Chiến đấu cơ F-15 cất cánh từ căn cứ Incirlik trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP |
Số bom trọng lực hạt nhân B61 tại căn cứ không quân Incirlik, cách biên giới Syria khoảng 160 km, đang làm phức tạp thêm tính toán của Washington liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong những ngày gần đây, giới chức chính quyền Mỹ đã âm thầm xem xét kế hoạch di chuyển những quả bom này, theo báo New York Times ngày 14-10. Bài báo dẫn lời một quan chức cấp cao nói rằng những quả bom của Mỹ đã trở thành con tin trong tay Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan và việc đưa chúng ra khỏi Incirlik sẽ là sự chấm dứt thực tế liên minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch di dời số bom này vẫn thường xuyên được xem xét nhưng chưa bao giờ được đưa vào hành động. Giới chức Mỹ không được phép thảo luận về sự tồn tại của số bom được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4 quốc gia thành viên NATO khác nhưng chúng lại là bí mật ai cũng biết.
Thực ra, chúng là di tích thời chiến tranh lạnh không có chức năng hoạt động trong kế hoạch chiến tranh. Để triển khai chúng, Mỹ sẽ phải đưa máy bay đến để chở chúng đi. Thổ Nhĩ Kỳ không có máy bay được chứng nhận mang vũ khí hạt nhân.
Các cuộc thảo luận trong NATO trong 3 thập kỷ qua về việc di chuyển chúng đã gây ra sự phản đối từ các quốc gia thành viên, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - họ xem chúng là biểu tượng quý giá cam kết của Mỹ bảo vệ họ thông qua việc ngăn chặn mở rộng.
Một cựu quan chức cho biết chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã từng thảo luận về vấn đề phải làm gì với số bom này, cả vì chương trình giải trừ vũ khí của ông Obama lẫn nỗi lo ngại an ninh sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Căn cứ trên đã được sử dụng bởi một số người lập kế hoạch đảo chính, trong đó có một vị tướng, nhân vật đã có lúc tìm kiếm sự bảo vệ nơi các đồng nghiệp Mỹ nhưng đã bị từ chối. Chính phủ ông Erdoğan đã cắt điện căn cứ này trước khi xông vào bắt giữ nghi phạm.
Phản ứng trước đề xuất có thể di chuyển số bom này đi, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình - theo lời một cựu quan chức Mỹ.
"Các vấn đề tiềm tàng đã được thảo luận trong suốt hơn một thập kỷ. Bây giờ, cuối cùng đã đến lúc đây là vấn đề chúng ta không thể phớt lờ được nữa" - vị cựu quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng Mỹ không cần sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ để dời số vũ khí đó đi. Theo ông, Mỹ có thể làm điều đó một cách đơn phương và Mỹ nên làm việc đó đơn phương và làm ngay lập tức.
Tuy nhiên, ông Vipin Narang, chuyên gia hạt nhân và nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận xét việc di dời số vũ khí này không hề đơn giản.
"Việc di dời chúng trong những tình huống như hiện nay có thể là rất nguy hiểm vì sẽ liên quan đến việc đưa 50 quả bom hạt nhân ra khỏi các căn hầm, di chuyển chúng trên một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ và chở chúng ra khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng có thể dễ gặp rủi ro, bị trộm cắp hoặc tấn công" - ông Narang nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.