Nhiều người thường có thói quen leo lên hè mỗi khi tắc đường - Ảnh minh họa (Báo Giao thông) |
Ùn tắc giao thông đã và đang là căn bệnh khó chữa của giao thông Hà Nội và cũng là nỗi vất vả, nhọc nhằn của hàng triệu người khi tham gia giao thông. Vào giờ cao điểm, các phương tiện luôn tìm mọi cách, từ trèo lên vỉa hè đến rẽ ngang, rẽ dọc để "né" các điểm ùn tắc, gây nên tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Vậy là từ mong muốn đi nhanh hơn một chút, vượt qua các phương tiện khác sớm một chút đã khiến nhiều nút giao thông ở Thủ đô trở thành những mớ bòng bong, lộn xộn, và ùn tắc giao thông theo đó càng kéo dài hơn.
Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giao thông ở Hà Nội trở nên lộn xộn, ùn tắc chính là do ý thức của người tham giao thông còn hạn chế, đặc biệt ở những tuyến đường hay nút giao thông đông đúc hoặc nơi vắng bóng cảnh sát giao thông. Mỗi khi ùn tắc, hình ảnh thường thấy là nhiều tài xế cho xe tìm cách quay đầu khiến giao thông nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Việc xế hộp dàn hàng, lấn làn xe máy cũng thường xuyên diễn ra mà chưa có cách nào khắc phục. Nhiều người đi xe máy cũng không hơn gì tài xế ôtô khi thường xuyên tạt đầu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi không đúng làn quy định...
Có thể nói, ôtô mất làn, xe máy mất lối là điển hình của sự thiếu văn minh giao thông Việt Nam mà ít nơi nào trên thế giới mắc phải. Tại các quốc gia phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông đều có ở các thành phố lớn nhưng không bị rối loạn và để lại những hình ảnh xấu xí trong mắt khách du lịch quốc tế như ở Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Tân, một người dân ở Hà Nội phản ánh: "Vào giờ cao điểm, mọi người thường xuyên đi lên vỉa hè, đi ngược chiều đường, rất nhiều vi phạm về giao thông diễn ra và ý thức của nhiều người còn rất kém. Tôi chứng kiến nhiều vụ người đi ngược chiều đâm vào người đi đúng chiều ngã ra đường, xong cũng không giúp đỡ. Mọi người xung quanh đây phải chạy ra nâng dậy".
Trong các chia "né" đường tắc, đầu tiên, phải nhắc đến kế sách leo xe lên vỉa hè khi tắc đường. Bởi từ lâu, vào giờ cao điểm vỉa hè bất đắc dĩ đã trở thành lối đi dành cho người đi xe máy. Vậy là, hàng loạt tuyến phố trên địa bàn Thủ đô khi rơi vào cảnh ùn tắc thì lòng đường cũng như vỉa hè, đều là nơi lưu thông của các dòng phương tiện. Xe máy là loại phương tiện gặp phổ biến nhất khi đi trên vỉa hè. Với những tuyến phố phải nhích từng centimet, thì cách leo lên vỉa hè để đi nhanh hơn dường như được người dân Hà Nội sử dụng triệt để. Trong khi dòng phương tiện đang bị chôn chân giữa đường thì nhiều người điều khiển xe máy đã kịp "phóng" lên vỉa hè để tìm cách thoát ùn tắc rất nhanh chóng.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bức xúc về tình trạng này: “Tôi thường xuyên đi bộ trên vỉa hè nhưng bản thân luôn sợ nguy hiểm, vì vào giờ cao điểm nhiều người lái xe máy ngang nhiên đi trên lề đường dành cho người đi bộ. Nhiều người dù đi trên vỉa hè nhưng đi rất nhanh nên rất dễ xảy ra tai nạn”.
Ngoài cách lấy vỉa hè làm đường để lưu thông, nhiều người dân còn ngang nhiên điều khiển xe đi ngược chiều để thoát khỏi những tuyến phố tắc nghẽn. Hành vi của nhiều người tham gia giao thông phóng nhanh đi ngược chiều trong khi hướng ngược lại đang ùn tắc không chỉ khiến việc giải tỏa ùn tắc gặp nhiều khó khăn mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Nóng ruột khi phải chôn chân hàng chục phút trên một tuyến đường chỉ chưa đầy 1km, nhiều người đã bê hẳn xe qua dải phân cách để đi về hướng ngược lại.
Thêm vào đó, trong những giờ cao điểm, việc chờ đèn tín hiệu giao thông là một việc cần độ kiên nhẫn cao với những người tham gia giao thông. Đối với những tuyến phố là điểm nóng về ùn tắc, để vượt qua được các ngã tư thì người dân phải đợi ít nhất từ 2 đến 3 nhịp đèn đỏ. Vì vậy, nhiều phương tiện cố gắng "luồn lách" để có một vị trí chờ đèn đỏ thuận lợi.
