Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã hạ thấp kỳ vọng trước cuộc họp tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc lại gặp nhau tại Bắc Kinh trong 2 ngày (28 và 29-3) trong nỗ lực thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại đang phủ bóng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đến Bắc Kinh cho vòng đàm phán thương mại mới với các quan chức Trung Quốc, vốn do phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.
Những tín hiệu mừng
Kể từ đầu năm 2018, hai gã khổng lồ kinh tế này đã bị khóa trong một cuộc chiến thương mại leo thang, trong đó chứng kiến việc hai bên liên tục áp thuế trả đũa hàng trăm tỷ USD nhằm vào nhau. Hy vọng về một thỏa thuận thương mại ở ngay trước mắt - và được chờ đợi từ lâu - đã được củng cố gần đây khi có những nguồn tin có khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4 tới.
Các cuộc hội đàm mới nhất này, cũng sẽ diễn ra tại Washington vào tuần tới, là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên mà 2 bên đã tổ chức trong vài tuần sau khi hoãn lại vào cuối tháng 3. Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, trên bàn đàm phán, Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất đàm phán cụ thể hơn, mạnh hơn so với trước đây, trong đó có vấn đề về chuyển giao công nghệ. Điều này mang đến hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận mà Mỹ kiên quyết phải bao gồm những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc. Quan chức này cho hay: “Họ (các quan chức Mỹ-Trung) đang thảo luận về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc theo cách mà trước đây họ chưa bao giờ muốn nói tới, cả về mặt phạm vi và chi tiết cụ thể”.
Sau cuộc họp, các quan chức Mỹ cho biết, hai bên đã đạt tiến triển trong tất cả các lĩnh vực đang thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại, với một sự biến chuyển chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc.
Vẫn đầy bi quan
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Giới quan sát cũng cho rằng, cho dù cuộc đàm phán lần này có thành công hay không, Mỹ -Trung khó có khả năng hòa giải trên một số mặt trận chính trị và kinh tế quan trọng. Người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei - là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Trong 12 tháng qua, chính quyền ông Trump gây áp lực lên các nước trên thế giới không sử dụng thiết bị Huawei trong việc phát triển mạng, cho rằng, các sản phẩm do Cty của Trung Quốc sản xuất gây nhiều nguy cơ an ninh mạng. Chính quyền ông Trump cũng đã thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng, cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ do Huawei hoặc Cty ZTE nhỏ hơn của Trung Quốc do lo ngại, các Cty này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và việc sử dụng công nghệ này có thể để các cơ quan mở cho giám sát của Trung Quốc. Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc, nhưng cuộc chiến vẫn ngày càng bế tắc.
Trong nỗ lực chống lại Washington, Huawei hồi tháng này đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, cáo buộc họ phân biệt đối xử và cho rằng, đây là hành động vi hiến. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng liên tục chỉ trích cáo buộc của Mỹ nhằm vào Huawei, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện “tất cả biện pháp cần thiết” để bảo vệ “các quyền hợp pháp” cho các Cty và cá nhân của gã khổng lồ Châu Á này. Phía Bắc Kinh miêu tả vụ Mỹ nhằm vào Huawei là “sự đàn áp chính trị có tính toán”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.