Tổng thống Donald Trump từng đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ - Hàn. Ảnh: reuters |
Theo CNBC, đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, hôm 4/10 cho biết ông mong muốn thảo luận về việc giải quyết các vấn đề thực hiện và sửa đổi Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ - Hàn, được gọi là Korus, hơn là hủy bỏ toàn bộ.
Điều này cho thấy sự thay đổi rõ rệt, mang âm điệu hòa giải hơn so với lời tuyên bố chấm dứt thương mại với Hàn Quốc của Tổng thống Trump được đăng trên tờ The Wall Street Journal hồi cuối tháng 8/2017.
“Thật khó để tưởng tượng ra một điều gì khác có thể mang lại nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia hơn là việc rút khỏi Korus. Chúng tôi kêu gọi chính quyền không nên thực hiện hành động vô trách nhiệm này”, ông Thomas Donohue, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, bày tỏ sự phản đối rõ ràng với lời đe dọa của chính quyền Trump.
Thượng nghị sĩ Joni Ernst, đảng viên đảng Cộng hòa thuộc tiểu bang Iowa, người từng được biết đến là nhân vật đồng hành thân thiết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, cũng đã gửi một lá thư tới Nhà Trắng để bày tỏ sự ủng hộ Korus. Bà lưu ý rằng Hàn Quốc là thị trường lớn thứ năm trong xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ vào năm 2016.
Trong khi đó, một số ý kiến khác bảo vệ Korus lập luận rằng đây nên là lúc Mỹ cần phải có sự hợp tác để đối phó với căng thẳng chính trị leo thang với Triều Tiên. “Thậm chí ngay cả khi bạn không thích hiệp định thương mại này, thì đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để phá vỡ nền tảng mối quan hệ đối tác của chúng ta và Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng tăng. Chúng ta nên cố gắng giữ mối quan hệ theo tinh thần chiến lược địa chính trị cũng như kinh tế”, bà Miriam Sapiro, Phó đại diện thương mại Mỹ, người hiện là giám đốc văn phòng công ty quan hệ công chúng Finsbury ở Washington D.C, nói.
Bà Sapiro cũng chỉ ra một lý do khác để Mỹ nên tập trung duy trì Korus, đó là sự cần thiết của tính chắc chắn. “Việc có một hiệp định thương mại sẽ bảo đảm về tính chắc chắn cho doanh nghiệp. Họ sẽ biết rõ mức thuế quan như thế nào, và nếu họ là nhà cung cấp dịch vụ họ cũng sẽ biết có thể cung cấp những loại dịch vụ nào và loại dịch vụ nào bị hạn chế. Đây là điều mà giới doanh nghiệp rất quan tâm nếu hiệp định bị phá vỡ”, bà Sapiro cho hay.
Bà Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, cũng bày tỏ những lo ngại tương tự. Nhưng tệ hơn là ngay cả khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc chuyển sang hướng tích cực hơn thì giọng điệu ban đầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tiến bộ của hai bên. “Khi bạn bắt đầu thỏa thuận với những lời chỉ trích đã được đưa ra trước đó thì giọng điệu của bạn sẽ không được như khi bạn thỏa thuận với tất cả thiện chí ban đầu. Một khi bạn đã lên tiếng đe dọa sẽ hủy bỏ hợp đồng thì sẽ luôn có một chút khó khăn để quay đầu trở lại”, bà Elms nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.