điều khiển xe làm rơi đinh, sau khi mua phế liệu của nhà máy sản xuất ốc vít, mái tôn ở khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang), trong quá trình vận chuyển sang Bắc Ninh không may phế liệu bị đổ ra sàn xe, rơi xuống đường.
Được biết, tại cơ quan công an, lái xe đã gửi lời xin lỗi đến người dân và mong muốn xin được xin khắc phục hậu quả.
Đại tá Nguyễn Hồng Vị - Trưởng công an Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết, thông tin ban đầu đây không phải là hành vi rải đinh ra đường nhằm kiếm lợi từ việc vá xe mà bị rơi vãi ra đường trong quá trình vận chuyển, gây thủng xăm xe cho nhiều phương tiện lưu thông.
Trao đổi về vụ việc, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, với việc công an xác định hành vi trên không phải là hành vi rải đinh ra đường nhằm kiếm lợi từ việc vá xe mà bị rơi vãi ra đường trong quá trình vận chuyển, gây thủng xăm xe cho nhiều phương tiện lưu thông, thì người lái xe có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Cụ thể, với mức xử lý hành chính, hành vi “ném đinh, rải đinh” được quy định nằm trong hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ tại điểm a, khoản 6, Điều 11 Nghị định 46/2016/N Đ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, hành vi trên sẽ bị phạt tiền với mức phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm. Ngoài ra, cá nhân vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng nếu điều khiển phương tiện để phạm tội và buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn mà mình đã rải trên tuyến đường đó.
Còn nếu hành vi gây nguy hiểm, thiệt hại đến sức khỏe, tài sản, tính mạng của người khác thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành mặc dù không quy định cụ thể về việc rải đinh, ném đinh, tuy nhiên theo điểm h, khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự 1999, hành vi rải đinh, ném đinh được coi là hành vi “rải vật nhọn” quy định nằm trong danh mục “Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ”. Tại khoản 5, Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn điều này.
Theo đó, hành vi rải đinh, ném đinh gây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản của người khác có dấu hiệu cấu thành tội hình sự có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 10 năm tùy theo mức độ thiệt hại.
Theo luật sư Tuấn Anh, hành vi rải đinh, ném đinh trên đường không đơn thuần chỉ gây tốn kém vài chục ngàn đồng vá, thay ruột xe mà nó còn gây tai nạn giao thông gây chết người. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định cụ thể hành vi này tại Điều 261 với quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Mức độ thiệt hại đối với tội rải đinh, ném đinh gây ra sẽ được tính theo phần trăm thương tật và mức độ thiệt hại về tài sản. Theo đó, mức phạt tiền tối đa là 300 triệu đồng và mức phạt tù tối đa là 10 năm tù. So sánh với quy định mới này với quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành thì mức phạt tù vẫn giữ nguyên và tặng nặng hơn về mặt kinh tế đối với người phạm tội.
“Căn cứ theo điểm p, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999, việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, khi đối tượng đã thành khẩn khai báo thì sẽ có thể được áp dụng hình thức giảm nhẹ” – luật sư Tuấn Anh phân tích thêm./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.