Tại nhiều điểm dừng chờ đèn tín hiệu giao thông, khi có tín hiệu đèn đỏ, hàng loạt phương tiện đã dồn lên phía trước để đứng chờ. Khi dứt tín hiệu đèn đỏ, họ lao nhanh về phía trước để vượt qua hàng trăm phương tiện đang bị dồn ứ lại phía sau.Việc tham gia giao thông thiếu ý thức như thế này gây cản trở và nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông khác.
Anh Chu Văn Thiện, lái xe hãng taxi Thế Kỷ Mới cho biết cũng khẳng định, tình trạng "mạnh ai nấy đi", không nhường nhịn khi tham gia giao thông là nguyên nhân chính gây ức chế đối với những người lái xe. Anh thường xuyên quan sát thấy tình trạng phương tiện ô tô dàn hàng ngang, chiếm hết phần đường của xe máy, buộc họ phải leo lên vỉa hè, gây nên cảnh hỗn loạn.
Anh Chu Văn Thiện chia sẻ, nếu mọi người biết nhường nhịn nhau thì tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ giảm đi rất nhiều: “Áp lực giao thông cũng tăng rất cao mà người dân mình đa số nôn nóng, không chịu nhường nhịn. Nhiều khi tại những điểm quay đầu xe, tôi đã nhường tới 5-6 xe đi qua nhưng không có xe nào chịu nhường mình nên đành cố phải bon chen vào. Tôi mong mỗi người tham gia giao thông có ý thức nhường nhịn nhau, tuân thủ luật lệ giao thông và cán bộ điều khiển giao thông; khi mọi người tuân thủ theo nghĩa là đường sẽ không tắc”.
Theo quy định hiện nay, hành vi điều khiển xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và sẽ bị phạt tiền từ 300.000 tới 400.000 đồng; đối với ô tô có thể bị phạt 800.000 tới 1.200.000 đồng. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, nhiều người tham gia giao thông vẫn bất chấp những quy định này, đi theo kiểu "mạnh ai nấy đi" gây ảnh hưởng lớn tới giao thông.
Để thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và ngăn ngừa tai nạn trên địa bàn Thủ đô thì cùng với các giải pháp về tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông, tổ chức điều hành giao thông cho phù hợp, lực lượng chức cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi thông tin phản ánh, góp ý của người dân làm cơ sở điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, một trong những giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn là tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên tuyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho người dân kết hợp với xử lý nghiêm các vi phạm.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng ta cần nâng cao văn hóa nhường nhịn, không tranh thủ khi vắng bóng lực lượng chức năng để dừng, đỗ xe trái quy định, đi lấn làn đường hay không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không chở hàng hóa cồng kềnh gây mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông khác. Trong đó lưu ý việc xác định được khoảng thời gian để di chuyển một cách hợp lý, không vì một chút vội vàng mà có thể gây ra TNGT, hay tạo ra xung đột dẫn tới ùn tắc giao thông cho cả người điều khiển phương tiện giao thông và những người khác”.
Như vừa nêu, một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn đô thị là tình trạng các phương tiện không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, luôn tìm cách luồn lách, né tránh khi gặp điểm ùn ứ giao thông khiến việc lưu thông của các phương tiện khác gặp nhiều khó khăn và tình trạng ùn tắc trở nên phức tạp. Mọi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông – như một cách để bảo vệ sự an toàn của bản thân và góp phần đảm bảo ATGT nói chung.
Đây là ý kiến chung nhất đã được ghi lại qua nhiều ý kiến đóng góp để khắc phục tình trạng vi phạm giao thông trên địa bàn Thủ đô: "Hiện nay ý thức người dân vẫn chưa cao, nhiều người vẫn còn thói quen xấu khi tham gia giao thông. Do đó, để giải quyết tình trạng này, ngoài nỗ lực của địa phương và lực lượng chức năng, rất cần đến sự giúp sức của truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân thì tình trạng này mới sớm cải thiện". Một ý kiến khác chia sẻ: “Trong quá trình tham gia giao thông, chúng tôi đề nghị bà con phải tuân thủ các quy tắc giao thông, tuân thủ sự hướng dẫn của lực lượng chức năng. Trong những ngày cao điểm giao thông, chúng ta nên có sự nhường nhịn lẫn nhau, tránh chen lấn, xô đẩy bởi chỉ cần vài người có tâm lý vội vàng sẽ làm ảnh hưởng tới rất nhiều người khác”.
Có thể thấy rõ, ý thức giao thông hạn chế đưa tới một bức trang giao thông lộn xộn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo các nhà quản lý và chuyên gia giao thông, việc xây dựng nền tảng ý thức giao thông sẽ giúp cải thiện phần nào những tồn tại của bức tranh giao thông hiện nay.
Theo đó, để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông là công cuộc đòi hỏi mọi người phải tham gia một cách tích cực, thường xuyên, liên tục, với nhiều biện pháp đồng bộ; gắn tuyên truyền giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông với xử lý kiên quyết, triệt để luật pháp. Bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức là những chế tài, cách xử lý đủ mạnh để răn đe, điều chỉnh ý thức và hành vi của những người tham gia giao thông. Có như vậy, mới mong dần hình thành nên những nét văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.