Mỹ lo sợ tàu điện Trung Quốc trở thành công cụ gián điệp

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Ứng dụng 31/10/2019 06:39

Từ năm 2014, CRRC (Trung Quốc) - nhà sản xuất tòa tàu chở khách và hàng hóa lớn nhất thế giới - đã giành được số hợp đồng trị giá tới 2,6 tỷ USD tại Mỹ.

crrc
Tàu điện cao tốc của CRRC. Ảnh: Nikkei

Theo Bloomberg, CRRC đang gây nhiều lo ngại tại Mỹ. Đây là nhà sản xuất toa tàu chở khách và hàng hóa lớn nhất thế giới. Trong vòng 10 năm qua, công ty Trung Quốc đã “xâm nhập” hàng loạt quốc gia, giành giật mối làm ăn từ tay các đại gia phương Tây như Alstom, Bombardier, Siemens và Hyundai Rotem.

Khi Siemens (Đức) và Alstom (Pháp) lên kế hoạch sáp nhập hồi 2 năm trước (nhưng bị các cơ quan Liên minh châu Âu cản trở), hai công ty khẳng định CRRC là mối đe dọa lớn. Trên thực tế, CRRC đã xóa sổ ngành công nghiệp sản xuất toa tàu hỏa ở Australia trong vòng chưa đầy một thập kỷ.

Đầu năm ngoái, CRRC tuyên bố trên Twitter: “Đến nay, 83% sản phẩm đường sắt toàn cầu do CRRC điều hành hoặc thuộc sở hữu của CRRC. Còn bao lâu nữa để chúng tôi chinh phục nốt 17% còn lại?”. Đoạn tweet gây xôn xao này sau đó bị xóa đi.

Bị phản đối tại Mỹ

Từ năm 2014, CRRC đã thắng thầu hàng loạt hợp đồng cung cấp toa xe tàu điện ngầm tại các thành phố Mỹ, bao gồm Boston, Chicago, Los Angeles và Philadelphia. Công ty này có hai nhà máy sản xuất toa tàu ở Chicago và Springfield (Massachusetts) cùng một cơ sở chế tạo phụ tùng tại Los Angeles.

Tuy nhiên, tương lai của CRRC tại Mỹ là một dấu chấm hỏi lớn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ. Bốn nhà sản xuất Mỹ đã thuyết phục Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua luật chặn nguồn vốn liên bang đổ vào các dự án giao thông sử dụng toa tàu do CRRC sản xuất.

Những người phản đối CRRC cho rằng công ty này sẽ tận dụng lợi thế đặc thù là được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ để “xâm chiếm” ngành công nghiệp sản xuất toa tàu chở khách và tàu hàng Mỹ. Họ cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể biến toa tàu CRRC thành công cụ gián điệp kinh tế và quân sự.

Hàng loạt nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về CRRC. Hồi tháng 7, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cảnh báo: “Trung Quốc là mối đe dọa phản gián lớn nhất đối với Mỹ”. Ông chỉ trích Trung Quốc “ăn cắp của Mỹ để thăng hạng kinh tế”.

nhamay
Nhà máy của CRRC tại Springfield, Massachusetts. Ảnh: Bloomberg

Nhà vận động hành lang của Liên minh An ninh Đường sắt (RSA) - đại diện 4 công ty sản xuất toa tàu hàng Mỹ - khẳng định cần phải thận trọng với CRRC. “Để tránh rủi ro thì không nên mua sản phẩm của CRRC”, ông nhấn mạnh.

Trên thực tế, các công ty Mỹ không sản xuất toa tàu chở khách. Nhìn chung, người Mỹ thích đi xe ôtô riêng hơn là đi tàu. Các doanh nghiệp cung cấp toa tàu cho thị trường Mỹ là Alstom (Pháp), Hyundai Rotem (Hàn Quốc), Kawasaki (Nhật Bản), Siemens (Đức) và CRRC.

Lợi thế lớn

Theo sáng kiến “Made in China 2025” của chính quyền Bắc Kinh, sản xuất thiết bị đường sắt công nghệ cao là một trong 10 ngành công nghiệp chủ chốt có thể đưa nước này thành “siêu cường toàn cầu”.

Năm ngoái, CRRC đạt doanh thu 33,1 tỷ USD và lãi ròng 1,5 tỷ USD. Hãng này giành hợp đồng Mỹ đầu tiên ở Boston 5 năm trước và thắng thầu sản xuất toa tàu cho Chicago và Los Angeles ngay sau đó. CRRC thắng thầu chủ yếu nhờ cam kết cung cấp sản phẩm với mức giá rẻ hơn các đối thủ phương Tây và Hàn Quốc.

