Nhà máy giấy Lee & Man sẽ hoạt động vào tháng 8.2016. Ảnh: Thiennhien.net |
Càng vạch vòi, câu chuyện Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, một Formosa ĐBSCL, càng khiến dư luận bất ngờ mà nguy cơ - phải dùng đến hai chữ “bức tử” - hóa ra chẳng có gì là cường điệu.
Đánh giá tác động môi trường chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân, và được nghiễm nhiên coi như cộng đồng dân cư đôi bờ sông Hậu.
Công suất của trạm xử lý nước thải nhỏ hơn tổng nhu cầu nước. Và thứ nước thải đó, dù được cam kết là tốt, nhưng không tái sử dụng mà xả thẳng ra sông.
Tổng kinh phí dành cho giám sát chất lượng nước thải chính xác là 43,96 triệu đồng/năm, trong tương quan với nguy cơ thủy sản tự nhiên của sông Hậu, của các kênh rạch, thủy sản vùng cửa sông Trần Đề và có thể toàn bộ vùng ven biển ĐBSCL bị ảnh hưởng nếu nước thải có độc.
Đúng là một câu chuyện đùa. Đúng là “đặt dao trước yết hầu”.
Nhưng câu chuyện “mũi dao trên yết hầu sông Hậu” này đang cho thấy một vấn đề lớn hơn. Rằng nguy cơ công nghệ hủy hoại môi trường không chỉ là những tiếng chuông trên giấy nữa. Mà bằng cách này cách khác qua mọi cửa cơ quan chức năng trong suốt nhiều năm qua đã hiện hữu bằng... ô nhiễm trên mảnh đất này. Có khi nào Việt Nam đã thực sự trở thành nơi mà người ta đặt các nhà máy xả thải khi không thể đặt ở chính quốc?
Năm 2008, khi vụ Vedan 14 năm đầu độc sông Thị Vải được chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên khi ấy đã giải thích “tình trạng môi trường của Việt Nam ô nhiễm nghiêm trọng do lịch sử để lại”. Rằng tiền đề của công nghiệp hóa là “80% các cơ sở và nhà máy đều có công nghệ từ những năm 1980, 1970 và 1960...”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyên khi ấy cũng dẫn Ngân hàng Thế giới cảnh báo “Cứ 1% tăng trưởng mà không có giải pháp bảo vệ môi trường thì môi trường sẽ kém đi ba lần tức là sẽ mất đi 3%...”.
Nhưng sau Vedan, là Formosa... và giờ là nguy cơ Lee & Man.
Rõ ràng, không chỉ có một con dao trên sông Hậu. Rõ ràng, không phải chỉ đến giờ chúng ta mới nhìn thấy “mũi dao ấy”.
Sau gần 10 năm, đã qua 2 nhiệm kỳ bộ trưởng, lịch sử để lại không thể cứ mãi là lý do để giải thích cho ô nhiễm.
Bởi những lưỡi dao trên yết hầu đang cho thấy cái cách chúng ta chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá cần phải được chấm dứt.
Đó mới thực sự là cái kết có hậu cho không chỉ sông Hậu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.