Cụ thể, tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước UB Thường vụ Quốc hội đề xuất dành và chuyển nguồn sang năm 2015 về dự toán NSNN năm 2015, để thực hiện chính sách tiền lương 10.000 tỷ đồng; Thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) cho 3 địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) hơn 1.600 tỷ đồng;
Chính phủ hỗ trợ đầu tư trở lại từ số vượt thu tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ cho các địa phương hơn 208 tỷ đồng; Bổ sung kinh phí xử lý nhu cầu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho 2 ngân hàng chính sách trên 6.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cũng đề xuất bổ sung thu hồi kinh phí NSTW đã ứng chi đảm bảo các nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia: 4.600 tỷ đồng; bổ sung kinh phí mua bù lương thực dự trữ quốc gia đã xuất cấp 1.170 tỷ đồng.
Tán thành với các nội dung này nhưng về khoản 4.100 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình – Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc lại.
Ông Hiển cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, điều kiện ngân sách trung ương còn khó khăn, cần dành thêm nguồn lực đáp ứng nhu cầu chi cấp bách và đầu tư xây dựng các dự án giao thông, thủy lợi phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội có tính vùng, miền, khu vực.
Do vậy, chỉ nên bố trí khoảng 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, giảm so với phương án Chính phủ trình.
Về khoản hỗ trợ bù giảm thu ngân sách cho các địa phương, ông Hiển cũng cơ bản nhất trí nhưng lưu ý không bù hụt thu đối với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh do đã được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nêu trên.
Về khoản bổ sung kinh phí thực hiện một số chính sách an sinh xã hội 6.300 tỷ đồng, Thường trực UB Tài chính Ngân sách thấy rằng, khả năng giải ngân từ nay đến cuối năm khó có thể sử dụng hết nguồn kinh phí này, nhất là khoản hỗ trợ chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét kỹ, có thể cân nhắc chỉ bố trí khoảng 5.300 tỷ đồng đối với các nhiệm vụ này, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Giao Chính phủ phân bổ cụ thể kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Sau khi rà soát, cân nhắc điều chỉnh lại các nội dung trên, số kinh phí bố trí giảm so với phương án Chính phủ trình khoảng gần 1.700 tỷ đồng.
Số kinh phí giảm gần 1.700 tỷ đồng này được bố trí bổ sung vốn đối ứng ODA với một số dự án trọng điểm; bố trí tăng vốn đầu tư sớm hoàn thành cho một số dự án thủy lợi cấp bách phục vụ phòng, chống hạn hán nghiêm trọng ở khu vực Nam Trung bộ (như dự án Hồ Tân Mỹ, Ninh Thuận); dự án đầu tư đường 991B kết nối Quốc lộ 51 với hệ thống cảng Cái Mép…
Theo Dân Trí
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.