Những người phản đối cho biết CRRC có thể cung cấp sản phẩm với mức giá rẻ hơn đối thủ nhờ nhận trợ cấp lớn của chính phủ Trung Quốc. Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, CRRC nhận trợ cấp 194 triệu USD năm 2014 và 268,7 triệu USD vào năm sau.

Mối đe dọa từ CRRC đối với ngành sản xuất toa tàu hàng tại Mỹ mới gây nhiều lo ngại. Đây là ngành công nghiệp nội địa khỏe mạnh tại Mỹ với doanh thu hàng năm 5 tỷ USD và tạo ra 65.000 công ăn việc làm.

Toa tàu chở khách với điều hòa và các tiện ích khác có giá lên tới hơn 1 triệu USD/toa, trong khi toa tàu hàng chỉ khoảng 150.000 USD/toa. Kinh doanh tàu hàng cũng ổn định hơn tại Mỹ và không tốn nhiều chi phí đầu tư.

Các đô thị tại Mỹ dùng ngân sách liên bang để mua toa tàu chở khách phải tuân thủ luật “Buy American” (Mua hàng Mỹ) (mua một tỷ lệ tối thiểu thiết bị, phụ tùng của các nhà cung cấp Mỹ). Tuy nhiên luật này không áp dụng với toa tàu hàng.

CRRC khẳng định tham vọng tấn công vào lĩnh vực toa tàu hàng tại Mỹ từ năm 2014 khi lập công ty Vertex Railcar để sản xuất toa tàu hàng tại cơ sở ở Wilmington. Vertex ngừng hoạt động hồi năm ngoái do các rắc rối pháp lý.

Khả năng nghe lén

CRRC gây lo ngại bởi các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc thường dựa vào nguồn hàng từ chính các nhà cung cấp Trung Quốc. Tháng 9/2016, hơn 50 nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ lo ngại CRRC sẽ chỉ mua hàng từ Trung Quốc, biến các nhà máy tại Mỹ thành dây chuyền lắp ráp đơn thuần.

Năm ngoái, quy định chặn vốn liên bang chảy vào các dự án đô thị sử dụng toa tàu của CRRC bị loại bỏ khỏi dự luật chung trước khi được Tổng thống Donald Trump ký thông qua. Các công ty Mỹ vẫn đang nỗ lực vận động để lệnh cấm được thông qua với lý do CRRC là mối đe dọa an ninh mạng.

Đây là thời điểm thuận lợi để các công ty Mỹ chống lại sự bành trướng của CRRC. Lầu Năm Góc đã cấm điện thoại Huawei và ZTE tại các căn cứ quân sự Mỹ. Quân đội Mỹ ngừng sử dụng camera an ninh do Hangzhou Hikvision Digital Technology sản xuất.

Bắc Kinh cũng đang đối mặt cáo buộc cài thiết bị nghe lén tại trụ sở Liên hiệp châu Phi (AU), do công ty Trung Quốc xây ở thủ đô Ethiopia. Một số chuyên gia quân đội Mỹ lo ngại các toa tàu của CRRC bị cài thiết bị nghe lén tương tự.

Năm ngoái, có tin CRRC tham gia đấu thầu cung cấp toa xe tàu điện ngầm cho hệ thống metro ở Washington. Ngay lập tức, mối lo ngại bùng lên bởi tàu điện ngầm Washington chạy gần Lầu Năm Góc và đồi Capitol. Các công ty Mỹ tiếp tục vận động để thông qua lệnh cấm sản phẩm CRRC.

Chuẩn tướng John Adams của quân đội Mỹ cho biết với dịch vụ bảo hành các toa tàu, CRRC hoàn toàn có thể cài “cửa sau” gián điệp thông qua hoạt động cập nhật phần mềm. Báo cáo mới đây của tổ chức Veretus Group cũng khẳng định thị trường đường sắt Mỹ là mục tiêu của tình báo Trung Quốc.

“Hệ thống đường sắt Mỹ trở thành mục tiêu bị tấn công bởi nó quá rộng và phức tạp”, hãng nghiên cứu Oliver Wyman khẳng định. Các công nghệ tích hợp như Wi-Fi và GPS càng khiến hệ thống đường sắt dễ bị tổn thương.

Ý kiến của bạn

Bình luận